Hai kịch bản cho thị trường nhà, đất
Giá nhà, đất tại TPHCM sẽ đứng và đi theo đường ngang nếu ngân hàng nới lỏng tín dụng, còn ngược lại việc siết "hầu bao" chắc chắn giá một số khu vực sẽ giảm dưới mốc 70% so với thời điểm đầu năm 2008
Sau gần 10 tháng giảm giá, thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM đang tiếp tục hứng chịu những tác động từ sự suy thoái của nền kinh tế trong và ngoài nước. Liệu thị trường BĐS có hồi phục vào cuối năm 2008, nhiều chuyên gia đưa ra những dự báo khác nhau.
Siết tín dụng, giá sẽ giảm qua mốc 70%
Đó là khẳng định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM. Theo ông Châu, tại nhiều phân khúc thị trường, giá nhà, đất đã xuống trung bình từ 40% đến 60%, thậm chí một vài khu vực đã xuống sát mức 70% so với giá tại thời điểm tăng cao nhất vào đầu năm 2008. Nếu các ngân hàng không cho những khách hàng đã vay tiền mua nhà được tiếp tục gia hạn khoản vay mà siết thêm và chuyển qua thành nợ quá hạn, chắc chắn mốc giảm giá 70% sẽ bị phá sâu do nhiều người buộc phải "xả hàng" để tránh bị xiết nợ. Cùng nhận định, ông Phạm Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty ACBR, cho rằng hiện một số ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài và một vài dự án đã tái cho vay để khách hàng mua nhà, thế nhưng để được giải ngân không phải dễ dàng bởi khách hàng bị giám sát kỹ các điều kiện nhằm bảo đảm cho việc trả lãi vay lẫn vốn gốc. Chưa hết, dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều và hiện còn ở mức khoảng 15%/năm (chưa tính các khoản phí cộng thêm) nhưng chưa kích thích khách hàng mạnh dạn vay để mua nhà, đất dù giá nhà, đất ở một số khu vực hiện giảm đến mức được xem là hợp lý để mua ở hoặc đầu tư.
Mở "hầu bao" cho dự án là chưa đủ
Đầu tháng 11-2008, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu có thông báo cho các ngân hàng được phép nới lỏng tín dụng đối với những dự án BĐS. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc mở "hầu bao" cho các chủ đầu tư dự án như trên là chưa đủ, nếu muốn thị trường phục hồi nhanh thì điểm chính yếu phải có chính sách kích cầu nhằm tác động trực tiếp đến các khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Còn ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TPHCM, cho rằng ngân hàng còn cung ứng nhỏ giọt khiến giới kinh doanh địa ốc vẫn còn "khát" vốn để tự cứu mình thì lấy đâu ra các khoản vay mới cho khách hàng mua nhà, đất. Theo thống kê thị trường của Công ty Nghiên cứu VietRees, trong tháng 10-2008, thị trường BĐS không có giao dịch khi người mua tiếp tục nghe ngóng nên nhà, đất lại rớt giá.
Còn ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết nhiều người đang lo ngại sẽ xảy ra một cuộc giải chấp BĐS đồng loạt trong hai, ba tháng tới. Tuy nhiên, điều lo lắng này không có cơ sở. "Khoản cho vay mua nhà, đất thì đã có phần tài sản khác thế chấp lớn hơn khoản vay rất nhiều. Vì thế, chắc sẽ không có cuộc giải chấp về nhà, đất nào xảy ra" - ông Hạnh nói. Còn ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sacomreal, lại có cái nhìn tích cực hơn về thị trường BĐS trong thời gian tới. Bởi hiện nay một số ngân hàng đã có chính sách khoanh nợ và cho gia hạn đối với khách hàng mua căn hộ đến tháng 6-2009. Chưa kể từ nay đến thời điểm đó lãi suất có thể trở về mức 12%/năm, như vậy việc đầu tư hoặc mua nhà, đất để ở sẽ dễ thở hơn bởi còn có lời.
Giá nhà, đất ở một số điểm nóng
1. Căn hộ chung cư: Hoàng Anh Gia Lai 1 và 2 (quận 7), giá từ 16 triệu đến 24 triệu đồng/m2; Phú Mỹ - Vạn Phát Hưng (quận 7), giá từ 18 triệu đến 23 triệu đồng/m2; New Saigon (huyện Nhà Bè), giá từ 17 triệu đến 22 triệu đồng/m2.
2. Đất nền dự án: Him Lam - Kênh Tẽ (quận 7), giá từ 26 triệu đến 35 triệu đồng/m2; Nam Long (quận 9), giá từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/m2; Him Lam - Đồng Diều (quận 8), giá từ 28 triệu đến 32 triệu đồng/m2. - H.L tổng hợp
Kim Long
người lao động
|