Thứ Tư, 17/06/2009 23:03

Khủng hoảng tài chính & bài học chính sách tài khoá của Mỹ

Trong thời gian gần đây, cùng với việc Chính phủ các nước đã thực hiện các biện pháp quyết liệt đối phó với tác động xấu của khủng hoảng tài chính, các nhà kinh tế, các học giả cũng như những nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra những bài học quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động kiểm soát đối với lĩnh vực tài chính nhằm ngăn ngừa khủng hoảng trong tương lai. Bài viết này giới thiệu tới độc giả một số bài học đối với chính sách tài khoá rút ra từ cuộc khủng hoảng ở Mỹ được đề cập trong bài phân tích gần đây của IMF có tiêu đề “Khủng hoảng tài chính và bài học đối với chính sách kinh tế vĩ mô”.

Trước tiên, trả lời câu hỏi “Liệu chính sách tài khoá có phải là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ?”, IMF khẳng định chính sách tài khoá chỉ có vai trò thứ yếu trong việc đẩy nền kinh tế Mỹ tới khủng hoảng. Tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên của Mỹ là một trong những yếu tố thể hiện sự mất cân đối toàn cầu khi vay nợ của nền kinh tế Mỹ từ một số nước có tỷ lệ tiết kiệm cao ở Châu Á như Trung Quốc và một số nước có nguồn thu ngoại tệ lớn từ xuất khẩu dầu mỏ ngày càng gia tăng. Đồng thời, trong một bài phân tích trước đó, IMF đã bảo vệ quan điểm cho rằng mất cân đối toàn cầu chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây ra rủi ro hệ thống và hậu quả là khủng hoảng tài chính. Thủ phạm trực tiếp theo IMF chính là sự buông lỏng quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động tài chính đặc biệt là hoạt động của các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Nhiều nhà kinh tế trước đó đã bày tỏ lo ngại thâm hụt tài khoá của Mỹ sẽ khiến các nhà đầu tư từ bỏ trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng thực tế diễn ra không phải như vậy. Ngược lại, mặc dù nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, đồng đô la Mỹ vẫn tăng giá liên tục, các nước Trung Quốc, Nhật Bản vẫn không ngừng gia tăng việc nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Điều này phần nào khẳng định việc cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là do các yếu tố khác chứ không phải do chính sách tài khoá.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra hai bài học đối với chính sách tài khoá rút ra từ khủng hoảng tài chính. Thứ nhất là việc giảm mức độ thâm hụt ngân sách trong giai đoạn kinh tế phát triển hưng thịnh. Thực tế cho thấy, trong chu kì phát triển của nền kinh tế, Chính phủ Mỹ đã không củng cố ngân sách đúng mức mặc dù ngân sách được hỗ trợ bởi nguồn thu lớn từ thuế. Do đó, Chính phủ liên bang đã gặp khó khăn về tài chính khi nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng. Bên cạnh việc đảm bảo năng lực ngân sách để đối phó với những khó khăn mà nền kinh tế gặp phải, việc giảm chi tiêu công trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định cũng sẽ góp phần giảm sức ép tới tổng cầu và sự tăng giá các loại tài sản.

Thứ hai là về chính sách thuế. Theo IMF, chính sách thuế của Mỹ đã gián tiếp khuyến khích việc sử dụng đòn bẩy tài chính của khu vực doanh nghiệp cũng như dân cư. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ cho phép khấu trừ chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, việc huy động vốn dưới hình thức phát hành cổ phiếu không nhận được bất kỳ sự ưu đãi tương tự nào về thuế. Điều này vô hình chung khuyến khích doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính sử dụng vốn vay trong hoạt động sản xuất – kinh doanh hơn là tăng vốn chủ sở hữu.

Đối với khu vực dân cư, luật thuế thu nhập cá nhân cũng cho phép khấu trừ phần trả lãi vay mua nhà khỏi phần thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập cá nhân. Theo số liệu của IMF, khoản hỗ trợ về thuế này tương đối lớn, chiếm khoảng 19% thu nhập của tầng lớp trung lưu và khoảng 8% thu nhập của tầng lớp có thu nhập thấp. Chính sách này đã khuyến khích người dân tăng các khoản vay mua nhà.

Như vậy, những chính sách ưu đãi thuế kể trên đã góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư trong đó có hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Điều này tạo nên bong bóng chứng khoán, bất động sản ở Mỹ, một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính.

Mặc dù nhận thức được vấn đề này nhưng việc thắt chặt chính sách thuế đối với các khoản lãi vay mua nhà lúc này lại là việc làm không khôn ngoan do thị trường bất động sản của Mỹ đang khủng hoảng trầm trọng. Mỹ chỉ nên thực hiện thay đổi khi thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách thuế rất nhạy cảm, liên quan tới vấn đề chính trị nên luôn được các nhà cầm quyền cân nhắc kỹ lưỡng. Về vấn đề này, Mỹ có thể học tập chính sách của Anh trong việc khuyến khích mua nhà thông qua việc giảm lãi suất đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản mà không phải sử dụng chính sách thuế.

Ngoài việc khuyến khích sử dụng đòn bẩy tài chính, chính sách thuế cũng tác động tới mức độ và sự biến động của giá cả các tài sản cơ bản trong đó có chứng khoán. Chẳng hạn, việc Chính phủ cắt giảm thuế đánh vào cổ tức được chia đã góp phần khiến chứng khoán tăng giá. Tuy nhiên, những tác động của chính sách thuế tới sự tăng giá các loại tài sản khá phức tạp, khó có thể đo lường chính xác.

Như vậy, từ những phân tích của IMF có thể thấy chính sách tài khoá không phải là thủ phạm trực tiếp gây ra khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Tuy nhiên, với vai trò là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của nền kinh tế, chính sách tài khoá cũng có những ảnh hưởng nhất định tới diễn biến các thị trường thông qua hoạt động chi tiêu của Chính phủ và chính sách thuế như đã phân tích ở trên. Do vậy, để đưa ra những giải pháp ngăn ngừa khủng hoảng trong tương lai, rất cần xem xét kỹ chính sách tài khoá trong sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tiền tệ và chính sách thương mại.

Nguyễn Thị Tươi, Vụ Quản lý Ngoại hối

SBV

Các tin tức khác

>   Ngày càng nhiều DN lớn ở Mỹ phá sản (17/06/2009)

>   Nhịp độ xây dựng tại Mỹ hồi phục (17/06/2009)

>   Nhà Trắng từ chối hỗ trợ tài chính cho California (17/06/2009)

>   Đà phục hồi của CK toàn cầu đuối sức, CK Châu Á giảm nhẹ (17/06/2009)

>   Tổng thống Mỹ chưa đề xuất tái bổ nhiệm Chủ tịch FED (17/06/2009)

>   Hiện tại ECB chưa có kế hoạch cắt giảm lãi suất (17/06/2009)

>   Hàn Quốc phát hành đồng 50.000 won vào 23/6/2009 (17/06/2009)

>   Anh: Lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng (17/06/2009)

>   GM bán công ty con Saab cho Koenigsegg (17/06/2009)

>   Nhật Bản sẽ xuất khẩu kinh nghiệm hạt nhân (17/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật