Chủ Nhật, 28/06/2009 11:18

Tiêu thụ khí đốt giảm gây áp lực lên Gazprom

Liệu lãnh đạo tập đoàn khí đốt Nga Gazprom có hoảng hốt do nhu cầu sử dụng khí đốt của châu Âu tụt giảm như khẳng định của một doanh nhân Nga được tờ Wall Street Journal trích dẫn? Cho dù có hay không, Gazprom cũng sẽ cắt giảm các đầu tư chiến lược do thiếu đầu ra cho sản phẩm.

Đi kèm với quyết định cắt giảm này tập đoàn Nga sẽ hoãn việc khai thác các mỏ khổng lồ ở Iamal và Kovykta, thuộc Siberi, qua đó làm tăng mối đe dọa đến việc cung cấp khí đốt sau này cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng khí đốt trên thế giới, do những lĩnh vực ngốn nhiều năng lượng như sản xuất điện, ô tô, luyện kim, xi măng đã giảm mạnh hoạt động. Lần đầu tiên từ 50 năm, nhu cầu khí đốt tụt giảm trong năm 2009.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán giảm 2%, trong khi Hiệp hội Khí đốt quốc tế Cedigaz ước tính từ 3,5-4%. Riêng hãng tư vấn chiến lược Booz & Company đưa ra con số giảm đến 8%.

Từ đầu những năm 2000, mức tiêu thụ khí đốt không ngừng tăng, nhưng rồi mới tăng này chững lại do nguồn cung dồi dào và sự cạnh tranh của than đá cung cấp ngày càng nhiều cho các nhà máy điện ở Trung Quốc, Mỹ… Chính trong bối cảnh này mà lãnh đạo Gazprom phải đưa ra quyết định cắt giảm đầu tư chiến lược nói trên.

Ngày 17-6, ông Alexandre Ananenkov, một trong các phó chủ tịch của tập đoàn Gazprom, đã thông báo có khả năng hoãn đến năm 2017 việc khai thác mỏ Kyvokta có trữ lượng ước tính 1.900 tỉ mét khối và được xem là nguồn cung cấp chính cho thị trường châu Á.

“Hiện nay, nhu cầu trên thị trường khí đốt không cao. Chắc chắn sau năm 2012, chúng tôi sẽ xác định chính xác thời hạn khai thác các mỏ phục vụ cho thị trường phương Tây”, ông Ananenkov tuyên bố với hãng thông tấn Nga Interfax.

Trước đó, ông cũng đã cảnh báo: “Hiện nay, chúng tôi sẽ đầu tư vốn dựa trên nhu cầu của thị trường người tiêu dùng”. Từ 14,6 tỉ euro dự kiến ban đầu, số tiền đầu tư sẽ giảm xuống còn 11,55 tỉ euro.

Là quốc gia sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới với 20% sản lượng và 26% trữ lượng, Nga bị tụt giảm 16% doanh thu trong bốn tháng đầu năm 2009, theo Cedigaz. Gazprom bị ảnh hưởng nặng hơn các công ty độc lập khác (Novatek, Loukoil hoặc TNK-BP). Để thích nghi với tình hình giảm nhu cầu sử dụng khí đốt của các khách hàng châu Âu và tiết kiệm, Gazprom sẽ phải lùi thời hạn khai thác mỏ Bovanenkovo (4.900 tỉ mét khối) ở bán đảo Iamal từ năm 2011 đến quí 3-2012.

Các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về dự án Chtokman (biển Barents). Gazprom, Total (Pháp) và StatoilHydro (Na Uy) phải đưa ra quyết định trong quí 1-2010 về việc triển khai giai đoạn 1 của dự án khổng lồ cả về mặt tài chính lẫn công nghệ này (dự kiến cung cấp khí đốt cho châu Âu và Mỹ thông qua đường ống từ năm 2014).

Liệu sự chậm trễ trên có đe dọa an ninh trong cung ứng khí đốt của EU, với 25% lượng sản phẩm đến từ Nga? Hiện khí đốt đang dư trên thị trường. Theo nhận định của lãnh đạo một tập đoàn năng lượng châu Âu, việc giảm mạnh nhu cầu cộng với những nguồn sản xuất mới sẽ làm xuất hiện bong bóng khí đốt trong những năm tới và như thế sẽ kéo giá khí đốt xuống.

Nhưng sau đó thì sao? Các chuyên gia cũng như lãnh đạo các công ty khí đốt tự hỏi liệu tiêu dùng sẽ tăng trở lại mức năm 2008. “Chắc chắn như thế”, lãnh đạo của tập đoàn GDP Suez khẳng định một cách thận trọng. Tuy nhiên, lãnh đạo của Gazprom lại muốn tiêu dùng khí đốt năm 2012 thấp hơn đỉnh của năm 2008, dù lợi nhuận của họ chủ yếu nhờ vào xuất khẩu sang châu Âu. Trong khi đó, châu Âu đã cam kết cải thiện 20% hiệu quả sử dụng năng lượng từ nay đến 2020. Và than đá vẫn còn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm, dù việc đốt cháy nó làm phát sinh khí CO2 nhiều hơn.

Theo nguồn tin của hãng thông tấn Ria Novosti trích dẫn lời ông Alexandre Ananenkov, Gazprom sẽ không giao khí đốt cho Trung Quốc đúng như dự kiến vào năm 2011 do không thỏa thuận được giá. Gazprom và tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC (China National Petroleum Corporation) đã thỏa thuận vào năm 2006 về việc giao khí đốt cho phía Trung Quốc trong khuôn khổ dự án mang tên Atai. Dự án này dự kiến vận chuyển khí đốt từ Siberi thông qua hai tuyến đường, một từ vùng tây Siberi và một từ các mỏ ở đại Sakhaline, vùng Viễn Đông Nga.

Theo ông Ananenkov, Gazprom sẽ sẵn sàng bắt tay thực hiện dự án một khi thỏa thuận được giá. “Ngay khi tìm được giá thỏa thuận, chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng, nhưng vấn đề này không đơn giản vì người bán luôn muốn có giá cao và người mua muốn giá thật rẻ”, ông nói.

TBKTSG online

Các tin tức khác

>   Kinh tế Châu Á phục hồi không cần tới phương Tây (28/06/2009)

>   Mỹ bước về phía năng lượng sạch (28/06/2009)

>   "Siêu lừa" Madoff bị đòi bồi thường 170 tỷ USD (28/06/2009)

>   Phập phù khu công nghiệp liên Triều (27/06/2009)

>   Trung Quốc huy động nội tệ để chống khủng hoảng (27/06/2009)

>   Dấu hiệu mới từ nền kinh tế Mỹ (27/06/2009)

>   Thêm 5 ngân hàng Mỹ lâm nạn (27/06/2009)

>   Wall St. tuần tới: Giao dịch biến động trước lễ Quốc khánh 4/7 (27/06/2009)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc đang trên đà phục hồi (27/06/2009)

>   Nền công nghiệp Anh bị thêm một “cú đấm thép” (27/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật