Thứ Bảy, 08/11/2008 12:22

Đằng sau những con số

1.700 là tổng số cuộc hẹn làm việc đã được lên lịch trong thời gian 4 ngày, từ ngày 4 đến ngày 7/11 giữa 160 doanh nghiệp Italia và đối tác Việt Nam trong chuyến khảo sát thị trường Việt Nam của đoàn doanh nghiệp nước này. 1 triệu euro là số tiền được công bố đầu tư cho kế hoạch thúc đẩy hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực trọng điểm gồm đóng tàu, máy công cụ, cơ sở hạ tầng, nông phẩm, dược và mỹ phẩm giữa hai nước.

Và trên hết, phủ nhận băn khoăn của Báo ĐTCK về thời điểm khá bất lợi để khởi động các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, ông Umberto Vattani, Chủ tịch Viện Ngoại thương Italia cho biết, Việt Nam được lựa chọn là đối tác ưu tiên của Italia trong giai đoạn 2009 - 2010. "Sự có mặt của đông đảo doanh nghiệp Italia tại Việt Nam lúc này đã chứng tỏ niềm tin của giới đầu tư Italia với tiềm năng phát triển và đặc biệt là vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực", ông Umberto Vattani khẳng định.

Trong buổi đối thoại về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc với đại diện một số bộ, ngành và Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, ngài đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Im Hong Jae, đã nhắn nhủ với các nhà đầu tư Hàn Quốc rằng, Việt Nam là đất của cơ hội và các nhà đầu tư Hàn Quốc đã hoạt động tại Việt Nam đang làm công việc "ươm mầm". Để cho cây có thể đơm hoa thơm trái ngọt, các nhà đầu tư Hàn Quốc phải tự coi mình là những doanh nghiệp Việt Nam, tuân thủ luật pháp Việt Nam.

"Một số doanh nghiệp đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà đầu tư Hàn Quốc khi không tuân thủ các quy định về môi trường, về lao động, tiền lương… Nhưng tôi khẳng định, phần lớn doanh nghiệp Hàn Quốc đều muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam, khai thác các cơ hội kinh doanh, môi trường kinh doanh đang ngày càng cải thiện của Việt Nam", ông Im Hong Jae nói.

Tính thêm con số 59,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, khoảng 9,1 tỷ USD vốn thực hiện trong 10 tháng đầu năm 2008, có thể thấy giới đầu tư không chỉ nói mà bằng hành động đã thể hiện niềm tin về tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Cho dù trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu không loại trừ bất cứ một doanh nghiệp, một nền kinh tế nào, song nói như ngài đại sứ Hàn Quốc, thì vào thời điểm này, Chính phủ Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc tạo ra sức cạnh tranh cho môi trường kinh doanh, nhằm xác lập lại vị trí của luồng vốn đầu tư nước ngoài theo định hướng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Mặc dù vậy, không phải không có những vấn đề đáng bàn về khả năng tiếp nhận đầu tư, nhất là ở cấp địa phương. Mới đây, phát biểu trong hội nghị tổng kết hoạt động xúc tiến đầu tư khu vực miền Bắc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng đã nhắc tới điểm yếu lớn là thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn. Hiện tại, mỗi tỉnh, thành đều có 1, 2, thậm chí là 3 trung tâm xúc tiến. Chỉ bàn riêng về phân bố nguồn lực, điều tiết hoạt động cũng đã là vấn đề, chưa tính tới hiệu quả các hoạt động xúc tiến. Hơn thế, sự cạnh tranh không lành mạnh là hệ quả tất yếu của sự thiếu phối hợp trong xúc tiến đầu tư.

Với các tỉnh không có được lợi thế về địa điểm, về hệ thống giao thông, về nguồn tài nguyên cũng như năng lực đội ngũ cán bộ, thu hút đầu tư khó đã đành, nhưng với nhiều tỉnh, bất lợi lại ở chỗ có tỉnh tiềm năng hơn "trấn giữ" trên đường huyết mạch nối với Hà Nội. Một vị phó chủ tịch của tỉnh bị "mắc kẹt" trên đã buộc phải thừa nhận là không dễ dàng kéo được nhà đầu tư vượt qua "tỉnh giới"… Và kết quả là những ưu đãi quá mức đến nỗi nhìn lại, địa phương chẳng được gì khi đón nhận những đầu tư đó. Bài toán về cân bằng quyền lợi của địa phương, quyền lợi của nhà đầu tư đã không có được lời giải. Hơn thế, ông Dũng cũng bắt đầu cảnh báo tình trạng nhà đầu tư khai vống quy mô đầu tư để không chỉ tự quảng bá nhằm thu hút vốn, mà còn tận dụng cơ hội để được hưởng những ưu đãi về đất đai, thủ tục hành chính… Đã có những sự so bì giữa các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi chứng kiến sự ưu ái của một số chính quyền địa phương với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trở lại đoàn doanh nghiệp Italia lớn nhất từ trước tới nay, hầu hết trong số họ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn của Italia. Có thể coi sự có mặt của cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Italia là động thái đầu tiên trong kế hoạch lựa chọn Việt Nam là đối tác ưu tiên vào năm tới của Chính phủ Italia. Các doanh nghiệp Việt Nam có lẽ cũng không bỏ lỡ cơ hội khi 600 doanh nghiệp đã đăng ký làm việc. Tuy nhiên, nền kinh tế không thể hưởng lợi, nếu mọi việc chỉ dừng ở những con số.

Bảo Duy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Giá xăng giảm 1.000 đồng một lít từ trưa nay (08/11/2008)

>   Về đâu ngành bông Việt Nam? (08/11/2008)

>   Nông dân lại chịu thua thiệt! (08/11/2008)

>   Hàng chục doanh nghiệp xe đò giảm giá vé (08/11/2008)

>   Công bố 2 dự án điện trị giá hơn 370 tỉ đồng (08/11/2008)

>   Tuyến đường sắt đô thị HN số 5 được mời gọi đầu tư theo hình thức B.O.T (08/11/2008)

>   Nhiều doanh nghiệp Ý tìm được đối tác tại VN (08/11/2008)

>   "Ericsson sẽ trực tiếp thiết lập, vận hành mạng HT Mobile" (08/11/2008)

>   Quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản còn nhiều bất cập (08/11/2008)

>   Cần Thơ: Bối rối đô thị (08/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật