Thứ Bảy, 27/06/2009 15:20

Phập phù khu công nghiệp liên Triều

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang đẩy số phận của khu công nghiệp (KCN) Kaesong về nơi bất định và buộc các nhà đầu tư phải tính tới những địa chỉ khác, trong đó có Việt Nam.

Ngay sau khi thử quả bom hạt nhân đầu tiên vào tháng 10-2006, Bình Nhưỡng đã cử ngay một viên tướng ba sao đến KCN Kaesong để trấn an các doanh nhân Hàn Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ vào các nhà máy ở ngay phía bắc biên giới được canh phòng cẩn mật giữa hai miền.

Được yên tâm, các doanh nghiệp này tiếp tục tăng vốn và đến nay đã có 106 công ty Hàn Quốc hoạt động tại KCN Kaesong, kết hợp công nghệ và quản lý của Hàn Quốc với lao động giá rẻ của CHDCND Triều Tiên để làm ra nhiều loại hàng hóa như hàng điện tử, đồng hồ, giày da và hàng gia dụng.

Hiện có khoảng 40.000 công nhân Triều Tiên làm việc tại đây, mang về cho CHDCND Triều Tiên mỗi năm 35 triệu đô la Mỹ bằng ngoại tệ mạnh.

Hôm 25-5 vừa qua, CHDCND Triều Tiên lại thử quả bom hạt nhân thứ hai, nhưng không ai đến trấn an các nhà đầu tư cả và hậu quả là khu công nghiệp năm năm tuổi, từng được coi là biểu tượng thành công nhất của sự hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên - đang rơi vào cơn hấp hối.

Ông Song Ki-suk, chủ tịch Công ty Korea Micro Filter - chuyên sản xuất phụ tùng xe hơi, có nhà máy trị giá 5 triệu đô la và 420 công nhân tại KCN Kaesong - nhận xét: “Có điều gì quan trọng hơn tiền bạc đang diễn ra ở CHDCND Triều Tiên. Các doanh nhân ở Kaesong đang rất lo sợ”.

Công ty Skinnet, chuyên sản xuất vải lông thú có trụ sở tại Seoul, là doanh nghiệp đầu tiên quyết định đóng cửa nhà máy tại KCN Kaesong để chuyển đi nơi khác.

Có nhiều lý do để lo sợ. Thứ Năm tuần trước (11-6), Triều Tiên đòi các nhà đầu tư Hàn Quốc phải tăng lương công nhân tại Kaesong lên bốn lần và tăng tiền thuê đất của KCN lên 31 lần. Cụ thể, phía CHDCND Triều Tiên đặt ra mức lương tối thiểu phải trả cho công nhân Triều Tiên làm việc tại KCN Kaesong là 300 đô la Mỹ/tháng và tăng thêm 10-20% cho mỗi năm làm việc tiếp theo; đồng thời tăng tiền thuê đất của KCN rộng 330 héc ta này lên 500 triệu đô la Mỹ, cao hơn 31 lần. (Theo báo chí Hàn Quốc, trước đây hai chính phủ thỏa thuận tiền thuê đất 50 năm để mở KCN Kaesong là 16 triệu đô la Mỹ và phía Hàn Quốc đã thanh toán xong).

Tất nhiên phía Hàn Quốc đã bác bỏ các yêu cầu này. “Chúng tôi đề nghị CHDCND Triều Tiên không đưa ra những yêu sách không chấp nhận được và chúng tôi thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ cứ ứng xử theo kiểu này”, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói.

Tiền không phải là nỗi lo duy nhất. Tháng 3-2009 CHDCND Triều Tiên bắt giam một công nhân kỹ thuật Hàn Quốc làm việc tại Kaesong, tố cáo ông này phê phán hệ thống chính trị của Triều Tiên và dụ dỗ một nữ công nhân Triều Tiên bỏ trốn. Vụ bắt giữ này làm các nhà quản trị doanh nghiệp của Hàn Quốc, kể cả ông Song của Công ty Korea Micro Filter, hoảng sợ, bây giờ họ rất ngần ngại không muốn đi thăm nhà máy của mình ở khu công nghiệp.

Cho dù đến nay mới chỉ có Công ty Skinnet công bố rút lui, song theo báo Washington Post, có nhiều công ty khác đang âm thầm chuyển hoạt động sản xuất tới những nơi an toàn hơn, ở Trung Quốc và Việt Nam. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, khối lượng hàng hóa xuất khẩu của KCN Kaesong đã giảm 56% trong bốn tháng đầu năm nay.

Theo ông Cho Bong-hyun, chuyên viên nghiên cứu của Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, chẳng bao lâu nữa sẽ xảy ra một làn sóng di cư quy mô lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc. “Ưu tiên hàng đầu của CHDCND Triều Tiên là củng cố quyền lãnh đạo cho nên các nhu cầu chính trị và quân sự được coi trọng hơn lợi ích kinh tế.

Điều này sẽ tiếp diễn trong một vài năm nữa và trong thời gian này các doanh nghiệp tại Kaesong sẽ gặp nhiều khó khăn không lường trước được”, ông Cho nói. Theo ông Cho, sự sụp đổ hoàn toàn của KCN Kaesong sẽ làm cho chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào đây thiệt hại khoảng 11 tỉ đô la Mỹ, cả trực tiếp và gián tiếp.

* * *

KCN Kaesong được thành lập năm 2004, là kết quả của hội nghị cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên diễn ra năm 2000, khi Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) tiếp Tổng thống Hàn Quốc lúc ấy là ông Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung) tại Bình Nhưỡng. Khu công nghiệp này được coi là điểm nhấn của chính sách “Ánh Dương” mà Hàn Quốc tiến hành sau hội nghị cấp cao, theo đó Hàn Quốc viện trợ cho CHDCND Triều Tiên thực phẩm và phân bón mà không kèm theo điều kiện chính trị.

Khi ông Lee Myung-bak lên làm Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 2 năm ngoái, chính sách viện trợ này nhanh chóng chấm dứt, gây phẫn nộ ở CHDCND Triều Tiên. Từ đó, Bình Nhưỡng liên tục siết chặt các quy định tại KCN Kaesong, trục xuất các nhân viên chính phủ Hàn Quốc làm việc tại đây, giới hạn số chuyên viên kỹ thuật và quản lý người Hàn Quốc tại các nhà máy và thỉnh thoảng lại đóng cửa biên giới khiến cho hàng hóa, nguyên liệu không ra vào KCN được.

Một viên chức của Công ty Dệt may Skinnet cho biết việc đóng cửa nhà máy ở Kaesong một phần vì “quan ngại về an toàn” cho nhân viên của công ty, một phần vì đơn đặt hàng giảm sút do khách hàng lo ngại căng thẳng giữa hai miền có thể làm cho hoạt động của nhà máy và việc cung cấp hàng bị gián đoạn.

Ngành sản xuất phụ tùng xe hơi - vốn rất phát đạt tại KCN này - nay đang bị tổn hại nặng nề. Ông Song của Công ty Korea Micro Filter cho biết, các khách hàng chính của công ty như các hãng xe Hyundai, Kia và Daewoo “rất bất bình” khi nguồn cung cấp phụ tùng từ Kaesong bị chập chờn lúc có lúc không và muốn công ty của ông Song phải sản xuất phụ tùng ở nơi khác. Ông Song đã lặng lẽ chuyển một số đơn hàng cho các nhà máy của công ty ở Hàn Quốc và Trung Quốc thực hiện.

“Kế hoạch của tôi về kinh doanh và mở rộng hoạt động ở Kaesong đã hoàn toàn sụp đổ. Đối với mọi người chúng tôi ở Kaesong, mỗi ngày trôi qua là một ngày mất tiền”, ông Song nói.

Ông Song - ngoài chức vụ Chủ tịch Công ty Korea Micro Filter còn là Giáo sư khoa quản trị của Đại học Kyungmin ở Hàn Quốc, thừa nhận rằng, lao động giá rẻ ở CHDCND Triều Tiên là yếu tố căn bản thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào KCN Kaesong. Lương bình quân của công nhân Triều Tiên hiện chỉ từ 57-75 đô la Mỹ/người/tháng, bằng một phần mười lương của một người Hàn Quốc làm công việc tương tự. Nếu phải tăng lương công nhân lên gấp bốn lần theo yêu cầu của CHDCND Triều Tiên thì lợi thế của KCN này sẽ không còn nữa vì lao động Triều Tiên khi ấy sẽ đắt gấp đôi so với lao động Trung Quốc và gấp bốn so với lao động Việt Nam.

Ông Cho Bong-hyun của Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc nhận định, nếu các công ty Hàn Quốc đồng loạt rút ra thì có thể các công ty Trung Quốc sẽ nhảy vào thế chỗ tại KCN Kaesong. Trong 18 tháng qua, khối lượng thương mại giữa hai miền Triều Tiên liên tục sút giảm trong khi thương mại giữa CHDCND Triều Tiên với Trung Quốc tăng thêm 40%, theo số liệu ngoại thương của Hàn Quốc. “Sự phụ thuộc của CHDCND Triều Tiên vào Trung Quốc sẽ càng mật thiết khi thương mại với Hàn Quốc co lại”, ông Cho nói.

Huỳnh Hoa (Theo Washington Post)

tbktsg

Các tin tức khác

>   Trung Quốc huy động nội tệ để chống khủng hoảng (27/06/2009)

>   Dấu hiệu mới từ nền kinh tế Mỹ (27/06/2009)

>   Thêm 5 ngân hàng Mỹ lâm nạn (27/06/2009)

>   Wall St. tuần tới: Giao dịch biến động trước lễ Quốc khánh 4/7 (27/06/2009)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc đang trên đà phục hồi (27/06/2009)

>   Nền công nghiệp Anh bị thêm một “cú đấm thép” (27/06/2009)

>   Hai thành phố Hàn Quốc và Nhật Bản thành lập khu kinh tế chung (27/06/2009)

>   Lợi nhuận ròng của Tata Steel giảm 60% trong tài khóa 2008 (27/06/2009)

>   Cái lý của lời lắt léo (27/06/2009)

>   Nga: Thế giới cần một hệ thống tài chính mới (26/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật