Thứ Ba, 18/11/2008 23:13

Thận trọng đối phó với khủng hoảng tài chính

Khủng hoảng tài chính tại Mỹ đã bắt đầu có ảnh hưởng nhiều đến các nước trên thế giới. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy đó, và các chuyên gia cho rằng cần thận trọng để đối phó.

Các chuyên gia đã đưa ra ý kiến trên tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam trước khủng hoảng tài chính toàn cầu" do báo Đầu Tư tổ chức ngày 18-11. Theo đó, mức độ ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đến Việt Nam trong ngắn hạn chưa sâu nhưng về dài hạn phải thận trọng trong đối phó.

Lạc quan trong ngắn hạn

Ông Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc công ty Vina Capital cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam ít bị ảnh hưởng do chưa có nhiều hoạt động giao thương trực tiếp với các trung tâm tài chính và các luồng chuyển dịch tiền tệ thế giới. Bên cạnh đó, do hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam rẻ hơn, thay thế hàng hóa xuất khẩu đắt hơn từ các nước Đông Á. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng.

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng dự báo lạc quan là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân năm 2009 có thể sẽ bằng với năm 2008 do số vốn FDI đăng ký trong năm nay chưa giải ngân hết, và sẽ tiếp tục được giải ngân khi các dự án trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt.

Về thị trường chứng khoán, theo ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM thì sự hội nhập chưa sâu của tình hình kinh tế Việt Nam sẽ khiến cho nước ta bị ảnh hưởng ít hơn. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ không giảm sâu và tác động của cuộc khủng hoảng này chủ yếu lên các doanh nghiệp niêm yết.

Nhiều tác động hơn trong dài hạn

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối diện với khó khăn trước tiên do việc giảm đơn hàng đến từ các nước châu Âu và Mỹ, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, các ngân hàng cũng sẽ ngần ngại hơn trong việc cho vay vốn.“Tình hình này sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến hết năm 2009”, ông Phạm Đỗ Chí, Phó tổng giám đốc Vina Capital nhận định.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc cho vay bất động sản làm cho nợ xấu tăng nhanh hơn khi càng về cuối năm, khi các dự án này hiện đang đóng băng. “Những khoản nợ xấu này nếu không thận trọng có thể sẽ mang lại hậu quả nặng nề cho tình hình tài chính trong nước”, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nhấn mạnh.

Giáo sư Mại cũng cho rằng trong năm 2009 tình hình kinh tế trong nước và sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các tập đoàn kinh tế toàn cầu để đối phó với cuộc khủng hoàng tài chính Mỹ sẽ có thể làm giảm đi dòng vốn FDI, về cả đăng ký và giải ngân.

Ngoài ra, một yếu tố khác ảnh hưởng đến nguồn vốn FDI còn do sự ảnh hưởng của cách thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự thực thi của các ban, ngành, địa phương, Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh.

Tình hình khủng hoảng diễn ra cũng khiến các ngân hàng không dễ đưa ra quyết định cho vay các dự án lớn. Đây cũng là một rào cản lớn khiến tình hình đầu tư nước ngoài trong năm 2009 sẽ gặp khó khăn.

Về tốc độ tăng trưởng GDP, ông Chí nói trong năm 2009 sẽ chỉ ở mức 5,5-6% theo xu hướng sụt giảm chung của tình hình thế giới, mức tiêu thụ hàng hóa giảm.

Thận trọng đối phó

Theo giáo sư Mại thì Việt Nam nên cẩn trọng để đánh giá đúng thực trạng, không nên đưa ra những thông tin quá lạc quan để đến khi xảy ra các tình hình xấu thì không đủ thời gian đối phó.

Ông cho rằng nhà nước nên rà soát cẩn trọng những dự án đã được cấp phép, thông qua nhiều kênh thông tin và mối liên hệ để tìm hiểu thực chất ý đồ của từng nhà đầu tư trước bối cảnh mới của thế giới và Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đánh giá mức độ khả thi của từng dự án để đưa ra quyết định nên tiếp tục hay dừng lại.

Đồng thời, vẫn cần đưa ra các dự báo tình hình kinh tế và thị trường thế giới để có những bước đi hợp lý trong năm 2009 nhằm tránh bớt được những rủi ro không đáng có.

Ông Chí cũng cho rằng Việt Nam cần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng liên quan đến các khoản cho vay bất động sản xấu. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành nghiêm khắc và Ngân hàng Nhà nước nên sẵn sàng bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi cần thiết. Ngoài ra, cơ quan này cần có kế hoạch sáp nhập những ngân hàng yếu vào những ngân hàng mạnh và cả kế hoạch bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp khủng hoảng thế giới xấu đi, cơ quan quản lý cần kích thích tiêu dùng trong nước thông qua chính sách tín dụng mềm dẻo hơn. Việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất cơ bản cùng một số biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ khác là bước đi đúng hướng.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ hội chủ yếu là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tìm kiếm thị trường cũng như các nhà đầu tư mới từ Trung Đông.

Không lo nhà đầu tư nước ngoài  rút vốn 

Về việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán, ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM cho biết đây không phải là đáng lo ngại nhất, do hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài là quỹ đóng, thời gian họ đầu tư thường là từ 3-5 năm, họ không thể rút ra khỏi thị trường và tỷ trọng phân bổ nguồn vốn vào thị trường Việt Nam không lớn. Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường nhỏ như Việt Nam không dễ do thanh khoản thấp.

Nhiều chuyên gia chứng khoán thế giới cũng cho rằng, tại một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam thì mức độ ảnh hưởng chưa sâu. Do đó, thời gian phục hồi của Việt Nam có thể nhanh hơn, mạnh hơn nên họ sẽ dể dàng có được lợi nhuận cao hơn khi tiếp tục đầu tư vào thị trường này.

Thanh Thương

thời báo kinhtế sài gòn

Các tin tức khác

>   Dệt may Việt Nam vẫn khó đạt tỷ suất lợi nhuận cao (18/11/2008)

>   Đưa mỏ dầu Sư Tử Vàng vào khai thác (18/11/2008)

>   Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Bungaria (18/11/2008)

>   Xé nhỏ đất nông nghiệp khiến nông dân ít thu nhập (18/11/2008)

>   Mở cửa thị trường bán lẻ: bắt đầu cạnh tranh khốc liệt (18/11/2008)

>   Irắc thương lượng mua 60.000 tấn gạo của Việt Nam (18/11/2008)

>   Sẽ có đánh giá cụ thể về tình hình cho vay bất động sản (18/11/2008)

>   Tháng 12 Vietnam Airlines bán vé máy bay qua mạng (18/11/2008)

>   'Keangnam bị ngưng tín dụng sau vụ thách cược 100 tỷ đồng' (18/11/2008)

>   15 mặt hàng thuộc diện Nhà nước bình ổn giá (18/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật