Giá cước vận tải sẽ giảm khoảng 16%?
Một số doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh đã bắt đầu giảm giá cước. Các hãng taxi cũng đang xem xét mức giá mới để công bố trong tuần tới.
Chỉ trong tháng 10, giá xăng dầu đã giảm 4 lần (ngày 8, 17, 18 và 31/10) với tổng mức giảm là 2.000 đồng/lít và giá ngày 8/11, giá xăng giảm thêm 1000 đồng/lít.
So với điểm ngày 21/7, giá xăng đã giảm 31%. Theo tính toán của các nhà kinh tế, với mức giảm này thì cước vận tải xăng phải giảm 16%, còn giá dầu giảm 19% tương ứng cước dầu cũng phải giảm 9%. Do vậy, các doanh nghiệp phải làm phương án điều chỉnh giá.
Trước đó, nhiều người dân phàn nàn là giá xăng giảm nhưng tại sao doanh nghiệp lại không giảm giá cước vận tải. Trả lời cho câu hỏi này, các doanh nghiệp đều cho rằng giá xăng dầu giảm nhỏ giọt gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vì để giảm giá, các doanh nghiệp phải tiến hành hành loạt động tác: thủ tục trình giảm giá, thay đổi hợp đồng, in lại vé mới, bỏ vé cũ…
Các doanh nghiệp vận tải cùng giảm giá
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam cho biết, trước khi có đợt giảm giá xăng lần này, Hiệp hội cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải cân đối các nguồn chi theo nguyên tắc xăng dầu giảm giá bao nhiêu thì phải giảm giá cước vận tải bấy nhiêu. Khi giá tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng đối với mỗi lít xăng và dầu thì các doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh. Đơn vị nào trước đây chưa giảm thì phải điều chỉnh ngay làm sao cho tương xứng với giá bán lẻ xăng, dầu.
Ông Bùi Văn Quảng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp vận tải hàng hoá chủ yếu là chạy bằng dầu. Nếu tính ba lần giảm giá thì nay diezel giảm 2.000 đồng/ lít. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ cùng điều chỉnh giá cước. Hiện nay, Hiệp hội đã giao cho các doanh nghiệp tự cân đối, thương thảo với các đối tác về việc giảm giá.
Được biết, giá dầu chiếm trong giá thành cước vận tải khoảng 35%. Chính vì vậy, lần này các doanh nghiệp vận tải sẽ điều chỉnh cước trong khoảng 5 -7%.
Trao đổi với VOVNews chiều 9/11, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho biết, trong tuần tới Hiệp hội sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp taxi để bàn về giá cước. Giá cước sẽ điều chỉnh kịp thời với sự lên, xuống của giá xăng. Giá taxi sẽ giảm ở mức nào, theo ông Bình còn cần phải có sự tính toán cụ thể. Các phương án sẽ được đưa ra trong thời gian sớm nhất để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.
Xăng giảm không hẳn đã bớt khó khăn
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay cước vận tải còn phải đang gồng thêm cả lãi suất ngân hàng. Bởi 70% vốn của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải là vay của ngân hàng với lãi suất trên 16%/ năm, có lúc đến 21%/ năm. Từng doanh nghiệp sẽ căn cứ theo tình hình cụ thể của đơn vị mình để điều chỉnh mức phù hợp. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải chuẩn bị phương án giá của năm 2009 nhằm đảm bảo giá cước ổn định cho người tiêu dùng.
Ông Bùi Văn Quảng cũng cho biết khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp vận tải là yếu tố cung cầu. Thực tế các hợp đồng vận tải giảm, cắt xén hàng ngày. Ước tính sơ bộ thì doanh thu năm nay của các doanh nghiệp vận tải hàng hoá thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm trên 60%. Khi hàng hoá ít thì xe sẽ bớt chạy, hoặc chạy mà không hết công suất. Do vậy, các doanh nghiệp vận tải cố bám trụ giữ khách hàng và không lỗ.
Cũng giống như các doanh nghiệp vận tải đường dài, ông Đỗ Quốc Bình cho biết, các doanh nghiệp taxi cũng đang phải “gồng” phần lãi suất cao vay trong thời gian trước.
Bộ Tài chính tăng mức thuế nhập khẩu xăng, dầu lên 5%. Cụ thể: thuế nhập khẩu xăng, dầu hoả và mazút là 20% còn dezel 15%.
Mức thuế nhập khẩu được áp dụng cho các Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày 11/11.
Vũ Hạnh
vov
|