Thứ Hai, 29/06/2009 06:12

"Cái chết" của đồng USD liệu có đến?

Sự hoài nghi về vai trò của đồng USD trong dự trữ ngoại tệ của thế giới liên tục tăng lên trong thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng cần có một đồng tiền mới thay thế, chẳng hạn đồng euro hoặc Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, trọng tâm của vấn đề nằm ở câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương Nhật Bản, Trung Quốc hay một số nước khác sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng USD trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, hay sẽ bỏ rơi nó khi chứng kiến kinh tế Mỹ tiếp tục chảy máu?

Dưới đây là bài phân tích về vấn đề này đăng trên tờ Điện tín (Anh) số ra mới đây.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tin đồn về "cái chết" của đồng USD. Đã nhiều lần đồng tiền này được cho là “tận số”, song sau đó lại gượng dậy dù với bộ dạng tàn tạ. Trong các thập niên 1970 và 1980 nhiều lần đồng USD được dự báo là sẽ chết, mặc dù vào thời điểm đó đối thủ lớn nhất của nó chỉ có đồng yên của Nhật Bản.

Cuối thập niên 1990, sự ra đời của đồng euro lại là một lý do nữa để nhiều người hoài nghi về số phận đồng USD. Trên thực tế đồng euro đã tạo được nhiều ảnh hưởng trong 10 năm đầu sau khi ra đời. Trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhiều nhà kinh tế, trong đó có cả "phù thủy" George Soros, đã lên tiếng cho rằng thời đại USD là đồng tiền dự trữ của thế giới sắp chấm dứt.

Giờ đây, chứng kiến sự đổ vỡ của hệ thống tài chính toàn cầu, những cảnh báo trên lại càng nhiều và ngày càng khó phản bác. Bởi lần này những người hoài nghi về số phận của đồng USD đều là người có quyền lực.

Đầu tiên là Thống đốc ngân hàng nhân dân Trung Hoa Chu Tiểu Xuyên hai tháng trước đây đã nêu ý tưởng dùng SDR làm đồng tiền dự trữ của thế giới. Lời kêu gọi này được hưởng ứng mạnh hơn từ Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người tuần trước đã tuyên bố rằng thế giới cần có các đồng tiền dự trữ mới bên cạnh đồng USD.

Chưa bao giờ đồng USD bị tấn công mạnh như hiện nay. Kể từ năm 2002, sức mạnh thương mại của đồng USD - được tính trong một giỏ tiền tệ chung - đã giảm hơn 25%. Cùng lúc, tỷ lệ đồng tiền này trong dự trữ của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cũng giảm mạnh. Theo số liệu của IMF, tỷ lệ dự trữ bằng USD được xác nhận bởi các nước như Trung Quốc, Anh, Pháp… giảm từ 71% năm 2002 xuống 64,5% năm 2008.

Cũng giống như các đồng tiền khác, số phận của đồng USD phụ thuộc vào cách thức Chính phủ Mỹ kiểm soát cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện nền kinh tế này đang ở một thế cân bằng mong manh giữa nguy cơ giảm phát do bị đè nặng bởi các khoản vay nợ của chính phủ và nguy cơ lạm phát do các biện pháp kích thích kinh tế níu kéo.

Không ai đoán được tình hình sẽ diễn biến theo hướng nào, nhưng cả hai cách đều không tốt cho đồng USD và cho những ai đang sở hữu tài sản được định giá bằng đồng tiền này.

Với hàng ngàn tỷ USD dự trữ, các ngân hàng trung ương của Trung Quốc và các nước lớn khác đang đứng trước một tình thế khó xử. Bất cứ sự giảm giá nào của đồng USD cũng sẽ làm khối tài sản của họ mất giá trị. Rút lui khỏi tình trạng này cũng không dễ, bởi họ sẽ tự làm hại mình bằng cách làm đồng USD sụt giá nếu như bán ra các tài sản USD để thu hồi vốn.

Theo chuyên gia Olivier Accominotti tại Đại học Khoa học Po của Pháp, tình trạng này không khác những gì xảy ra ở Pháp trong những năm 1920, khi nước này tìm cách bán tháo các tài sản để giảm dự trữ bằng đồng bảng Anh.

Số phận của đồng USD gắn liền với nền kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ đang có nguy cơ đánh mất vị thế siêu cường, buộc phải chia sẻ nó ít nhất là cho Trung Quốc trong những năm tới, chưa kể một số ứng cử viên khác.

Nắm giữ vị trí đầu tàu này đòi hỏi nhiều trách nhiệm nặng nề, mà dễ thấy nhất là trách nhiệm cung cấp một đồng tiền dự trữ cho cả thế giới - đồng tiền mà các loại hàng hóa chủ chốt dựa vào đó để tính giá và tham chiếu tỷ giá trong các giao dịch thương mại và tài chính.

Đó là vị thế mà đồng bảng chiếm giữ trong những đợt sóng toàn cầu hóa đầu tiên dưới thời Victoria và những thập kỷ cuối cùng của Đế quốc Anh. Khi xảy ra chiến tranh Thế giới Thứ II, vị thế này đã rơi vào tay đồng USD.

Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, với hàng hóa được buôn bán giữa hàng trăm quốc gia và hàng ngàn công ty khác nhau, có một đồng tiền tiêu chuẩn mang lại rất nhiều lợi ích. Nó giúp cho việc trao đổi hàng hóa nhanh và hiệu quả hơn. Hiện đa phần các giao dịch tiền tệ, đặc biệt là giữa những nước nhỏ, đều liên quan đến đồng USD. Chẳng hạn khi đổi một đồng bảng Anh sang đồng baht của Thái Lan, trên thực tế nhân viên ở quầy sẽ đổi đồng bảng sang đồng USD và sau đó sang baht.

Khi Thống đốc ngân hàng nhân dân Trung Hoa gợi ý sử dụng SDR làm đồng tiền dự trữ chung cho thế giới, ông không chỉ nghi ngờ sức mạnh của đồng USD. Ông muốn đề cập đến một vấn đề sâu xa hơn, đó là Trung Quốc ủng hộ một thỏa thuận tiền tệ quốc tế mới, kiểu như thỏa thuận Bretton Woods, để kiểm soát các dòng chảy tiền tệ.

Theo đó, thế giới sẽ có một đồng tiền dự trữ chung, được ấn định tỷ giá với 30 đồng tiền chủ chốt. Các nước tham gia sẽ bị phạt nếu để ngân sách thâm hụt quá mức hoặc thặng dư quá cao. Ý tưởng này trước đây vốn bị Mỹ phản đối và bị xếp xó, giờ đang được các quan chức tài chính của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, lục lại để nghiên cứu.

Một khả năng dễ xảy ra đó là SDR có thể ngày càng được sử dụng như một công cụ định giá tài sản, nhưng điều này sẽ phải diễn ra từ từ, trong vài năm chẳng hạn. Trong trường hợp đây là giai đoạn chuyển tiếp sang một “thế giới đa cực”, trong đó các đồng tiền khác sẽ cạnh tranh ảnh hưởng với đồng USD, quá trình này cũng sẽ mất thời gian, ít nhất là 30 năm hoặc hơn.

Jim O’Neil, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Goldman Sachs cho rằng những năm tới sẽ là “giai đoạn hẫng”. Vai trò của khối BRIC, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng, trong khi nhóm G7 suy giảm. Sự thống trị của đồng USD sẽ suy giảm.

Theo ông, chừng nào kinh tế Trung Quốc trong vòng 5 năm tới thể hiện là một nền kinh tế tiêu dùng, tăng trưởng liên tục, và đồng euro có thêm một thập kỷ thành công nữa, lúc đó đồng USD mới giảm dần vị thế./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Chợ ảo châu Á "át vía" chợ thật (28/06/2009)

>   Trung Quốc: Thẻ ATM mất tiền, trách nhiệm về ai? (28/06/2009)

>   Tiêu thụ khí đốt giảm gây áp lực lên Gazprom (28/06/2009)

>   Kinh tế Châu Á phục hồi không cần tới phương Tây (28/06/2009)

>   Mỹ bước về phía năng lượng sạch (28/06/2009)

>   "Siêu lừa" Madoff bị đòi bồi thường 170 tỷ USD (28/06/2009)

>   Phập phù khu công nghiệp liên Triều (27/06/2009)

>   Trung Quốc huy động nội tệ để chống khủng hoảng (27/06/2009)

>   Dấu hiệu mới từ nền kinh tế Mỹ (27/06/2009)

>   Thêm 5 ngân hàng Mỹ lâm nạn (27/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật