Về đâu ngành bông Việt Nam?
Ngành dệt may Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 200.000 tấn bông xơ song diện tích và sản lượng cây bông vải trong nước những năm qua liên tục sụt giảm.
Tây Nguyên một vùng trồng bông trọng điểm thời hoàng kim năm 2003 diện tích bông hơn 20.000ha thì vụ trồng mới năm nay còn chưa đến 1.000 ha…
Lận đận người trồng bông
Từ đầu những năm 1990 thế kỷ trước khi ngành dệt may đang lên, Chính phủ chủ trương phát triển mạnh việc trồng cây bông vải làm nguyên liệu cho công nghiệp dệt. Một số nơi như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ được nghiên cứu, thử nghiệm và tổ chức trồng bông.
Đây có lẽ là ngành được Nhà nước đặc biệt quan tâm, có sự đầu tư lớn và tổ chức khá công phu từ nghiên cứu - sản xuất - tiêu thụ. Ngành bông đã ký hợp đồng bảo hiểm giá với nông dân từ lúc xuống giống, cử cán bộ kỹ thuật đến tận đồng ruộng tư vấn miễn phí, thu mua toàn bộ số bông sau khi thu hoạch.
Từ năm 2001 đến 2003, diện tích và sản lượng bông cả nước tăng lên đáng kể, từ 24.000 ha lên gần 32.000 ha, sản lượng hơn 12.000 tấn bông xơ. Nhiều nhà máy chế biến bông liên tục được xây dựng.
Tuy nhiên, khi người trồng bông kỳ vọng khá nhiều cũng là lúc ngành bông bộc lộ những hạn chế chết người, nhất là giá cả và công tác thu mua nông sản.
Do chín rộ cùng thời điểm, tốn nhiều diện tích chứa, khó bảo quản, trong khi sức mua của nhà máy lại có hạn, khiến không ít nông dân thu hoạch bông để lâu trong nhà vừa kém chất lượng vừa mất công bảo quản. Đây là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong tổ chức thu mua: Phải cậy cục, nhờ vả cán bộ thu mua để họ thu trước, chấp nhận giá thấp…
Cùng lúc người trồng bông chán ngán thì các loại cây nông sản khác như bắp, đậu, sắn lại được giá, vì thế người dân bỏ bông chuyển sang cây trồng lợi nhuận hơn. Ngay vụ 2004, diện tích bông cả nước giảm xuống đáng kể, chỉ còn 19.316 ha.
Năm 2005-2006 lên được 21.390 ha thì qua năm sau xuống còn hơn 14.000 ha. Niên vụ 2007-2008 cả nước chỉ còn 6.830 ha bông, chủ yếu là ở Gia Lai, Đăk Lăk , Đăk Nông, song đến vụ trồng bông năm nay (2008-2009) con số thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy sự giảm sút thảm hại: Đăk Lăk chỉ còn 550 ha, giảm 15.000 ha so với thời cao điểm, Gia Lai còn 202 ha giảm 1.295 ha so với vụ trước, chỉ đạt 13,5% kế hoạch.
Cty Cổ phần Bông Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2010 là 17.000 ha khó thành hiện thực. Hệ lụy kéo theo là hàng trăm công nhân, nhân viên kỹ thuật của ngành bông thiếu việc làm, thất nghiệp.
Bao giờ hết nhập siêu bông xơ?
15 năm qua ngành dệt may nước ta phát triển vượt bậc, trở thành một trong những sản phẩm mũi nhọn xuất khẩu thì nguyên liệu của sản phẩm dệt may hơn 95% là nhập khẩu.
Vì sao nước ta là nước nông nghiệp, nhiều vùng đất phù hợp cây bông vải, Bộ NN& PTNT đã có quy hoạch lên đến 230.000 ha đất trồng bông trong cả nước song cây bông vẫn không phát triển được? Ngoài hạn chế cố hữu của sản xuất nông nghiệp là áp lực thu mua khi mùa vụ đến, còn nguyên nhân nữa là năng suất cây bông ở ta quá thấp.
Trong khi năng suất bông xơ trên thế giới hiện đạt khoảng 760 kg/ ha thì ở nước ta năm cao nhất năng suất chỉ đạt 114kg/ha, bình quân thấp hơn 7 lần so với thế giới! Đây là nguyên nhân chính khiến cây bông vải mất tính cạnh tranh so với các cây trồng khác.
Chính phủ vừa có Quyết định số 36/2008 phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam đến 2015, định hướng đến 2020, trong đó có chương trình phát triển bông. Mục tiêu được đề ra là năm 2010 đạt 20.000 tấn bông xơ, năm 2015 là 40.000 tấn và năm 2020 là 60.000 tấn (nhu cầu bông trong nước dự báo năm 2020 cần 400.000 tấn).
Tổng Cty CP Bông Việt Nam đặt kế hoạch diện tích bông đến năm 2020 dự kiến là 40.000 ha, năng suất 150 kg/ha. Ngành bông đề ra 5 giải pháp để đạt mục tiêu trên, song chưa có giải pháp cụ thể về năng suất.
Nếu chỉ đạt 150 kg/ha sản xuất bông trong nước vẫn kém xa các nước khác trên thế giới, tính cạnh tranh của sản phẩm không có. Bài học về ngành dâu tằm tơ vẫn nhãn tiền.
Không có bước đột phá về giống để cây bông ở nước ta đạt mức trung bình năng suất của thế giới, dù Nhà nước có bao cấp cho ngành bông đến đâu cũng khó đạt được mục tiêu đề ra. Bông vải là loại cây ngắn ngày, người nông dân dễ dàng thay đổi mục đích nếu thấy không còn phù hợp.
Năng suất bông nếu chỉ là 100-150 kg/ha, nghĩa là tổng thu nhập 200 USD-350USD/ha/vụ rất khó thu hút người dân đến với cây bông. Đấy là chưa kể đến sự cần thiết phải có những giống bông thích hợp để trồng rải vụ nhằm giảm áp lực thu mua bông như một số nơi trong thời gian qua.
Huỳnh Kiên
tiền phong
|