Lúa Campuchia tràn vào miền Tây
Sở dĩ có điều nghịch lý này vì trong thời gian gần đây, nông dân ĐBSCL chủ yếu trồng các giống lúa cao sản để nhằm xuất khẩu. Trong khi thị trường nội địa lại ưa chuộng loại gạo lúa thơm có nguồn gốc từ Thái Lan
Dọc theo Quốc lộ 91, đoạn từ cầu sắt Hữu Nghị đến cửa khẩu biên giới Tịnh Biên (thuộc thị trấn Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chúng tôi không khỏi giật mình khi tận mắt chứng kiến dòng người lũ lượt vận chuyển lúa từ Campuchia tràn qua biên giới Việt Nam. Những chiếc xe tải cỡ lớn mang biển số TPHCM, Tiền Giang, Đồng Tháp nối đuôi nhau chờ lên hàng. Không khí mua bán sôi động như một... thương cảng.
Tiêu thụ 1.000 tấn/lúa/ngày
Tại chân cầu sắt Hữu Nghị, hơn chục xe ba gác chờ dỡ hàng, mỗi xe có thể chở trên 7 tấn lúa. Dưới kênh Vĩnh Tế, những chiếc ghe bầu tải trọng từ vài chục đến cả trăm tấn neo đậu dọc hai bên bờ sông. Không còn chỗ trống, nhiều chủ ghe cho phương tiện chạy thẳng lên cánh đồng ngập lũ để đậu. Đây là bãi tập kết lúa Campuchia của ba tay buôn là Túc Dừa, bà Phượng và bà Thúy. Trên bãi đất hẹp, ba “đại gia” này thu gom lúa Campuchia bán lại cho thương lái ở khắp khu vực ĐBSCL. Quản lý vựa lúa ông Tám Tiệm cho hay tình hình nhập khẩu lúa Campuchia sôi động khoảng một tuần nay. Vựa của anh có nhiều mối lái ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ đặt hàng mua lúa Campuchia vài trăm tấn/ngày. Hầu hết lượng lúa trên do các thương lái Campuchia thu mua từ các tỉnh Tàkeo, Pusat, Kongpong Speui... rồi chuyển bằng xe tải lớn về đến khu vực cửa khẩu và sau đó chuyển sang xe ba gác để qua cửa khẩu vào An Giang. Năm chủ vựa lớn tại đây cung cấp cho thương lái các tỉnh, thành ĐBSCL trên 1.000 tấn lúa/ngày.
Một chủ ghe mua lúa ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cho biết: “Lúa nhập khẩu từ Campuchia có 3 loại là Khaodak, Khaodakmali và lúa thơm Lài. Thị trường nội địa đang chuộng các loại gạo thơm này. Trong khi đó, các giống lúa nội địa như IR 50404, 3217... không bán được, buộc lòng chúng tôi phải lên tận đây mua lúa ngoại. Còn theo anh Hào, chủ một vựa lúa: Lúa Campuchia có giá từ 5.000 đồng -5.300 đồng/kg. Dù giá chênh lệch rất cao so với lúa nội nhưng thị trường lúa ngoại sẽ còn sôi động hơn trong vài tháng tới.
Chuộng loại gạo lúa thơm
Điều nghịch lý trong chuyện nhập lúa từ Campuchia về “vựa lúa miền Tây” được giới kinh doanh giải thích rằng: Thời gian gần đây, nông dân ĐBSCL chủ yếu trồng các giống lúa cao sản như IR 50404, 3217... để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, hiện nhu cầu về loại gạo này trên thế giới không nhiều. Ngược lại, thị trường nội địa lại ưa chuộng loại gạo lúa thơm, nhất là tại các TP lớn nên phải nhập khẩu lúa ngoại để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chuyện lúa ngoại đổ bộ vào vựa lúa lớn nhất của cả nước đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ban đầu do một số người dân khu vực biên giới Tây Nam sang Campuchia thuê đất canh tác thường đem lúa về nước tiêu thụ sau mỗi mùa thu hoạch. Về sau, diện tích trồng lúa ở nước bạn ngày càng được mở rộng và năng suất cũng tăng cao. Nhưng điều đáng nói là, các giống lúa ngoại tràn vào biên giới Tây Nam không phải thuộc nhóm thần nông mà chủ yếu là các giống lúa thơm có nguồn gốc từ Thái Lan. Một lãnh đạo của tỉnh An Giang thừa nhận: Các doanh nghiệp mải mê chạy theo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa nên tỉnh đang triển khai việc quy hoạch canh tác các giống lúa chất lượng cao cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, khâu triển khai thực hiện vẫn còn chậm.
Quốc Dũng
|