CK Châu Á giảm điểm ngày thứ tư liên tiếp
(Vietstock) – Mang sẵn tâm lý thị trường sẽ phải trải qua một đợt kiểm tra thực tế sau khi tăng mạnh, chứng khoán Châu Á tiếp tục chìm trong sắc đỏ ngày thứ tư liên tiếp trong phiên giao dịch ngày Thứ Năm.
Nikkei 225 |
Hang Seng |
Straits Times |
|
|
|
|
|
Nguồn: YahooFinance |
Các chỉ số chính của Nhật Bản, Hồng Kông và một số thị trường khác đều đánh mất hơn 1% do hoạt động bán tháo diễn ra trên diện rộng. Giá dầu cũng dao động gần mức 71 USD/thùng trong khi đồng USD giảm sàn so với đồng JPY.
Gần đây nhà đầu tư càng trở nên hoài nghi về sức bền của đợt tăng nóng vừa qua. Theo đó, mặc dù sản xuất và nhu cầu công nghiệp đang ổn định nhưng còn lâu mới có thể giúp kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Sự yếu thế ở Phố Wall đêm qua cũng như tâm lý thôi thúc chốt lời sau nhiều tháng tăng mạnh khi cánh cửa quý 2 đã gần khép lại càng khiến giới đầu tư xả hàng mạnh hơn.
Ông Song Seng Wun, kinh tế gia tại CIMB-GK ở Singapore cho biết: “Đây chính là lúc thị trường nghỉ xả hơi và lúc mọi người nhìn nhận thực trạng của chứng khoán.” Nếu kinh tế chưa được cải thiện thì không gì có thể tiến triển suôn sẻ. Và thực sự là kinh tế chưa được khả quan lắm.”
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Nikkei .N225 của Nhật Bản giảm 137.13 điểm, bằng 1.4%, xuống 9,703.72 điểm. Chỉ số Hang Seng .HSI của Hồng Kông để tuột mất 307.94 điểm, tức 1.7%, xuống 17,776.66 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 1.1%, chỉ số S&P/ASX của Úc trượt nhẹ 0.3%, chỉ số Taiex của Đài Loan lùi 0.8%.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lại đi ngược xu hướng chung khi tăng thêm 1.6% để leo lên mức cao 10 tháng sau khi Ngân hàng Thế giới nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ 6.5% lên 7.2%. Thêm vào đó, Thủ tướng nước này cũng cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang bộc lộ “một số thay đổi tích cực.
Ngân hàng Thế giới cho biết sự bùng nổ của hoạt động đầu tư nhờ tác dụng từ gói kích cầu của Chính quyền Bắc Kinh là tấm chắn bảo vệ nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này thoát khỏi suy thoái. Nhưng cũng cảnh báo còn quá sớm để khẳng định sự phục hồi này là bền vững.”
Một chủ đề được bàn tán nhiều trong giới đầu tư là trong khi các nền kinh tế khác vẫn còn đang vật lộn với suy thoái thì Trung Quốc lại thịnh vượng. Và điều đó đã giúp chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông nói chung cũng như cổ phiếu hàng hóa nói riêng tăng mạnh trong các tháng qua.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Merrill Lynch đối với các công ty quản lý đầu tư được công bố trong ngày thì có một số dấu hiệu lạc quan rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể chạm đỉnh và sự trình diễn ngoạn mục của một số thị trường đang nổi có thể sẽ chùn lại.
Bên cạnh đó, khảo sát này phản ánh niềm tin đã chuyển biến. Từ đó cho thấy các công ty quản lý đầu tư nói chung đang rất tin tưởng vào thị trường hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ tháng 12 năm 2007 khi cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra.
Đêm qua tại Mỹ, Phố Wall lại trải qua một phiên giao dịch kém khởi sắc. Những dự báo đầy thận trọng từ FedEx và việc 18 ngân hàng bị cắt giảm tín dụng đã khiến giới đầu tư càng thêm run tay.
Do đó, chỉ số Dow Jones hạ 7.49 điểm, tương đương 0.1%, đóng cửa tại 8,497.18 điểm sau một phiên dao động quanh ngưỡng mở cửa hồi đầu năm. Chỉ số Standard & Poor's 500 cũng đánh mất 1.26 điểm, tức 0.1%, lùi về mức 910.71 điểm.
Thị trường tương lai Mỹ tăng điểm. Chỉ số Dow Jones tương lai tạm giành thêm 19 điểm, tức 0.2%, lên 8,456 điểm. Chỉ số S&P 500 tương lai tạm có thêm 2.4 điểm, tương đương 0.3%, leo lên mức 907.70 điểm.
Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tạm giảm 1.71 điểm, lùi về mức 4,276.75 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tạm đánh mất 3.20 điểm, bằng 0.1%, xuống 3,157.94 điểm. Ngược lại, chỉ số DAX của Đức tạm nhận thêm 7.44 điểm, tức 0.2%, lên mức 4,807.42 điểm.
Trong ngày giá dầu dao động gần mức 71 USD/thùng, hợp đồng dầu giao Tháng 7 tăng 46 cent/thùng lên 71.49 USD/thùng.
Đồng USD giảm 0.1%, xuống 95.79 JPY/USD. Đồng EUR suy yếu 0.3%, xuống mốc 1.3935 USD/EUR.
Phạm Thị Phước (Theo YahooFinance, AP)
|