Thứ Bảy, 08/11/2008 09:08

Phát triển bền vững các đô thị Việt Nam

Từ những năm 1990, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam không ngừng tăng tốc. Đến nay, cả nước đã phát triển thành 743 đô thị các loại với tỷ lệ đô thị hóa trung bình đạt khoảng 28% và dự kiến sẽ bùng nổ thành 45% vào năm 2020, tương đương với tỷ lệ đô thị hóa của các nước phát triển trong khu vực Châu Á.

* Đô thị hóa nhanh theo đà tăng trưởng kinh tế

Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại Thế giới (WTO) với những xu hướng phát triển thuận lợi cũng tác động tích cực tới quá trình đô thị hóa. So với các nước trong khu vực, đô thị Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Một lượng lớn các dự án đầu tư phát triển, công nghiệp, kết cấu hạ tầng... đã trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở Việt Nam với sức lan toả rộng. Đầu tiên, trong phạm vi từ các vùng ven đô thị lớn và sau đó là các vùng ảnh hưởng của các thành phố lớn, trên diện rộng có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1991 đến nay, tốc độ đô thị hóa tại các đô thị lớn đã tăng nhanh và mạnh. Nếu năm 1989 chỉ đạt ngưỡng 18,5% thì gần 10 năm sau - năm 1997 đạt 20,5%. Chỉ sau có 2 năm - năm 1999 tốc độ đô thị hoá đã tăng lên 23,6% và hiện nay đạt 28%. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, năm 2020, tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 45%. Riêng hai thành phố loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ đô thị hóa được dự kiến đạt 30 - 32% năm 2010 và nhảy vọt thành 55 - 65% vào năm 2020. Các chuyên gia nhận định, thành phố Hồ Chí Minh sẽ dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đô thị hóa và gia nhập hàng ngũ các thành phố có dân số lớn hơn 10 triệu người của thế giới.

Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa đang tập trung chủ yếu vào các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là các đô thị có tầm vóc nhỏ hơn được hình thành trên nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ, khu kinh tế tổng hợp... Sự ra đời của nhiều đô thị mới cũng thể hiện sự lớn mạnh cũng như mở rộng vùng ảnh hưởng của các đô thị hiện hữu. Chúng liên tục được khoác lên mình những chiếc áo ngày một rộng hơn, bao trùm các điểm dân cư ven đô, những khu vực có khả năng tạo động lực phát triển đô thị, những quỹ đất thuận lợi để tạo thị. Vì vậy, khu vực ven đô, khu vực giáp ranh các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... là những địa chỉ hấp dẫn đã và đang tạo nên tốc độ đô thị hóa nhanh nhất.

* Những nguy cơ được cảnh báo

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Diễn đàn đô thị Việt Nam đánh giá: Hiện nay, Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hoá với tốc độ cao chưa từng có trong lịch sử phát triển của mình. Lượng dân cư đô thị đã chiếm tới 28% tổng dân cư toàn quốc và mỗi năm vẫn có khoảng 1 triệu dân tiếp tục tham gia vào "đại gia đình" đô thị này. Trên thực tế, các đô thị đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra sản lượng GDP ngày càng gia tăng, song cũng là nơi tạo ra những điểm nóng trong phát triển đô thị, đặc biệt theo quan điểm phát triển đô thị bền vững hiện nay. Theo Bộ Xây dựng, đó là sự mất cân đối, chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng, miền; tồn tại sự cách biệt lớn giữa đô thị và nông thôn. Nhiều nơi đô thị hóa nhanh nhưng lại phát triển lộn xộn do thiếu quản lý. Đơn cử là cả nước có khoảng 200 khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động nhưng trên 70% số này chưa xây dựng và vận hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế do kinh phí đầu tư chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước hoặc nguồn tài trợ nước ngoài. Do đó, các đô thị đang phải đối mặt trước hàng loạt khó khăn lớn như: thiếu nhà ở, tắc ngẽn giao thông, bệnh dịch, thiên tai, úng ngập, ô nhiễm môi trường...

Quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân nảy sinh tình trạng phát triển tự phát. Biểu hiện rõ nét nhất là các công trình xây dựng mọc lên như nấm sau mưa tại các khu vực mới mở nhưng không tuân theo hoặc theo không đúng các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Kèm theo đó là hiện tượng lấn chiếm các không gian quy hoạch. Ở một vài khu vực lại bộc lộ những kiểu phát triển mang tính cách ly, không phù hợp với tổng thể chung. Người ta ví các khu vực này loang lổ như mảng da báo trong cấu trúc ven đô, dẫn đến sự mất cân đối, không công bằng trong phát triển.

Các làng xã đô thị hóa thường được bao bọc bởi các tuyến giao thông đô thị. Do đó, khu vực phía ngoài nhanh chóng bị lấp đầy bởi những dãy nhà ở chiếm mật độ cao sánh vai cùng nhiều công trình công cộng của thành phố... Bên trong các khu dân cư làng xã cũng nhanh chóng được lấp đầy do nhu cầu phát triển nhà ở của các hộ gia đình ngày càng tăng. Không chỉ đất vườn, ruộng 5% mà còn nhiều ao hồ trong làng xã được chia nhỏ để xây dựng nhà ở với mật độ tăng nhanh, dày đặc khiến đường ngõ càng ngày càng bị thu hẹp. Một hệ quả nữa cũng được dư luận khá quan tâm là cuộc sống của người dân bị xáo trộn, ngành nghề bị chuyển đổi một cách tự phát, ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Biểu hiện rõ nét nhất là giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống đang bị mai một nghiêm trọng do những áp lực phát triển và nhận thức yếu kém của người dân.

* Tạo lập khuôn khổ pháp lý để phát triển bền vững

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị đã được đưa ra thảo luận. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý quy hoạch đô thị; là công cụ quản lý giúp cho sự phát triển của hệ thống đô thị và từng đô thị bảo đảm đồng bộ, bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại. Mục tiêu hướng tới của Việt Nam trong tương lai là phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội và gắn liền với bảo vệ môi trường. Vì vậy, Luật Quy hoạch đô thị ra đời nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay của đô thị như: sử dụng đất đai, quản lý không gian, thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị, ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho biết, để đô thị phát triển theo hướng bền vững cần có sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã được Chính phủ ban hành là một chiến lược khung bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương... triển khai thực hiện; đồng thời thể hiện sự cam kết của Việt Nam với quốc tế vì mục tiêu chung này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ triển khai điều chỉnh quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2025 dựa trên cơ sở khoa học về dự báo kinh tế, kinh nghiệm phát triển thực tiễn và cơ sở dự liệu chuẩn. Trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng tiêu trí và mô hình đô thị kiểu mẫu để phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Đặc biệt, để hội nhập quốc tế trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị và tiếp với chuẩn quốc tế cũng như nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam và Hiệp hội các Đô thị Việt Nam lấy ngày 8/11 hàng năm là Ngày đô thị Việt Nam (Vietnam Urban Day). Theo đó, Ngày đô thị Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 8/11/2008. Đây cũng là dịp để toàn xã hội thể hiện sự quan tâm đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị.

ttxvn

Các tin tức khác

>   Xác định mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản cho 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm 2006-2010 (07/11/2008)

>   Hợp tác doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (07/11/2008)

>   Cơ hội từ khủng hoảng (07/11/2008)

>   Thuỷ điện Tuyên Quang: Tổ máy cuối cùng sắp phát điện (07/11/2008)

>   Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xử lý sữa nhiễm melamine (07/11/2008)

>   Đại hội khóa IV – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thành công tốt đẹp (07/11/2008)

>   BMI lạc quan về triển vọng phát triển của VN (07/11/2008)

>   Hội thảo giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp (07/11/2008)

>   Bức xúc quy hoạch đô thị (07/11/2008)

>   Cần 48 tỷ USD để xây 18 tuyến đường cao tốc (07/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật