Chủ Nhật, 09/11/2008 16:03

Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2009

Xem xét miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn

Hôm qua 8-11, với tỷ lệ 88,44% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến vào hai dự thảo Luật Bồi thường nhà nước và Luật Quy hoạch đô thị.

Giảm thu lẫn giảm chi

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 đã được Quốc hội thông qua, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 389.900 tỷ đồng, bằng 21,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Số thu này giảm 28.100 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ hồi đầu kỳ họp. Tính cả 14.100 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2008 sang năm 2009 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2009 là 404.000 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2009 được Quốc hội quyết định là 491.300 tỷ đồng.

Con số này được cân đối sau khi đã giảm chi cho đầu tư từ 118.88 tỷ đồng xuống còn 112.800 tỷ đồng, giảm chi thường xuyên còn 269.300 tỷ đồng, giảm chi tiền lương từ 43.600 tỷ đồng xuống còn 36.600 tỷ đồng, vẫn điều chỉnh lương tối thiểu nhưng giãn tiến độ thời điểm thực hiện đến khoảng tháng 5-2009. Mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 là 87.300 tỷ đồng, bằng 4,82% GDP.

Quốc hội tán thành các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 và nhấn mạnh thêm một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi, giảm bội chi ngân sách. Phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính phủ khẩn trương tổ chức thực hiện tốt các luật thuế đã được sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2009 như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế TTĐB.

Đáng chú ý, Quốc hội giao Chính phủ quy định điều kiện và thực hiện miễn, giảm, giãn tiến độ nộp thuế có thời hạn đối với một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục rà soát để giảm, bãi bỏ những khoản phí, lệ phí không còn phù hợp, kịp thời ngăn chặn tình trạng lạm dụng, tạo ra các khoản đóng góp bất hợp lý dưới mọi hình thức. Năm 2009, được phát hành trái phiếu Chính phủ không quá 36.000 tỷ đồng để tiếp tục tập trung đầu tư các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nâng cấp bệnh viện huyện; đồng thời, bố trí vốn theo lộ trình để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đầu tư bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi, trạm y tế xã và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi khó khăn. Ngoài ra, cần rà soát danh mục đầu tư, loại bỏ các dự án, công trình thi công kéo dài, kém hiệu quả; bổ sung dự án, công trình cấp bách, sớm phát huy hiệu quả.

Tránh bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm!

Thảo luận về dự án Luật Bồi thường nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, yêu cầu về tránh bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm là điều mà dự luật dường như chưa đạt được. Các ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắc Lắc) có cùng quan điểm yêu cầu nhà nước phải sòng phẳng hơn với người dân trên nguyên tắc gây ra thiệt hại cho dân là phải bồi thường, kể cả trong trường hợp “không hành động”. “Quy định không bồi thường đối với hành vi không thực hiện nhiệm vụ công vụ là còn nương nhẹ những yếu kém của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, vô hình trung dung túng cho căn bệnh thờ ơ, vô cảm sinh sôi nảy nở”, ông Lê Văn Cuông bình luận.

Theo ĐB, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh. Về thủ tục để được bồi thường, ĐB Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) cho rằng, những quy định trong dự luật quá rườm rà, phức tạp khiến người dân và doanh nghiệp có thể phải theo đuổi khiếu kiện mệt mỏi, tốn kém thời gian. Đây cũng là quan điểm của các ĐB Trần Đình Long (Đắc Lắc), Trương Thị Ánh (TPHCM)…

Liên quan đến phạm vi được bồi thường, đa số ý kiến phát biểu cho rằng, quy định tại dự thảo luật chưa đảm bảo được sự bình đẳng. “Những trường hợp gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp trong quản lý hành chính là rất rộng, nhưng dự luật chỉ liệt kê có 11 loại công vụ được xem xét bồi thường”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nhận định.

Khắc phục tư duy “quy hoạch theo nhiệm kỳ”

Đa số các ĐBQH đều đồng tình rằng cần sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị, nhưng những quy định mà dự án luật này đề ra dường như vẫn chưa thể khắc phục được những tồn tại của tình trạng quy hoạch đô thị manh mún, chắp vá hiện nay. Dẫn ví dụ về tình trạng ngập lụt do mưa lớn ở Hà Nội trong những ngày qua, nhiều ĐB cho rằng quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn xa và rộng hơn.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) thắc mắc tại sao dự luật không thấy đề cập đến vấn đề quy hoạch hệ thống thoát nước mưa, hay công trình ngầm ở đô thị. ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đề nghị luật quy định thời gian quy hoạch phải dài gấp 2 - 3 lần so với quy định đã đưa ra là 20 - 25 năm. Với các đô thị đặc biệt, quy hoạch cần có tầm nhìn hàng trăm năm: “Đã là quy hoạch thì thường là treo, càng dài treo càng lâu. Nhưng quá trình thực hiện cần có lộ trình cụ thể 5 - 10 năm, thì người dân trong vùng quy hoạch sẽ hết bức xúc. Chính vì quy hoạch treo hiện nay nên tầm nhìn quy hoạch ngắn”. ĐB Trần Thị Lệ Phi (Cần Thơ) đồng tình rằng, nếu quy hoạch không có kế hoạch thực hiện cụ thể và công khai cho dân biết, thì quy hoạch chỉ là một “bức tranh đầy màu sắc”. Và, nếu cần thiết, cần phải tính đến cả chuyện bồi thường thiệt hại cho người dân bị quy hoạch treo.

Kiến trúc sư trưởng: Chỉ nên có ở đô thị loại 1

Về tái lập mô hình kiến trúc sư trưởng, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng ý với quy định này, ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng, kiến trúc sư trưởng với chức năng tư vấn (không quản lý hành chính như trước đây) sẽ giúp tăng cường được nhân lực có trình độ cao để tham mưu cho UBND thành phố về quy hoạch kiến trúc.

“Đặc biệt, mô hình này, cùng với Hội đồng tư vấn quy hoạch kiến trúc, sẽ khắc phục được tư duy quy hoạch theo nhiệm kỳ và theo dự án” – bà Thanh nói, nhưng đề nghị phải bổ sung thêm các quy định để xác định vị trí độc lập của kiến trúc sư trưởng ở địa phương.

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) lo ngại chức năng của kiến trúc sư trưởng quá nặng, còn ĐB Nguyễn Thị Nga (Hải Dương) cho rằng chỉ nên lập kiến trúc sư trưởng ở đô thị loại 1, và phải tránh việc chồng chéo chức năng với các cơ quan quản lý xây dựng đô thị khác. “Nên thiết kế mô hình này theo hướng mở, không nên cứ đô thị là phải có kiến trúc sư trưởng. Chẳng hạn, chỉ quy định đô thị loại đặc biệt mới cần có kiến trúc sư trưởng” – ĐB Nguyễn Bá Thanh kiến nghị

H.YÊN - A.PHƯƠNG

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Đằng sau những con số (08/11/2008)

>   Giá xăng giảm 1.000 đồng một lít từ trưa nay (08/11/2008)

>   Về đâu ngành bông Việt Nam? (08/11/2008)

>   Nông dân lại chịu thua thiệt! (08/11/2008)

>   Hàng chục doanh nghiệp xe đò giảm giá vé (08/11/2008)

>   Công bố 2 dự án điện trị giá hơn 370 tỉ đồng (08/11/2008)

>   Tuyến đường sắt đô thị HN số 5 được mời gọi đầu tư theo hình thức B.O.T (08/11/2008)

>   Nhiều doanh nghiệp Ý tìm được đối tác tại VN (08/11/2008)

>   "Ericsson sẽ trực tiếp thiết lập, vận hành mạng HT Mobile" (08/11/2008)

>   Quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản còn nhiều bất cập (08/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật