Mỹ bước về phía năng lượng sạch
Tổng thống Mỹ Barack Obama “ghi một chiến thắng lớn”, theo bình luận của Reuters, khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cắt giảm ô nhiễm công nghiệp được coi là nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu. Với thành viên Đảng Dân chủ chiếm đa số, Hạ viện Mỹ lần đầu tiên thông qua được dự luật có tên gọi "Đạo luật về an ninh và năng lượng sạch của Mỹ", với tỉ lệ phiếu sít sao 219-212 vào hôm 26-6.
Dự luật còn phải được thượng viện thông qua trước khi trình ông Obama phê chuẩn. Reuters cho biết Thượng viện Mỹ dự kiến thảo riêng một dự luật khác về chống biến đổi khí hậu “vào mùa thu này”, theo lời lãnh đạo phe đa số ở thượng viện Harry Reid. Ông Obama vì thế một mặt ca ngợi hạ viện vừa thực hiện “một hành động lịch sử”, một mặt hối thúc thượng viện cũng sớm hành động. “Đó là một bước can đảm và cần thiết để giữ lời hứa về việc tạo ra những ngành công nghiệp mới và hàng triệu việc làm mới, giảm bớt sự phụ thuộc nguy hiểm của chúng ta vào dầu mỏ từ nước ngoài”.
Dự luật yêu cầu các công ty lớn ở Mỹ, bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ công cộng, công ty hóa dầu, sản xuất hàng tiêu dùng... giảm lượng CO2 và các loại khí thải khác khoảng 17% vào năm 2020 và 83% vào năm 2050 so với mức của năm 2005. Cốt lõi của dự luật dài 1.200 trang này là một chương trình “hạn mức và trao đổi”, theo đó các công ty xả ra lượng khí thải thấp hơn so với quy định cho phép có thể bán một phần hạn mức xả khí thải không dùng hết của họ cho các công ty khác. Trong giai đoạn 2012-2025, khoảng 55% tiền thu được từ mua bán hạn ngạch khí thải sẽ được sử dụng để bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ giá nhiên liệu tăng, 19% chi cho những dự án hỗ trợ chuyển đổi các ngành sang nền kinh tế năng lượng sạch, 13% đầu tư cho các nguồn năng lượng sạch...
Theo văn kiện trên, một "ngân hàng xanh" sẽ ra đời với tên gọi "Cơ quan triển khai năng lượng sạch" (CEDA) trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. CEDA sẽ được nhận nguồn vốn 7,5 tỉ USD tài trợ cho các dự án phát triển công nghệ năng lượng sạch.
Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger thuộc Đảng Cộng hòa tuyên bố: “Dù dự luật này chưa phải là hoàn hảo, nó cũng là một bước tiến lớn trong cuộc chiến toàn quốc chống biến đổi khí hậu, và nó đặt nước Mỹ vào vị trí lãnh đạo trong các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu quốc tế, với yêu cầu phải tìm ra được một giải pháp toàn cầu cho vấn đề toàn cầu này”. Còn ông Fred Krupp, chủ tịch Quỹ Bảo vệ môi trường, ca ngợi: “Dự luật này là văn bản pháp lý quan trọng nhất về môi trường và năng lượng trong lịch sử nước ta”.
Tuy vậy, tác động từ dự luật cũng bị nhìn khác đi. Các nghị sĩ Cộng hòa phản đối cho rằng dự luật không thể giúp đỡ hiệu quả cho môi trường hay vực dậy kinh tế từ cuộc suy thoái hiện giờ. Lãnh đạo phe Cộng hòa ở hạ viện John Boehner gọi các phương án đưa ra là “dự luật giết chết nhiều việc làm nhất từng được hạ viện thông qua”.
Hạ nghị sĩ Joe Barton, một thành viên Cộng hòa kỳ cựu trong Ủy ban Năng lượng và thương mại, thậm chí khẳng định dự luật đặt ra những mục tiêu không thực tế đối với việc cắt giảm khí thải. “Bạn sẽ phải cắt giảm khí thải ở Mỹ xuống mức bằng với năm 1910” - ông Barton nói với Reuters. Ngoài ra, những người phản đối còn tiên đoán giá cả năng lượng và hàng hóa tiêu dùng ở Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn và nhiều công ăn việc làm ở Mỹ sẽ bị chuyển ra nước ngoài, khi các công ty tìm cách tránh né những yêu cầu ngặt nghèo về kiểm soát ô nhiễm.
MINH HẢI
Tuổi trẻ
|