Việt Nam và EU thảo luận về công tác quản lý hải quan
Ngày 18/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về "An ninh và tạo thuận lợi hóa thương mại trong chuỗi dây chuyền cung ứng quốc tế; Quy định mới về an ninh của Liên minh châu Âu (EU)''.
Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Bí thư thứ nhất Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam Hans Farnhammer; ngài Pierre Faucherand, Cố vấn Bộ trưởng, đại diện khu vực của Tổng vụ Liên minh hải quan và thuế quan (DG Taxud) tại châu Á; đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI cùng đông đảo doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Liên minh châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam. Trung bình mỗi năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) tăng 18-19%. Mười tháng qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đạt gần 9 tỷ USD. Do đó, hội thảo là dịp để các bên liên quan trao đổi về nội dung công tác quản lý hải quan giữa Việt Nam và EU, từ đó nắm được những nội dung mới, tạo cơ hội cơ bản trong thực hiện xuất nhập khẩu vào EU và các nước khác, đảm bảo đúng pháp luật và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bí thư thứ nhất Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam Hans Farnhammer cho biết: Hội thảo được tổ chức bởi Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật châu Âu cho Việt Nam giai đoạn 2 (ETV2). Mục tiêu tổng thể của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật châu Âu cho Việt Nam là đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; Hiệp định Tài chính cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật châu Âu cho Việt Nam giai đoạn 2 có tổng ngân sách hơn 12 triệu Euro, trong đó vốn tài trợ của Ủy ban châu Âu hơn 11 triệu Euro. Để kết nối thương mại giữa EU và các nước đang phát triển vào hoạt động thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam, EU cam kết thúc đẩy thương mại song phương giữa EU và Việt Nam nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Ông Pierre Faucherand nhấn mạnh rằng, EU sẵn sàng phát triển hợp tác hải quan với các đối tác đảm bảo công nhận các doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt và kiểm soát bất cứ khi nào có thể. Điều này sẽ có lợi cho đôi bên do nó cho phép gắn kết các mục tiêu an ninh và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.
Tại Hội thảo, các bên liên quan tập trung giới thiệu và thảo luận về quy định mới của Ủy ban châu Âu (EC) về an ninh dây chuyền cung ứng-cơ sở với các nội dung chính như: Cách thức tiếp cận các thách thức về an ninh mới kết hợp với tạo thuận lợi thương mại để thương mại quốc tế được đảm bảo hơn và an toàn hơn; Cách hiểu của EU về khái niệm an ninh chuỗi dây chuyền cung ứng; Quy định mới của EC và ba trụ cột: Hệ thống quản lý rủi ro cộng đồng, chương trình doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt (AEO) và các yêu cầu thông tin trước đối với hàng hoá.
Đại diện Việt Nam trình bày chương trình thí điểm thương nhân ưu tiên đặc biệt của hải quan Việt Nam (AEO). Chương trình thí điểm AEO của hải quan Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho thủ tục hải quan với việc doanh nghiệp được hưởng sự đơn giản hóa thủ tục hải quan và được tạo thuận lợi về kiểm soát hải quan liên quan tới vấn đề an ninh và an toàn...
TTXVN
|