Thứ Tư, 19/11/2008 06:29

Để vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Phải có những cải cách sâu rộng

Ngày 18-11, tại TPHCM, báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cùng một số đơn vị khác đã phối hợp tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu” nhằm nhận diện rõ hơn những thách thức mà VN sẽ gánh chịu cũng như tìm kiếm những giải pháp vượt qua phù hợp. SGGP xin trích lược ý kiến của một số chuyên gia tại hội thảo này.

GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về hợp tác và đầu tư: Kết hợp hài hòa giữa quy luật thị trường và năng lực điều tiết

Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng sẽ kết thúc nhưng khi nào chấm dứt thì rất khó dự đoán. Hiện nay chỉ có thể nói rằng năm 2009 kinh tế thế giới và VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. Với VN, việc cần làm là đánh giá đúng tác động của cuộc khủng hoảng trong điều kiện nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Để tránh tái diễn hậu quả của cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997, VN cần nghiên cứu bài bản để nhận dạng đầy đủ tác động của khủng hoảng, đề ra các giải pháp đồng bộ và phối hợp với các nước khác thực hiện các giải pháp chung. Đồng thời phải xem xét khách quan tình hình đất nước, nhất là hoạt động tín dụng của các ngân hàng, đặc biệt là những khoản tín dụng bất động sản.

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng sẽ không còn khả quan nữa do môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước ít còn thuận lợi cùng với tình trạng khó khăn của các tập đoàn kinh tế toàn cầu. Do vậy, nhiều dự án FDI đã cấp phép nhiều khả năng giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không triển khai. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư tiềm năng thì VN vẫn là thị trường hấp dẫn ở tầm trung và dài hạn. Vì vậy, yêu cầu cơ bản nhất đối với VN là phải kết hợp hài hòa giữa sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường với năng lực điều tiết thị trường của Chính phủ.

GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM: Chúng ta phải thay đổi thật sự!

Nợ nần, thâm hụt ngân sách và thâm hụt mậu dịch cần phải được đánh giá chuẩn xác hơn nữa. Nếu chỉ nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô thì không ai cho rằng nước Mỹ có ngày hôm nay! Muốn có thêm tiền để sau này xài tiếp thì chúng ta phải biết dùng tiền đúng cách. Tiếp đó, kiên quyết cắt “bầu sữa” đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả.

Chưa làm được điều này nghĩa là những khu vực khác của nền kinh tế còn phải gánh chịu thay cho nó. Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ rất khó tiếp cận được nguồn vốn, những bất bình đẳng ngày càng lớn dần. Có thể những điều đó mới dẫn đến khủng hoảng. Vấn đề thứ ba là phải kiểm soát hợp lý các tập đoàn kinh tế độc quyền để tránh lũng đoạn giá cả. Những ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu có một cuộc cải cách thật sự đối với các doanh nghiệp nhà nước, VN có thể tiết kiệm được 30% chi phí tiêu hao nguyên vật liệu và công nghệ.

Chừng nào các tập đoàn kinh tế nhà nước chưa chính thức được kiểm toán quốc tế và công khai cho người dân biết thì những hậu quả khó lường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với một sân chơi công bằng hơn thì việc VN đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục như Trung Quốc đã từng là chuyện hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Cuối cùng, mở cửa thị trường tài chính là cần thiết nhưng không thể nóng vội mà phải thận trọng. Chính phủ phải có những cải cách sâu rộng, chính sách trong nước phải đi trước một bước và phải thật đồng bộ giữa các bộ ngành, quan trọng nhất là thiết lập được cơ chế giám sát tài chính hữu hiệu. Đó mới chính là điều kiện tiên quyết để tự do hóa tài chính.

TS Phạm Đỗ Chí, nguyên kinh tế gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế, kinh tế gia trưởng Tập đoàn Vinacapital: Doanh nghiệp nên củng cố dòng tiền mặt

Với hoạt động ngân hàng, công tác thanh kiểm tra phải được tiến hành nghiêm khắc. Riêng Ngân hàng Nhà nước thì nên sẵn sàng “giải cứu” thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi cần thiết, đồng thời có kế hoạch bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng. Trong trường hợp kém lạc quan, chính sách tín dụng cần mềm dẻo để kích thích tiêu dùng trong nước. Để giảm bớt tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp VN nên có chiến lược tồn tại bằng cách củng cố dòng tiền mặt, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới ở Trung Đông và ASEAN cũng như cả thị trường trong nước.

Hoàng Liêm

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Ngành dệt may VN chưa tạo được thương hiệu mạnh (19/11/2008)

>   Tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Xây dựng (19/11/2008)

>   16,5 triệu đồng một giấy phép nhượng quyền thương mại (19/11/2008)

>   Việt Nam và EU thảo luận về công tác quản lý hải quan (18/11/2008)

>   Thận trọng đối phó với khủng hoảng tài chính (18/11/2008)

>   Dệt may Việt Nam vẫn khó đạt tỷ suất lợi nhuận cao (18/11/2008)

>   Đưa mỏ dầu Sư Tử Vàng vào khai thác (18/11/2008)

>   Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Bungaria (18/11/2008)

>   Xé nhỏ đất nông nghiệp khiến nông dân ít thu nhập (18/11/2008)

>   Mở cửa thị trường bán lẻ: bắt đầu cạnh tranh khốc liệt (18/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật