Trung Quốc: Thẻ ATM mất tiền, trách nhiệm về ai?
Các nước đã sử dụng thẻ thông minh thay thế thẻ tín dụng hiện hành. Theo Ngân hàng trung ương Trung Quốc, tính đến cuối năm 2008, các ngân hàng đã phát hành khoảng 1,8 tỷ thẻ ngân hàng, tăng 16,7% so với năm trước.
Trong đó gồm có 1,66 tỷ thẻ ghi nợ và 140 triệu thẻ tín dụng. Song song theo đó, các vụ án làm giả thẻ ngân hàng và ăn cắp tiền trong tài khoản cũng gia tăng.
Ba trường hợp bị mất tiền
Nhằm bảo vệ an toàn cho chủ thẻ, ngành ngân hàng Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp như áp dụng chế độ khai báo tên thật tài khoản thẻ; thực hiện chế độ giám sát và quản lý hồ sơ khách hàng là hội viên, siết chặt điều kiện gia nhập hội viên, tăng cường giám sát các máy rút tiền ATM; hoàn thiện chế độ giám sát các thông tin giao dịch.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa có khung pháp luật quy định rõ và trừng trị nghiêm khắc các vi phạm về thẻ tín dụng. Vì vậy, nạn làm giả thẻ xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến.
Theo ông Nhiếp Tuấn Phong (Đại học Tài chính trung ương Trung Quốc), có ba trường hợp tiền trong tài khoản thẻ bị mất cắp:
- Thông tin trên thẻ và thông tin cá nhân bị rò rỉ. Chỉ cần biết số tài khoản, số chứng minh thư và ba số sau cùng của mã số nhận dạng thẻ, bọn tội phạm đã có thể lấy cắp tiền dù thẻ không rời khỏi chủ thẻ.
- Khách hàng bị mất thẻ nhưng thẻ lại không cài mật khẩu bảo vệ. Trong trường hợp thẻ có cài mật khẩu, cũng có thể người khác biết mật khẩu.
- Thẻ bị làm giả. Trường hợp này xảy ra khi bọn tội phạm đã lắp thiết bị sao chép thông tin trên dải băng từ tại máy ATM hoặc lắp máy ghi hình quay trộm lấy cắp mật khẩu thẻ.
Quy trách nhiệm
Tiến sĩ Chiêm Lễ Nguyện (Chủ nhiệm Văn phòng luật sư Bác Hậu ở Quảng Đông) cho biết khi thẻ bị làm giả, tùy từng trường hợp để xác định trách nhiệm thuộc về ai.
Nếu chủ thẻ phát hiện mất tiền trong thẻ và lập tức báo cho ngân hàng khóa thẻ, thiệt hại sau đó sẽ do ngân hàng chịu trách nhiệm. Đối với thiệt hại trước khi báo ngân hàng, nếu không chứng minh được thiệt hại đó do ngân hàng sơ suất gây ra thì chủ thẻ phải chịu.
Điều lệ quản lý thẻ ngân hàng của Trung Quốc quy định rõ, các nhà kinh doanh (nhà hàng, siêu thị...) khi thanh toán bằng thẻ phải có nghĩa vụ kiểm tra tên tuổi và chữ ký trên thẻ trên hệ thống máy tính với chữ ký trên hóa đơn giao dịch có giống nhau không. Ngân hàng cũng có nghĩa vụ xác minh lại thông qua bản lưu chữ ký khách hàng tại ngân hàng.
Vì vậy, khi thẻ tín dụng bị làm giả gây thiệt hại cho chủ thẻ, nếu có bằng chứng chứng minh chữ ký người sử dụng thẻ với chữ ký của chủ thẻ không khớp nhau hoặc người sử dụng trong băng ghi hình ghi lại không giống chủ thẻ trong ảnh lưu trữ tại ngân hàng, ngân hàng và nhà kinh doanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Nếu cả thẻ tín dụng và chữ ký đều bị sao chép hoặc mật khẩu thẻ bị đánh cắp khi giao dịch trên mạng Internet, đồng thời ngân hàng và nhà kinh doanh đều đã thực hiện đúng nghĩa vụ, vụ án sẽ được chuyển cho cơ quan công an điều tra. Thủ phạm làm giả thẻ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, trong trường hợp bọn tội phạm đã lắp thiết bị như máy đọc thẻ, máy ghi hình tại các máy rút tiền ATM nên thẻ bị mất cắp thông tin, chủ thẻ có quyền kiện ngân hàng ra tòa đòi bồi thường thiệt hại bởi ngân hàng không làm tròn trách nhiệm bảo vệ an toàn tại máy ATM.
Ở các nước, khi khách hàng trở về từ các khu vực thường xảy ra nạn làm giả thẻ tín dụng, một số ngân hàng sẽ chủ động giúp đỡ khách hàng thay đổi thông tin trên dải băng từ miễn phí nhằm tránh thẻ bị làm giả. Hiện nay, các ngân hàng ở châu Âu đã sử dụng thẻ tín dụng có gắn vi mạch thông minh để thay thế thẻ tín dụng dùng dải băng từ.
Hoàng Hạnh
Pháp luật
|