Thứ Ba, 18/11/2008 23:07

Dệt may Việt Nam vẫn khó đạt tỷ suất lợi nhuận cao

Tỷ suất lợi nhuận của ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang ở mức 5-8%, chủ yếu tập trung vào khâu gia công, trong khi khâu này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành may mặc thấp.

Ông Hồ Lê Nghĩa, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách (Bộ Công Thương) đã đưa ra những thông tin trên tại cuộc hội thảo về phát triển ngành dệt may Việt Nam sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Hà Nội hôm 18-11.

Trên thực tế, đây không phải là vấn đề mới nhưng vẫn đòi hỏi sự nghiên cứu nhiều để tạo ra sự tăng trưởng về chất cho ngành dệt may Việt Nam, thay cho tăng trưởng về lượng (gia công) kéo dài trong những năm qua.

Yêu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn khi mà dệt may vẫn đang là ngành giữ vị trí quan trọng trong bản đồ xuất khẩu quốc gia với vị trí thứ hai sau dầu thô (ước đạt 9,2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay). Hơn nữa, ngành dệt may đang sử dụng 2,2 triệu lao động trong tổng số khoảng 6 triệu lao động công nghiệp cả nước.

Tuy nhiên, theo trình bày của ông Nghĩa, tính đến năm 2007, ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu đến 90% bông, gần 100% các loại xơ sợi tổng hợp, 70% nguyên phụ liệu vải và các phụ liệu may xuất khẩu khác. “Giá trị gia tăng (VA) thấp, tỷ suất giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất công nghiệp (VA/GO) có xu hướng giảm, và tỷ suất lợi nhuận cuối cùng chỉ thu được từ 5% đến 8% ở khâu gia công”, chuyên gia này nhận định.

Theo tìm hiểu của ông, trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu thì thiết kế kiểu dáng diễn ra ở Mỹ và châu Âu, vải được sản xuất ở Trung Quốc, các phụ liệu đầu vào khác được sản xuất tại Ấn Độ và sản phẩm cuối cùng được thực hiện ở những nước có chi phí nhân công thấp như Việt Nam, Trung Quốc. Do vậy, trong chuỗi giá trị này, Việt Nam chỉ tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, khâu được đánh giá tạo ra lượng giá trị gia tăng thấp nhất, với sự tham gia của khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam, dưới hình thức sản xuất gia công.

Cũng trong chuỗi giá trị này, các công ty Việt Nam hiện nay chủ yếu sản xuất theo tiêu chuẩn khách hàng (OEM). Tuy nhiên, trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn OEM vẫn đang còn nhiều vấn đề lớn mà các doanh nghiệp trong nước cần tiến bộ hơn nữa mới đạt đến trình độ hiện nay của các nước Đông Á.

Mặt  khác, muốn thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp cần phải sản xuất dưới dạng sản xuất thiết kế gốc (ODM) hay sản xuất nhãn hiệu gốc (OBM).

Phân tích chuỗi giá trị một cách cụ thể như vậy để cho thấy rằng, không chỉ có khâu sản xuất mới tạo ra giá trị gia tăng. Bởi thực tế, khâu thiết kế mới tạo ra giá trị cao hơn hẳn do đòi hỏi trình độ cao và tiền công cao hơn, dù là bài toán rất khó với các nhà gia công chuyên nghiệp như Việt Nam.

Do vậy, nhiều chuyên gia và lãnh đạo trong ngành may mặc cũng đồng tình với quan điểm của ông Nghĩa tại cuộc hội thảo rằng,  việc phát triển quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước theo hướng gia công sẽ chỉ đúng trong ngắn hạn nhưng sẽ không còn phù hợp, thậm chí có thể dẫn đến định hướng sai lệch cho ngành dệt may trong tầm nhìn dài hơn.

Bởi đã đến lúc, trước sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu do suy giảm kinh tế toàn cầu đang diễn ra với tốc độ ngày một gay gắt hơn thì việc tự đặt mình vào vị trí đáy của chuỗi giá trị toàn cầu hẳn là một lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và thua thiệt.

“Các doanh nghiệp dệt may trong nước với về dày kinh nghiệm, hoàn toàn đủ năng lực để phát triển các khâu chủ chốt nhằm mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Nghĩa nói. Vấn đề là họ lựa chọn hay khống chế cách phát triển theo hướng đó hay “ăn xổi” qua các hợp đồng gia công để thu lợi nhanh hay không mà thôi.

Ngọc Lan

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Đưa mỏ dầu Sư Tử Vàng vào khai thác (18/11/2008)

>   Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Bungaria (18/11/2008)

>   Xé nhỏ đất nông nghiệp khiến nông dân ít thu nhập (18/11/2008)

>   Mở cửa thị trường bán lẻ: bắt đầu cạnh tranh khốc liệt (18/11/2008)

>   Irắc thương lượng mua 60.000 tấn gạo của Việt Nam (18/11/2008)

>   Sẽ có đánh giá cụ thể về tình hình cho vay bất động sản (18/11/2008)

>   Tháng 12 Vietnam Airlines bán vé máy bay qua mạng (18/11/2008)

>   'Keangnam bị ngưng tín dụng sau vụ thách cược 100 tỷ đồng' (18/11/2008)

>   15 mặt hàng thuộc diện Nhà nước bình ổn giá (18/11/2008)

>   Dự báo xuất khẩu gạo, cà phê, cao su 2 tháng cuối năm (18/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật