Giám sát “con cưng”
Trước bức xúc của người đóng thuế là dân và sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội, lần đầu tiên trong nghị quyết về kế hoạch kinh tế- xã hội 2009 vừa được Quốc hội thông qua, có nội dung giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, đối tượng lâu nay được xem là “con cưng” với các ưu đãi về chính sách.
Theo đó, Quốc hội đã giao Chính phủ đánh giá kết quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước để báo cáo Quốc hội vào năm 2009. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Mai Quốc Bình, cũng cho biết hoạt động thanh tra Chính phủ sẽ đưa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vào “tầm ngắm” mà cao điểm là thanh tra về đầu tư trái tuyến, hoạt động tín dụng của các đơn vị này. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết sẽ công khai những ẩn số của Tập đoàn Điện lực VN – một điển hình về cách hành xử kiểu “con cưng”.
Hiện các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư Nhà nước, nhưng lại chiếm 70% tổng dư nợ quốc gia và 80% dư nợ tín dụng của toàn bộ khối doanh nghiệp (DN) Nhà nước, chưa kể còn được Nhà nước bảo lãnh vay nợ nước ngoài hàng triệu USD nhưng hiệu quả hoạt động lại tỉ lệ nghịch. Trong khi, nhiều chuyên gia cho rằng các tập đoàn này là yếu tố gây xung lực cho lạm phát. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa ai quản lý và giám sát hoạt động của khối DN Nhà nước, đặc biệt là vấn đề sử dụng vốn. Trước kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra dự thảo nghị định về quản lý các tập đoàn. Nhưng dự thảo này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của tập đoàn, cho rằng quản lý trở lại thời... bao cấp! Còn các chuyên gia thì cho rằng không cần thiết phải có một nghị định riêng để quản lý các tập đoàn vì các hoạt động của DN Nhà nước đã được điều chỉnh bởi các luật: Luật DN, Luật Phá sản, Luật Thuế, Luật Thương mại, Luật Kế toán... Vấn đề là khép hoạt động của các “con cưng” vào đúng khuôn khổ pháp luật. Và quan trọng hơn là sự nhận thức, tất cả các DN, dù Nhà nước hay tư nhân đều phải đối xử công bằng, không có sự phân biệt.
Theo dự toán ngân sách năm 2009, Chính phủ vẫn dành 10.641 tỉ đồng để hỗ trợ DN Nhà nước. Đây là điều cần thiết để tạo những cú hích mạnh từ các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, cần giám sát hoạt động đầu tư của các “con cưng” này. Cụ thể, phải có những quy định về báo cáo, phân tích chi phí, lợi ích một cách chi tiết. Công bố rộng rãi các dự án đầu tư công trước khi được phê duyệt. Nhóm chuyên gia Harvard cho rằng cần công bố danh mục 100 dự án đầu tư công lớn nhất, với các nghiên cứu đánh giá chi phí, lợi ích đi kèm. Dự án nào không có đánh giá sẽ bị đình chỉ. Tránh tập trung quyền lực vào một tập đoàn lớn để họ “hái ra tiền” và từ đó gây áp lực với chính phủ.
Minh Hà
Người lao động
|