Nóng - lạnh nhân sự chứng khoán
Trái với tình trạng “thừa người thiếu việc” trước đây, sự sôi động trở lại của TTCK lại làm phát sinh nhu cầu nhân lực trong ngành chứng khoán. Nhân sự chứng khoán cũng thay đổi theo diễn biến của thị trường và luôn đặt các CTCK vào những tình huống mới…
Thực tế, sự sụt giảm của TTCK trong cả một thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của hầu hết CTCK mà còn làm đình trệ các nghiệp vụ khác như tư vấn, môi giới… Bản thân nhiều CTCK cũng lo cho sự “tồn tại” của mình và giải pháp thường là “thắt lưng buộc bụng”, giảm lương thưởng, giảm chi phí, thu gọn hoạt động. Nhiều CTCK cắt giảm 20% - 30% nhân sự, cá biệt có công ty “chia tay” đến 50% lượng lao động, chủ yếu là cắt giảm tại bộ phận môi giới, giao dịch.
Sự cắt giảm nhân sự mạnh tay này đã làm nhiều thành viên thị trường “trở tay không kịp” khi thị trường ấm lên, quy mô giao dịch tăng đột biến như những phiên giao dịch trong vài tuần qua. Tại một số CTCK, trong những phiên giao dịch kỷ lục vừa qua, nhiều vị lãnh đạo công ty đã phải trực tiếp đứng ra nhận lệnh hỗ trợ nhân viên, mà vẫn bị khách hàng “la mắng” vì phục vụ không xuể. Một số CTCK đã có quyết định cho nhân viên môi giới nghỉ việc, thậm chí đã bồi thường thêm một khoản trợ cấp thôi việc rồi, lại phải gọi đi làm trở lại…
Tuy nhiên, bên cạnh những phương cách tuyển dụng và loại bỏ nhân sự nóng lạnh theo nhịp đập thị trường, vẫn có những CTCK coi giai đoạn trầm lắng là thời điểm thu hút người tài, củng cố tiềm lực.
Theo ông Lê Đình Ngọc, Tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TSC), mỗi CTCK có những chính sách riêng về nhân sự. Đối với TSC, trong thời gian thị trường trầm lắng, Công ty không cắt giảm nhân sự mà chủ yếu tập trung đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên. TTCK luôn nhạy cảm, có lúc thịnh thì sẽ có lúc suy và ngược lại, nhưng nhìn một cách tổng thể thì vấn đề giữ chân người tài là hết sức quan trọng. Bởi nhân sự trong lĩnh vực chứng khoán thừa vẫn thừa, nhưng thiếu vẫn thiếu.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc CTCK Tân Việt cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng, thời điểm thị trường trầm lắng là cơ hội để các CTCK tái cấu trúc cơ cấu nhân sự, cải thiện hệ thống công nghệ thông tin. CTCK không nên có chiến lược nhân sự ngắn hạn, lúc cần thì sẵn sàng tuyển dụng ồ ạt, khi không cần thì có thể sa thải, điều này ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của chính lãnh đạo CTCK.
Theo một quan chức của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, việc cắt giảm nhân sự vừa qua là một liều thuốc cần thiết để bình ổn cung - cầu, đồng thời giảm bớt tình trạng nhân lực chứng khoán bị sốt nóng như trong năm 2007. Đặc biệt, đối với một số CTCK mới được cấp phép hoạt động, việc tuyển chọn các ứng viên cho các vị trí từ cấp cao đến nhân viên đều diễn ra hết sức gấp gáp, do vậy không tránh khỏi sự bất cập về trình độ, về đạo đức nghề nghiệp. Các CTCK có thể tính đến việc đào tạo nhân sự “chéo”, nghĩa là các nhân viên ở các phòng ban khác có thể đào tạo thêm nghiệp vụ giao dịch, nhân lệnh, mở tài khoản…, để khi cần có thể “điều động” nhanh chóng mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.
Một cách khác, nhiều công ty đang tìm kiếm nhân sự cho mình, nhưng có cái nhìn dài hơi hơn. Đại diện CTCK APEC cho biết, hiện Công ty đang nhắm đến đối tượng là sinh viên đang học năm cuối tại các trường đại học, hoặc sinh viên mới ra trường có học lực khá, giỏi để tổ chức các khóa đào tạo. Những học viên có năng lực sẽ được lựa chọn làm nhân viên chính thức của Công ty sau khi hết thời gian tập sự.
Tương tự, CTCK VNDirect cũng đang tìm kiếm ứng viên là các sinh viên khá giỏi mới ra trường muốn lập nghiệp và phát triển trong ngành dịch vụ tài chính và chứng khoán. Chương trình đào tạo cán bộ nguồn tại VNDirect sẽ kéo dài 6 tháng học việc qua bố trí công việc tại một hoặc tất cả các bộ phận của Công ty như giao dịch, phân tích… Sau thời gian học việc, tuỳ theo năng lực của từng người mà Công ty sẽ sắp xếp vào các vị trí phù hợp.
Có thể thấy, thị trường nhân sự chứng khoán luôn nóng, lạnh theo nhịp đập của Index. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững, mang lại dịch vụ tốt nhất cho nhà đầu tư, mỗi CTCK cần lựa chọn cho mình một chiến lược quản trị và tìm kiếm nhân sự phù hợp. Mỗi thời điểm thị trường biến động cũng là dịp để các thành viên tái cơ cấu lại đội ngũ nhân sự, chuẩn bị tốt bộ máy cho những bước phát triển tiếp theo. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, các CTCK cần có cái nhìn dài hạn về chiến lược phát triển con người, để từ đó có kế hoạch tìm người và giữ người phù hợp.
Hải Vân
Đầu tư chứng khoán
|