Sao lại im lặng như thế!
Thật bất ngờ khi một chị bạn dự đại hội đồng cổ đông của CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) cho biết, đại hội đã diễn ra rất yên bình, cổ đông hầu như không có câu hỏi khó với Ban lãnh đạo. Bất ngờ là bởi trước đó, thông qua hộp thư Tòa soạn, một cổ đông của TAC đã gửi thắc mắc liên quan đến khoản chi 73,6 tỷ đồng của TAC cho việc chạy thử dây chuyền tinh luyện dầu, trong khi khoản đầu tư của cả dây chuyền này chỉ có 57,6 tỷ đồng.
Theo cổ đông này thì thắc mắc của họ đã được chuyển đến Công ty, nhưng không nhận được hồi đáp. Những tưởng những bức xúc như vậy sẽ được đề cập tại đại hội - dịp gần như là duy nhất trong năm cổ đông được quyền chất vấn trực tiếp Ban lãnh đạo, nhưng không, cả cổ đông và lãnh đạo DN dường như không quan tâm đến khoản chi lớn này.
Sự im lặng của cổ đông TAC trước khoản chi chạy thử dây chuyền kể trên xét cho cùng không phải là câu chuyện lớn, bởi nó chỉ xảy ra tại TAC và cũng có thể TAC có lý khi chi một khoản tiền như vậy cho hoạt động này. Mùa đại hội cổ đông năm nay, bên cạnh những băn khoăn của cổ đông về kết quả kinh doanh của nhiều DN không đạt kế hoạch, còn một nỗi băn khoăn lớn hơn mà cổ đông cần phải lên tiếng, đó là về sự chênh lệch số liệu tài chính giữa báo cáo trước và sau kiểm toán tại DN. Có lẽ, NĐT chứ không phải ai khác cần là người đầu tiên đặt câu hỏi tại sao cho những con số chênh lệch này? Tại chuẩn mực kế toán chưa chặt chẽ để DN và công ty kiểm toán có thể đưa ra những con số khác nhau? Tại kiểm toán hay tại DN? Hay tại thời gian DN phải công bố báo cáo tài chính quý IV quá gấp để rồi xảy ra sai sót?
Báo cáo tài chính của mỗi DN là cơ sở quan trọng để NĐT nhìn nhận về tình hình tài chính, thực trạng DN và kết quả nỗ lực của cả hệ thống trong kỳ. Vì vậy, nếu không đưa ra một bức tranh trung thực, đáng tin cậy thì làm sao NĐT có cơ sở để ra quyết định đầu tư? Bên cạnh một số bài học "không thể quên" từ TTCK nước ngoài thì vụ Bông Bạch Tuyết hồi đầu năm 2008 hay tình trạng ý kiểm toán khác nhau cho cùng một vấn đề trong thời gian vừa qua là minh chứng cho kết luận rằng, không phải kiểm toán lúc nào cũng là chính xác. Lần dở những bản giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh trước và sau kiểm toán, người viết thấy rằng, không phải trong bản giải trình nào, lãnh đạo DN cũng đưa ra được nguyên nhân chính xác của sự chênh lệch này. Điều đáng nói nữa là chẳng mấy lãnh đạo chịu giải thích cho NĐT hiểu, nếu có sự khác biệt giữa kiểm toán và DN mà DN không chịu điều chỉnh theo thì cách hạch toán khác nhau như vậy ảnh hưởng như thế nào đến chi phí, lợi nhuận trong các năm tiếp theo?
Bản thân các quy định hiện nay của Việt Nam cũng không có điều nào quy định về nghĩa vụ, mức xử phạt (nếu có) của lãnh đạo DN khi để xảy ra tình trạng chênh lệch số liệu tài chính, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận lớn giữa báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán. Vì vậy, nếu các NĐT, những ông chủ của DN cũng im lặng thì chẳng hiểu khi nào tình trạng này mới được chấm dứt?
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|