Nhiều chỉ tiêu 5 năm sẽ không đạt
Tình hình tăng trưởng kinh tế trong 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm (2006-2010) sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do phải kiềm chế lạm phát và dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng sẽ không đạt.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo báo cáo giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010), nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế 3 năm và tìm ra những giải pháp phù hợp cho 2 năm còn lại. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Cẩn trọng với các chỉ tiêu đo bằng giá hiện hành
Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt mức cao hơn so với mục tiêu đề ra (năm 2006 là 8,23% và năm 2007 là 8,48%). Nhưng đến năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, cùng với những khó khăn nội tại, GDP dự kiến chỉ đạt 6,7%. Như vậy, bình quân 3 năm tăng trưởng đạt 7,8% (mục tiêu đặt ra là từ 7,5% đến 8%) và cao hơn bình quân giai đoạn 2001-2005 (7,5%). Như vậy, GDP theo giá so sánh đến năm 2008 tăng gấp 1,8 lần năm 2000 so với kế hoạch đề ra là 2,1 lần.
Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng từ 53 tỉ đô la Mỹ năm 2005 lên gần 89 tỉ đô la năm 2008. GDP tính theo đầu người quy ra đô la Mỹ năm 2008 đã đạt trên 1.000 đô la, xấp xỉ mục tiêu đề ra cho năm 2010.
Nhận định về mức tăng trưởng GDP tính theo đầu người, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Bộ KH-ĐT) nhận định rằng việc tăng cao chưa hẳn là thành tích nổi trội vì tốc độ tăng giá của đồng nội tệ cao và tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ ổn định. Việc tính giá cố định theo đồng nội tệ hiện nay chưa có, chỉ tính theo đô la Mỹ như nhiều nước đang áp dụng. Do vậy, nếu tính cả chỉ số lạm phát/nội tệ cao thì giá trị của tăng trưởng GDP chưa hẳn đã cao.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Xuân Giá cảnh báo: “Lạm phát cao làm thước đo giá trị bị méo mó, dễ dẫn đến những đánh giá sai, đưa ra đối sách không phù hợp. Vì vậy, khi sử dụng các số liệu thống kê, cần phân tích kỹ hơn để tránh sai lầm, nhất là các chỉ tiêu đo bằng giá hiện hành.
Ông Giá phân tích: lấy ví dụ năm 2005 GDP đầu người tính ra là 10,08 triệu đồng, tỷ giá thực tế áp dụng để tính toán là 15.800 đồng/đô la Mỹ, do đó công bố GDP đầu người là 638 đô la. Năm 2008, dự báo GDP đầu người trên 17,3 triệu đồng và tỷ giá hiện nay khoảng 16.800 đồng/đô la nên GDP đầu người khoảng trên 1.030 đô la. Từ đây dễ ngộ nhận là ta đã gần đạt mục tiêu đề ra cho năm 2010 mà không thấy rằng trong con số GDP đầu người năm 2008 (17,3 triệu đồng/người) chứa đựng yếu tố lạm phát đến 48,5% so với năm 2005, do đó mà GDP tăng đến trên 70% (17,3 triệu đồng so với 10,08 triệu đồng), trong khi tỷ giá chỉ tăng khoảng 6% (16.800 đồng so với 15.800 triệu đồng).
“Các chỉ tiêu tính bằng giá hiện hành đều tương tự như vậy. Do vậy, việc đánh giá và dự báo tình hình thực hiện chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm cần tránh ngộ nhận”, ông nói.
Một số chỉ tiêu kinh tế 5 năm sẽ không đạt
Bộ KH-ĐT nhận định rằng, với các dự báo về tình hình suy thoái kinh tế trên thế giới hiện nay cũng như những yếu kém tồn tại trong nội lực nền kinh tế, nhiều chỉ tiêu trong cơ cấu GDP 2010 sẽ không đạt được, do cơ cấu kinh tế 3 năm qua (2006-2008) chuyển dịch khá chậm.
Cơ cấu giá trị GDP khu vực nông nghiệp năm 2010 có khả năng chỉ đạt khoảng 20% (mục tiêu đề ra là chỉ còn 15-16%); cơ cấu giá trị GDP công nghiệp và xây dựng dự kiến đạt 40,8% (mục tiêu là 43-44%). Các chỉ tiêu khác về cơ cấu dịch vụ và cơ cấu lao động các khu vực nói trên dự kiến có thể hoàn thành.
Theo phân tích của Bộ KH-ĐT, những ngành kinh tế quan trọng nhất đã có dấu hiệu sút giảm và dự kiến còn kéo dài. Nếu Chính phủ không có những giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp và dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng và chuyển dịch cơ cấu thì các chỉ tiêu khác cũng bị ảnh hưởng theo khá rõ.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng GDP ở nước ta khác các quốc gia khác do xuất phát từ gia tăng đầu tư là chủ yếu.
Do vậy, trong hai năm còn lại của kế hoạch kinh tế 5 năm, ông Giá nhận định: “Tốc độ đầu tư không trực tiếp tạo ra chất lượng mà có khi là ngược lại". Tốc độ có thể tạo ra tiền đề nhưng chất lượng mới tạo ra tốc độ. Nếu nhìn nhận đúng vấn đề này, chúng ta sẽ thấy vì chất lượng tăng trưởng của nước ta còn thấp nên tốc độ chưa nhanh hoặc nếu có nhanh cũng không thực chất.
Vì thế, muốn đẩy mạnh chất lượng tăng trưởng kinh tế, phải bắt đầu bằng những hành động cương quyết cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm đầu, bên cạnh đó là đảm bảo bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân và cơ sở sản xuất cá thể phát triển sản xuất kinh doanh do hiện trạng của họ đang gặp nhiều khó khăn. Điều quan trọng nữa là tỉnh táo và xử lý có hiệu quả nguồn vốn ODA, FDI trên cơ sở định hướng đúng, phân bổ hợp lý giữa các vùng miền. Trong số này, các siêu dự án FDI mới đăng ký trong thời gian qua cần được xem xét lại để không tạo nên việc thu hút đầu tư “ảo” cho nền kinh tế.
Ngọc Lan
thời báo kinh tế sài gòn
|