Thứ Ba, 28/04/2009 09:39

Câu hỏi then chốt về kế hoạch tăng vốn

13h15 ngày 24/4, cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinconex - VCG) vẫn chưa gác lại phần thảo luận, tâm điểm thắc mắc của cả tổ chức đầu tư lớn lẫn cổ đông nhỏ tập trung vào kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu của VCG với nỗi lo chỉ số EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) sẽ giảm. Dù mùa ĐHCĐ này cơn sốt phát hành đã mất nhiệt theo đà sụt giảm của TTCK song với các NĐT, đây vẫn là nỗi lo lớn.

Theo tờ trình của HĐQT Vinaconex, năm 2009, DN này sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.850 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng bằng cách chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo phương án lựa chọn cho người lao động với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP. Số tiền thu được dùng để cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn, tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn hoạt động, đầu tư thực hiện một số dự án như Tòa nhà trụ sở 34 Láng Hạ, dự án No5 Đông Nam Trần Duy Hưng, Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm thương mại Chợ Mơ và các dự án BĐS khác... Năm 2010, Vinaconex tiếp tục tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và NĐT chiến lược.

Năm 2008, chuyện tăng vốn của Vinaconex được đề cập không ít lần. Nghị quyết ĐHCĐ năm 2008 của Vinaconex thống nhất tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/CP và bán cho nhà ĐTNN. Khi giá phát hành cao hơn thị giá cổ phiếu trên sàn, nhiều cổ đông tổ chức đã lên tiếng đề nghị thay đổi phương án. HĐQT kiên định với phương án đã đề ra, kết quả là đợt chào bán cổ phiếu tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng gần như tất cả các cổ đông đều từ bỏ quyền mua.

Phương án tăng vốn năm 2009, HĐQT Vinaconex tin tưởng sẽ thành công, vì giá bán cho cổ đông hiện hữu hấp dẫn hơn giá thị trường. Song với NĐT, họ có cơ sở để băn khoăn. Tăng vốn thêm 40%, trong khi lợi nhuận công ty mẹ (chưa có dự kiến lợi nhuận hợp nhất) theo tờ trình của HĐQT chỉ tăng 6,4%. Quý I/2009, ước doanh thu hợp nhất của cả Vinaconex và các công ty con đạt 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận 61 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 497 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13 tỷ đồng. “Cổ phiếu bị pha loãng, EPS giảm. Chúng tôi là cổ đông gắn bó với DN từ lúc IPO, nhưng càng gắn bó, giá trị cổ phiếu càng đi xuống”, đại diện một tổ chức đầu tư lớn nêu câu hỏi. Cùng chia sẻ lo lắng này, đại diện cổ đông Finasa Fund Management so sánh, nếu yêu cầu cổ đông đóng thêm tiền tăng vốn, sử dụng tiền đó làm vốn lưu động liệu có hiệu quả khi hiện nay Chính phủ có chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất?

Một băn khoăn nữa ở chỗ, một mặt công ty mẹ kêu gọi cổ đông tăng vốn, mặt khác lại có kế hoạch đầu tư thêm 1.700 tỷ đồng vào các công ty con. Hiệu quả đầu tư vào những công ty này lại không mấy thuyết phục khi năm 2008, tổng vốn Vinaconex sở hữu tại các công ty con lên tới 2.400 tỷ đồng, mà lợi nhuận của các công ty con (tính hợp vốn) lại chỉ đạt vỏn vẹn 295 tỷ đồng.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Phan Minh Tuấn, thành viên HĐQT (đồng thời là đại diện của cổ đông lớn Dragon Capital) cho hay: “Hiện VCG đang có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 8,69 lần. So với các tổng công ty khác, tỷ lệ này không cao song khi hoạt động theo mô hình cổ phần, Vinaconex muốn tăng độ an toàn, tăng uy tín với các NĐT, vì đây là chỉ số rất quan trọng”. Ông Tuấn cho biết thêm, dù tăng vốn, Vinaconex sẽ cố gắng đảm bảo tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu duy trì mức 20%/năm. Riêng năm 2009, Vinaconex đặt kế hoạch lợi nhuận 361 tỷ đồng, tính trên vốn điều lệ 1.850 tỷ đồng, thì tỷ lệ trên tương ứng 19,5%, nếu tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, quý IV do loãng vốn, con số trên không đạt song HĐQT vẫn đảm bảo tỷ lệ cổ tức năm 2009 sẽ đạt 12%. “Đây là một cố gắng rất lớn”, ông Tuấn nói.

Một thành viên HĐQT khác là Phó tổng giám đốc Trịnh Hoàng Duy lại thuyết phục cổ đông bằng cách chỉ ra rằng, định hướng phát triển của Vinaconex trong những năm tới là tập trung cho BĐS, thu hẹp mảng xây lắp (doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp - PV). Muốn làm BĐS phải có vốn lớn. Do thiếu vốn nên những dự án như Thảo Điền, Bắc An Khánh, Vinaconex biết là hiệu quả mà vẫn phải “bán lúa non”.

Dù có nhiều ý kiến băn khoăn song kết thúc cuộc họp, phương án tăng vốn đã được ĐHCĐ Vinaconex thông qua. Nhìn rộng hơn, mùa ĐHCĐ năm nay không chỉ cổ đông của Vinaconex lo lắng về việc EPS sụt giảm khi cổ phiếu bị pha loãng, chủ đề này từng được thảo luận nóng tại cuộc họp ĐHCĐ 2009 của Sacombank khi phương án tăng vốn điều lệ từ 5.115 tỷ đồng lên 6.956 tỷ đồng bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cho cổ đông hiện hữu, được đệ trình. Không đồng thuận, thậm chí một cổ đông chiến lược nước ngoài còn bày tỏ sẽ “xem xét lại mối quan hệ hợp tác”.

Một DN lớn khác là CTCP Vincom cũng dự kiến tăng vốn từ 1.119 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Với tỷ lệ nợ vay quá lớn, tại thời điểm 31/3/2009 các khoản nợ chiếm tới 74% tổng nguồn vốn, là một trong những lý do đẩy chi phí tài chính tăng cao kéo lợi nhuận quý I giảm hơn 70%, xuống còn 10,2 tỷ đồng. EPS của DN này liệu có đáp ứng được kỳ vọng của NĐT khi Ban điều hành vừa chịu áp lực nợ vay lãi suất cao, vừa chịu áp lực duy trì cổ tức.

William J.O'Neil - NĐT tài ba của Mỹ đã kết luận: “Câu hỏi then chốt dành cho NĐT thành công luôn luôn là lợi tức trên cổ phần của quý hiện tại tăng bao nhiêu phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty của bạn báo cáo doanh số tăng 10% và lãi ròng tăng 12%. Nghe có vẻ tốt phải không? Chưa chắc đâu. Bạn không sở hữu toàn bộ công ty đó, bạn chỉ sở hữu cổ phần của nó. Công ty đó có thể vừa phát hành thêm cổ phiếu hoặc pha loãng cổ phiếu phổ thông bằng những cách khác. Vì vậy, mặc dù lãi ròng có thể tăng 12%, song lợi tức trên cổ phần - tâm điểm chú ý của bạn với tư cách một NĐT - có thể chỉ tăng 5 - 6%”.       

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   VFR: Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2009 (28/04/2009)

>   MKV: Giải trình ý kiến của kiểm toán đối với BCTC năm 2008 (28/04/2009)

>   PVG: Trả cổ tức năm 2008 bằng tiền mặt (28/04/2009)

>   BTS: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2009 (28/04/2009)

>   B82: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2009 (28/04/2009)

>   MKV: Chốt DSCĐ để trả cổ tức 2008 và ĐHCĐ thường niên 2009 (28/04/2009)

>   S99: Nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2009 (28/04/2009)

>   TNC: Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2009 (24/03/2009)

>   TKU: Họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2009 (28/04/2009)

>   PPG: Xin hoãn nộp báo cáo tài chính quý I/2009 đến 08/05/2009 (28/04/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật