HOSE: 9 năm, một diện mạo mới
Nhìn lại 9 năm ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chia sẻ, từ sự bỡ ngỡ ban đầu, những thành viên tham gia thị trường đã hiểu thế nào là thị trường chứng khoán và biết cần phải làm gì cho sự phát triển dài hạn của thị trường.
Chín năm có phải là chặng đường quá dài để đi từ sự bỡ ngỡ đến hiểu biết về thị trường chứng khoán không, thưa ông?
Vấn đề là chúng ta không chỉ có nghiên cứu, học hỏi mà đã bắt tay vào xây dựng thị trường, vừa làm vừa học, trải nghiệm thực tế. Và chúng ta đã đi đúng con đường cho sự phát triển của thị trường. Chín năm qua đã có rất nhiều việc lớn được hoàn thành, từ khớp lệnh định kỳ đến khớp lệnh liên tục xác định giá đóng cửa, mở cửa. Ngày 12/1 vừa qua đã chính thức bỏ sàn, áp dụng giao dịch điện tử. Trước đây, khi cổ phiếu lên niêm yết phải định giá, nhưng bây giờ giá niêm yết do thị trường quyết định; bớt can thiệp vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính.
Tôi còn nhớ khi thị trường mới ra đời, công ty chứng khoán, nhà đầu tư hiểu rất ít về chứng khoán, Sở cũng như vậy. Có giám đốc công ty chứng khoán chưa biết phiếu lệnh như thế nào, nhưng vẫn có nhiệm vụ lên kế hoạch hoạt động cho công ty chứng khoán. Tất cả bắt tay vào làm trong sự bỡ ngỡ.
Từ chỗ rất ít người biết, đến nay dường như ai cũng quan tâm đến thị trường chứng khoán. Bộ máy nhân sự của Sở cũng trưởng thành hơn, môi trường pháp lý ngày càng minh bạch. Sau 9 năm, từ thị trường chứng khoán bỡ ngỡ ban đầu đã phát triển lên một bước cao hơn, hợp tác với rất nhiều thị trường trên thế giới, được nhiều nước trên thế giới biết đến, theo dõi và có xu hướng đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói, 9 năm qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc.
Vậy những việc lớn đang và sẽ thực hiện là gì?
Hiện nay, Sở đã trình Bộ Tài chính phương án chọn nhà thầu cung cấp hệ thống công nghệ mới cho hai sàn TP. HCM, Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Hệ thống mới đáp ứng yêu cầu áp dụng các sản phẩm của thị trường phát triển như sản phẩm phái sinh, áp dụng nhiều công cụ giám sát cao hơn. Phần mềm này trị giá 30 triệu USD, dự kiến cuối năm 2010 đưa vào vận hành, đáp ứng dung lượng giao dịch của thị trường lớn hơn trong 10 đến 20 năm tới.
Sở cũng đang đưa vào áp dụng các chuẩn mực công bố thông tin khắt khe hơn, công bố thông tin điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường.
Trong năm nay, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ niêm yết, hệ thống phần mềm hiện tại có đáp ứng được yêu cầu không, thưa ông?
Hiện có 17 hồ sơ doanh nghiệp đăng ký niêm yết nộp ở Sở. Nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân có kế hoạch niêm yết cổ phiếu. ề phía nhà đầu tư, hiện có hơn 600.000 tài khoản đăng ký. Trong khi đó, phần mềm hiện tại của HOSE có khả năng đáp ứng 3 triệu tài khoản hoạt động. Cuối năm 2010, vận hành hệ thống phần mềm mới có khả năng đáp ứng vài chục triệu tài khoản hoạt động.
Sàn TP. HCM chuyển từ mô hình hoạt động trung tâm sang sở giao dịch đã được 2 năm. Cơ chế quản lý mới đã phát huy tác dụng như thế nào, thưa ông?
Sở đã tự chủ trong các quyết định về tài chính, tổ chức nhân sự. Nguồn thu của Sở hiện nay đủ trang trải chi phí hoạt động thông thường. Tất nhiên, các khoản đầu tư lớn vẫn do ngân sách nhà nước tài trợ. Sắp tới, Sở phát triển các dịch vụ như cung cấp thông tin qua tin nhắn, điện thoại… Có nhiều việc thị trường cần, Sở muốn làm, nhưng đang triển khai dần dần, ưu tiên tính cấp bách của từng việc.
Trong khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 9 của thị trường chứng khoán thì thị trường đang giảm điểm. Ông có cho rằng, sự điều chỉnh của thị trường như vậy là hợp lý và ông đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường từ nay đến cuối năm?
Khi nền kinh tế có dấu hiệu tốt thì thị trường chứng khoán khởi sắc. Nếu thị trường tăng nhanh quá thì nguy hiểm, điều chỉnh vừa phải là hợp lý. Nếu điều chỉnh sâu quá lại là cú sốc cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Số nhà đầu tư mới bỏ tiền vào chứng khoán thời gian qua là khá nhiều.
Hiện nay, nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 70% giao dịch của thị trường, còn nhà đầu tư tổ chức 30%, nên thị trường rất dễ biến động do ảnh hưởng tâm lý nhất thời. Nếu tỷ lệ này là 50/50 thì thị trường sẽ ổn định hơn. VN-Index từ nay đến cuối năm 2009, theo tôi, xoay quanh 500 điểm là tốt.
Quy mô sàn HOSE tính đến ngày 2/7/2009 |
Giá trị vốn hóa |
342.171 tỷ đồng |
Số lượng cổ phiếu niêm yết |
162 |
Số lượng chứng chỉ quỹ niêm yết |
4 |
Số lượng trái phiếu niêm yết |
66 |
Số lượng công ty chứng khoán |
105 |
Số lượng công ty quản lý quỹ |
47 |
Số lượng ngân hàng lưu ký |
8 |
Số lượng công ty kiểm toán được chấp thuận |
38 |
Số lượng tài khoản nhà đầu tư (tính đến 31/5/2009) |
618.715 |
Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|