Bức xúc quy hoạch đô thị
Ngày Đô thị Việt Nam đã chính thức được ấn định vào ngày 8-11 hàng năm nhằm ghi nhận sự đóng góp của công tác quy hoạch cho chất lượng đô thị và môi trường. Tuy nhiên đô thị Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập về quy hoạch, đầu tư xây dựng, kiến trúc, cơ sở hạ tầng, công tác quản lý đô thị và bảo vệ môi trường
Trong cuộc họp báo nhân sự kiện này hôm 6-11 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện cả nước có trên 700 đô thị, trong đó có hai đô thị đặc biệt là TP. Hà Nội và TPHCM. Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay gần 30%, dự tính đến năm 2020, dân số đô thị sẽ chiếm tới 40-45% dân số cả nước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về đô thị cho rằng Việt Nam vẫn chưa có một đô thị xứng tầm.
Ông Nguyễn Thế Bá nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập đó xuất phát từ công tác quy hoạch. Những nội dung quy hoạch chưa đi đúng, đi sát vào các vấn đề xã hội đang cần. Trên thực tế, có những quy hoạch đi sau thực tế, lại có những quy hoạch cản trở sự phát triển của đô thị tương lai
Vấn đề quy hoạch đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục đang gây nhiều bức xúc trong cộng đồng dân cư trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong những ngày vừa qua khi cả Hà Nội chìm trong nước lũ. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nói rằng, vừa rồi Hà Nội đã ngập lụt toàn bộ, mà nguyên nhân là do đô thị chưa được quy hoạch bài bản. Hà Nội đang tồn tại tình trạng từng khu đô thị bên trong phát triển cục bộ trong khi toàn bộ hệ thống thoát nước chưa làm tốt, do đó mới xảy ra ngập úng trên diện rộng.
Nhiều kiến trúc sư, thông qua các diễn đàn, phương tiện truyền thông đã nói rằng chưa bao giờ thấy bộ mặt đô thị Hà Nội nhếch nhác như những ngày vừa qua. Cũng theo ông Nghiêm, lẽ ra các nhà quy hoạch phải tính toán được những yếu tố liên quan đến việc thoát nước đô thị
"Ví dụ năm 1978, lượng mưa lớn nhất đo được là 197mm, năm 1980 khoảng hơn 200mm, năm 1984 là 390mm. Hiện giờ Hà Nội phải chịu đựng trận mưa kỷ lục 420mm, có lúc lên 500mm. Trong khi đó, dự án thoát nước của Hà Nội chỉ tính toán là 310mm với tần suất 10 năm/lần. Nếu như sắp tới khí hậu toàn cầu biến đổi theo chiều hướng xấu hơn nữa, mực nước biển dâng thì chúng ta có thể dự đoán được khả năng thoát nước đến đâu?", ông Nghiêm lo lắng.
Có một thực tế là khả năng ngập lụt tại các khu đô thị mới xảy ra càng ngày càng cao. Theo ông Nghiêm thì đó cũng là do quy hoạch manh mún. Ông Nghiêm lấy ví dụ, khi sang Đông Anh thì thấy khu đô thị được tôn lên 1,5-2m cốt nền. Khi tôn nền khu vực đó lại xảy ra hiện trạng úng ngập khu vực bên cạnh và đặc biệt là không kết nối được hệ thống thoát nước khu đô thị với khu vực xung quanh vì hệ thống thoát nước của toàn thành phố Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra hiện trạng đô thị như hiện nay, nhà quản lý quy hoạch cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình
Theo ông Nghiêm, nhà nước phải làm tốt quy hoạch ngoài tường rào ở các khu đô thị để có cơ sở đấu nối với hệ thống thoát nước bên ngoài. Vì nhiều khu đô thị làm xong hệ thống thoát nước nhưng không đấu nối được với bên ngoài. Ví dụ khu vực Mỹ Đình bị ngập úng là do bên trong có hệ thống thoát nước nhưng nước lại không thể thoát ra ngoài vì hệ thống thoát nước bên ngoài của thành phố lại chưa hoàn thiện. Để giải quyết vấn đề này, theo nhiều chuyên gia, cần có các dự án ưu tiên về vấn đề thoát nước cho cả thành phố.
Nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng cho đô thị Hà Nội mở rộng, đặc biệt trong việc giải quyết vấn đề ngập úng. Bởi ngoài việc mở rộng thủ đô về diện tích, còn phải tính đến các vùng xung quanh trong việc phân lũ và làm chậm lũ.
Theo kiến trúc sư Nghiêm, có những vùng buộc phải thoát lũ, có vùng phân lũ, có những vùng chặn lũ như đê điều. Muốn vậy phải tính toàn quy hoạch của cả vùng. Mà theo các chuyên gia trong ngành thì đây là một bài toán không dễ đối với những nhà quy hoạch Việt Nam.
Hạnh Liên
tbktsg online
|