Thứ Sáu, 07/11/2008 23:42

Di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm, gia hạn đến bao giờ?

Ngày 7-11, tại hội nghị điều trần về tình hình di dời của một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thuộc các tổng công ty của TPHCM, lãnh đạo các doanh nghiệp đều có cùng điểm chung là liệt kê những khó khăn về vốn, mặt bằng... để rồi cuối cùng, xin được tiếp tục gia hạn di dời.

Chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thành phố vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thành phố thực hiện theo nghị quyết của HĐND TPHCM có thời hạn từ năm 2002 đến 2006 với mục tiêu di dời 1.402 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm.

Sau nhiều lần xin gia hạn, đến nay vẫn còn 141 doanh nghiệp chưa thực hiện dời đi vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chậm di dời đều thuộc hàng doanh nghiệp lớn, gồm tổng công ty và doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn thành phố.  

Xin gia hạn di dời từ 2008 đến sau năm 2012

Một số doanh nghiệp tham gia buổi điều trần sáng nay gồm Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Dệt Sài Gòn và Công ty Dệt may Gia Định Phong Phú thuộc Tổng công ty Dệt may Gia Định, và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Vissan liệt kê những khó khăn khiến doanh nghiệp không thể thực hiện việc di dời đúng tiến độ như: vướng thủ tục lập dự án, thiếu vốn do chưa bán được đất, giá thành sản xuất sẽ tăng cao do khấu hao cho xây dựng cơ sở mới…

“Do các quy định về quản lý xây dựng, quy chế đấu thầu, quy hoạch chung chưa phù hợp… nên thời gian thực hiện việc di dời 2 cơ sở của Vissan không thể rút ngắn và hoàn tất trong năm 2009, do đó đề nghị gia hạn di dời sau năm 2012”, ông Đức kiến nghị.

Tương tự như ông Đức của Vissan, Phó giám đốc Công ty Dệt Sài Gòn Nguyễn Thanh Huy cũng cầm một bản báo cáo liệt kê quá trình thực hiện việc di dời của công ty. Cụ thể, vào tháng 5-2003, sau khi nhận quyết định yêu cầu di dời của UBND thành phố, công ty tiến hành lập dự án, ký hợp đồng thuê 3.000 héc ta đất tại khu công nghiệp Tân Tạo, tuy nhiên đến nay, do chưa thanh toán hết tiền thuê đất cho khu công nghiệp nên dự án di dời của Công ty Dệt Sài Gòn vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Lê Minh Dũng, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Gia Định Phong Phú sau khi nêu lên những khó khăn, vướng mắc, ông kiến nghị được tiếp tục duy trì sản xuất và sẽ tiến hành việc di dời các cơ sở sản xuất thành 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 sẽ di dời xí nghiệp nhuộm của công ty này về khu công nghiệp Xuyên Á, tỉnh Long An vào cuối năm 2009.

Theo đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa, hiện người dân phường 13, quận Bình Thạnh, ở gần khu vực nhà máy giết mổ gia súc Nam Phong vẫn tiếp tục than phiền về mùi hôi từ hoạt động giết mổ, vận chuyển phân heo vương vãi, thậm chí nhiều đêm, người dân mất ngủ bởi tiếng ồn do xe chở heo và tiếng heo kêu.

Ông Võ Văn Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, đơn vị chủ quản của nhà máy giết mổ gia súc Nam Phong, giải thích rằng quá trình di dời nhà máy ra xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi nhiều năm qua vẫn bị ách tắc, lý do đơn giản chỉ vì người dân ở xã Tân Thạnh Tây cũng không đồng tình. “Tiến độ xây dựng nhà máy giết mổ mới ở Củ Chi dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010, khi đó mới di dời được”, ông Thành nói.  

Có phải vì là doanh nghiệp nhà nước?

Sau khi nghe lãnh đạo một số doanh nghiệp thuộc các tổng công ty của thành phố báo cáo, đại biểu HĐND Phạm Minh Trí nói ngay: “Nói để các anh suy nghĩ, giả sử là một công ty tư nhân hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, liệu có ai dám đề nghị gia hạn di dời thêm 5 năm nữa được như các anh không. Theo tôi, đây là những đề nghị không nghiêm túc và quá đáng! ”.

Theo ông Trí, tại sao hơn 1.200 doanh nghiệp khác với muôn vàn khó khăn nhưng lại di dời được, phải chăng, lãnh đạo các doanh nghiệp này đề nghị như vậy để nhường lại phần việc di dời cho các đời lãnh đạo sau. Với tư cách là một đại biểu HĐND thành phố, ông Trí hoàn toàn không đồng ý với các kiến nghị gia hạn của các công ty trên.

Còn đại biểu HĐND Nguyễn Đăng Nghĩa nói rằng các doanh nghiệp lớn chậm di dời là do ỷ lại là doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp thực hiện chủ trương di dời tốt họ sẽ nghĩ sao, tính công bằng từ một chủ trương chung của thành phố nằm ở đâu?

Sau khi chương trình di dời kết thúc và được tổng kết vào tháng 5-2007, trước khi ban chỉ đạo chương trình giải tán đã bàn giao toàn bộ phần việc đôn đốc các doanh nghiệp chậm thực hiện cho Sở Tài nguyên Môi trường thành phố. Hơn một năm nay, phần việc do Sở Tài nguyên môi trường đảm nhận đã chưa làm xong.

Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, sự thiếu trách nhiệm và không quan tâm đúng mức đến ô nhiễm môi trường của cơ quan chức năng của thành phố còn thể hiện ở buổi điều trần hôm nay khi không có lấy một lãnh đạo nào của các sở ngành thành phố tham dự buổi điều trần, mặc dù giấy mời của HĐND đã mời đích danh lãnh đạo 8 sở ngành có liên quan.

Văn Nam

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Hai kịch bản cho thị trường nhà, đất (07/11/2008)

>   Dự án The Vista trả tiền cọc (07/11/2008)

>   Mới chỉ có một container thanh long xuất khẩu sang Mỹ (07/11/2008)

>   Hà Nội: ngoại thành vẫn thiếu hàng thiết yếu (07/11/2008)

>   VN mong muốn Bombadier đến đầu tư (07/11/2008)

>   Thực phẩm chức năng sẽ bị "sờ gáy" (07/11/2008)

>   Tiêu thụ ôtô trong nước tăng nhẹ trở lại (07/11/2008)

>   11/33 câu chất vấn gửi Thủ tướng liên quan đến lúa gạo (07/11/2008)

>   Triển vọng mới trong xuất khẩu quả tươi sang thị trường Hoa Kỳ và các nước (07/11/2008)

>   Tình nguyện viên Tập đoàn IBM giúp các doanh nghiệp Đà Nẵng hoạch định, củng cố các chiến lược phát triển (07/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật