Thứ Tư, 19/11/2008 07:06

Khu vực nhà nước: kém hiệu quả, sao vẫn đầu tư?

Chỉ cần khoảng 2 triệu  đồng vốn cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ tạo ra một chỗ làm  mới, trong khi khu vực nhà nước là  8 triệu đồng. Giá như chỉ cần bớt đi 10-15% tổng số vốn đầu của khu vực nhà nước sang cho khu vực ngoài nhà nước thì lợi biết bao!

Một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phải đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô, có nghĩa là tăng trưởng cao nhưng không lạm phát, không thất nghiệp, cân bằng ngoại thương, cân bằng thu chi ngân sách nhà nước, cung cầu và giá cả hàng hóa, dịch vụ phải theo qui luật thị trường điều tiết. Thế nhưng, những vấn đề này ngày càng khó ổn định, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO.

Khu vực nhà nước vẫn được ưu ái

Các văn bản chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều khẳng định tất cả các thành phần kinh tế ở nước ta đều bình đẳng, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp nhà nước vẫn được sự ưu ái thể hiện ở chính sách đầu tư, chính sách giá, thuế, chính sách sử dụng tài nguyên, đất đai và được độc quyền trong một số lĩnh vực. Các doanh nghiệp nhà nước không bận tâm nhiều về hiệu quả kinh doanh - lời ăn, lỗ nhà nước  - tức toàn dân chịu.

Đáng tiếc là với sự ưu ái đó thì các doanh nghiệp nhà nước lại không hoàn thành sứ mạng là chủ đạo của toàn nền kinh tế, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Lao động khu vực Nhà nước tính đến năm 2007 chỉ chiếm 9% lực lương lao động toàn xã hội, nhưng hàng năm vẫn được đầu tư một khoản vốn chiếm tỷ trọng trên 40% vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực nhà nước lại thấp.

Năm 2007, đầu tư 13,3 đồng vốn vào khu vực nhà nước mới tăng được 1 đồng GDP, trong khi khu vực ngoài nhà nước chỉ cần 4,5 đồng. (*)

Năm 2007, khu vực nhà nước chỉ còn đóng góp 36% vào tổng GDP của cả nước, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước vẫn chỉ đạt 11-12%.

Từ con số thống kê cho thấy: chỉ cần khoảng 2 triệu  đồng vốn cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ tạo ra một chỗ làm  mới, trong khi khu vực nhà nước là  8 triệu đồng. Giá như chỉ cần bớt đi 10-15% tổng số vốn đầu của khu vực nhà nước sang cho khu vực ngoài nhà nước thì lợi biết bao!

Về ngoại thương, đã đến lúc phải thay khẩu hiệu “sản xuất hàng trong nước thay thế hàng nhập khẩu” thành khẩu hiệu “sản xuất hướng về xuất khẩu”. Đây không phải chỉ là từ ngữ mà đây là chiến lược kinh tế, khi ta đã hội nhập quốc tế.

Hội nhập, đương nhiên hàng các nước dễ dàng vào nước ta và hàng của ai tốt, giá rẻ thì sẽ chiếm được thị phần. Ta không thể bảo thủ cứ sản xuất ra những sản phẩm mà có cố hết mức cũng không thể đẹp, tốt, rẻ hơn so với hàng nhập khẩu được. Nhưng để cân bằng cán cân ngoại thương buộc ta phải tăng cường sản xuất những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có thể xuất khẩu được mà lợi thế so sánh thuộc về nước ta như những hàng nông, lâm, thủy sản, dệt, may, da, giầy dép...

Nhưng ta phải tiến tới là hàng chế biến, chứ không phải là hàng thô. Bao nhiêu năm nước ta đã phải xuất dầu thô và nhập xăng dầu thành phẩm là bài học đắt giá vì thiếu nhãn quan nhìn xa, trông rộng.

Lao động giá rẻ không bao giờ là một lợi thế!

Ai cũng biết rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng và tăng trưởng với tốc độ cao thì phải kết hợp tốt cả hai yếu tố: vốn và nhân lực. Nước ta là một nước nghèo, đông dân, yếu tố nhân lực trong tăng trưởng là yếu tố quyết định.

Tất nhiên, thời kỳ vừa qua tăng trưởng của nước ta phải bắt đầu bằng việc dựa vào yếu tố vốn, vì thời kỳ qua nước ta chưa có nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng của nền kinh tế còn yếu kém.

Và cũng nên nhớ một điều, lao động với giá rẻ không bao giờ là một lợi thế. Nếu nghĩ lao động với giá rẻ là lợi thế thì chỉ suốt đời đi làm thuê cho nước ngoài, mà không bao giờ có thể khai mở được nguồn nhân lực cao cho phát triển.

Hơn 20 năm qua, nước ta chủ yếu dựa vào vốn đầu tư để tăng trưởng là quá đủ.

Giáo dục - không thể lúc nào cũng phong trào

Trong hơn 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà nền giáo dục - đào tạo của nước nhà chưa kịp cho ra lò những thế hệ nguồn nhân lực chất lượng cao như mong muốn.

Nguồn nhân lực chất lương cao phải là toàn thể 45 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế có thể lực tốt, có trình độ kỹ thuật tay nghề cao, có năng lực, ý thức làm việc trước hết vì mình, vì gia đình và xã hội và 86 triệu người dân Việt phải được nâng cao trình độ nhận thức, quyền dân chủ.

Nếu chỉ căn cứ vào các số liệu thống kê thì giáo dục - đào tạo ở nước ta từ bậc mẫu giáo đến đại học, sau đại học đã tăng một cách đáng kể và đôi lúc đáng “sợ”.

Đến năm 2007, nước ta đã có gần 28 nghìn trường học phổ thông các cấp, 345 trường Đại học, Cao đẳng và 273 trường trung học chuên nghiệp, hàng ngày có hơn 1/4 dân số tới trường, trong đó có gần 2 triệu sinh viên đang theo học đại học cao đảng và hơn 600 nghìn học sinh đang học ở các trường trung học chuyên nghiệp.

Nhưng về thực chất, giáo dục và đào tạo ở Việt Nam mới chỉ chạy theo số lượng. Học sinh phổ thông thì học kiến thức cao siêu, nhưng kiến thức cần cho cuộc sống thì không được học, không được dậy.

Sinh viên đại học cao đẳng sau 3-4 năm học chẳng còn biết mình đã học cái gì và có thể làm được gì sau khi ra trường. Bởi vì đào tạo đã tách khỏi nhu cầu của đời sống.

Đây là một sự lãng phí ghê gớm mà ai có thể đo đếm được. Không những thế, sự lãng phí này còn gây hậu quả làm suy giảm lòng tin, nhiệt tình làm việc của thanh niên trí thức. Công cuộc cải cách giáo dục đào tạo vì thế cần phải cấp bách hơn bao giờ hết.

Cuộc "cách mạng" này cần tập trung làm càng sớm càng tốt và phải có kết quả bước đầu trong 4-5 năm tới. Đã là cuộc "cách mạng" thì phải có phong trào, nhưng không thể lúc nào cũng sử dụng phong trào được. Phong trào chỉ là mồi lửa ban đầu, sau phong trào phải có chiến lược dài hơi và chiến thuật từng bước thì cách mạng mới thành công được.

Kim Ngọc Cương

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Tìm vốn khai thông thị trường (19/11/2008)

>   Thương hiệu địa phương (19/11/2008)

>   DN quá chủ quan về an toàn thông tin (19/11/2008)

>   Để vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Phải có những cải cách sâu rộng (19/11/2008)

>   Ngành dệt may VN chưa tạo được thương hiệu mạnh (19/11/2008)

>   Tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Xây dựng (19/11/2008)

>   16,5 triệu đồng một giấy phép nhượng quyền thương mại (19/11/2008)

>   Việt Nam và EU thảo luận về công tác quản lý hải quan (18/11/2008)

>   Thận trọng đối phó với khủng hoảng tài chính (18/11/2008)

>   Dệt may Việt Nam vẫn khó đạt tỷ suất lợi nhuận cao (18/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật