“Đất” của phần mềm ngoại
Hiện có tới 90% số phần mềm được sử dụng tại các công ty dệt may Việt Nam là sản phẩm ngoại. Ngành dệt may đang được xem như là “đất” của phần mềm ngoại.
Các phần mềm chuyên dụng đang được dùng phổ biến ở các công ty dệt may trong nước chủ yếu là Lectra (Pháp), Gerber (Mỹ), Gemini (Ý), Investronica (Tây Ban Nha), Optitex (Mỹ), G-Pro (Malaysia) và nhiều sản phẩm ngoại khác như PAD, StyleCad, AGMS, TorayCad, CyberCad, Tukatech, Assyt, Polytron…
Bên cạnh đó, các phần mềm ERP, lưu trữ tài liệu điện tử, kế toán… cũng được các công ty dệt may sử dụng nhiều, phần lớn cũng là của nước ngoài.
Vì sao phần mềm ngoại thông dụng?
Với thực tế ứng dụng CNTT trong ngành dệt may hiện nay, ý kiến nhận định ngành phần mềm Việt Nam chỉ có thể tham gia ở công đoạn gia công, còn khả năng thiết kế phần mềm chuyên dụng còn rất yếu là hoàn toàn chính xác.
Ông Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật-Công nghệ Nhất Tín, một trong những đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp CNTT cho ngành dệt may, cho biết phần mềm được sử dụng nhiều nhất trong ngành dệt may là Lectra và Gerber (được giới thiệu ở thị trường Việt Nam từ năm 1991-1995), sau đó đến Gemini.
Mặc dù mới vào Việt Nam được một năm nay nhưng Gemini đã có lượng tiêu thụ tốt, khoảng 20 bản nhờ có mức giá bằng chỉ 25-30% của Lectra và Gerber (14.000-18.000 đô-la Mỹ cho mỗi bản cài đặt tại một máy tính).
Ông Nguyễn Nam, phụ trách CNTT, Công ty May mặc Bình Dương, cho rằng về mặt công nghệ cũng như kỹ năng làm phần mềm thì mức độ chênh lệch giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực hầu như không còn. Tuy nhiên, một điểm hạn chế mà rất nhiều doanh nghiệp phần mềm trong nước thường mắc phải là quá chú trọng về mặt kỹ thuật mà quên đi nhu cầu cụ thể của khách hàng về sản phẩm.
Chính vì vậy, một số doanh nghiệp phần mềm trong nước sở hữu một đội ngũ lập trình viên hùng hậu nhưng lại thiếu sự quan tâm, đầu tư cho đội ngũ phân tích thiết kế hệ thống, từ đó các sản phẩm của họ chưa đáp ứng được những gì mà khách hàng mong đợi. Điểm yếu này của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là cơ hội để các nhà cung cấp phần mềm nước ngoài thai thác, chiếm lĩnh thị trường phần mềm dệt may Việt Nam.
Với một lý do khác, ông Tạ Hoàng Linh, Giám đốc điều hành Công ty Tích hợp hệ thống CMC, cho biết hiện công ty này tham gia cung cấp phần mềm cho nhiều ngành nhưng chưa có sản phẩm chuyên ngành cho dệt may vì ngành này có những nhu cầu đặc thù, khó đáp ứng đầy đủ. Việc thiết kế phần mềm thường đi theo dây chuyền của nhà cung cấp nên các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam khó có cơ hội tại thị trường này.
Có lẽ, đó cũng là lý do khiến các công ty công nghệ lớn khác như FPT, Tinh Vân… không tham gia thiết kế phần mềm cho ngành dệt may.
Hiếm hoi phần mềm nội
Garment SD là một trong vài phần mềm chuyên dụng hiếm hoi của Việt Nam được sử dụng trong ngành dệt may. Đây là phần mềm hạch toán bàn cắt được sử dụng khoảng 100 bản tại nhiều công ty dệt may như Bình Dương, Việt Tiến, Nhà Bè, Tây Đô, Thắng Lợi...
Trong ngành dệt may có một nghiệp vụ rất quan trọng là hạch toán bàn cắt. Trước đây, nghiệp vụ này được thực hiện một cách thủ công nên tốn nhiều thời gian xử lý số liệu. Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành may mặc và lập trình phần mềm, kỹ sư Lê Công Nghiệp, Công ty Tin học Lê Gia, đã thiết kế phần mềm Garment SD để xử lý có hiệu quả nghiệp vụ này trên máy tính.
Ông Nghiệp cho biết, khác với may thủ công, mỗi đơn hàng là một sản phẩm, trong ngành may mặc công nghiệp, một đơn hàng có đến hàng vạn sản phẩm, trong một đơn hàng lại có nhiều kích cỡ, màu sắc và cách phối màu khác nhau. Nếu làm thủ công, phải mất nhiều công sức xử lý, tính toán số liệu, nhiều thời gian để hạch toán một đơn hàng. Garment SD giúp giải quyết được nghiệp vụ này, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm vải đến mức thấp nhất nhờ đưa ra nhiều phương án ghép kích cỡ, ghép lớp vải trước khi đưa vào bàn cắt.
Trong khi đa số các phần mềm nước ngoài đang ứng dụng cho ngành may mặc Việt Nam có giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đô-la Mỹ một bản, thì Garment SD chỉ có giá 15 triệu đồng. Ông Phạm Đắc Lợi, Trưởng phòng Kỹ thuật của Tổng công ty May Việt Tiến, nhận xét với nghiệp vụ hạch toán bàn cắt của ngành may, thực sự khó thiết kế phần mềm để xử lý. Nhiều công ty may, kể cả của nước ngoài, đã nghiên cứu giải pháp thực hiện nghiệp vụ này trên máy tính nhưng chưa xây dựng được một giải pháp hoàn chỉnh. Phần mềm Garment SD đã làm được.
Ông Nghiệp cho biết, mới có khoảng 100 bản phần mềm Garment SD được tiêu thụ, trong khi cả nước có tới gần 3.000 doanh nghiệp dệt may. Như vậy, tiềm năng thị trường của Garment SD là rất lớn. Song, Garment SD lại chưa được tiêu thụ nhiều, đó là do sản phẩm chưa được quảng bá nên chưa nhiều doanh nghiệp biết tới, chưa kể đến lý do doanh nghiệp đã quen sử dụng phần mềm không mua bản quyền.
Ông Nghiệp đã từng thử giới thiệu trực tiếp phần mềm này tới một vài doanh nghiệp nhưng không có phản hồi. Đáp lại, có công ty đã cho rằng chỉ cần mua một đĩa CD dưới 10.000 đồng là có thể cài đủ loại phần mềm để sử dụng !
Với kinh nghiệm phân phối nhiều sản phẩm phần mềm nội, ngoại cho ngành dệt may, ông Nguyễn Tấn Thành cho rằng mặc dù là bước đột phá mới trong ngành may nhưng giải pháp Garment SD chưa tiêu thụ được nhiều như các phần mềm ngoại khác do chỉ mới đáp ứng được một mảng nhỏ trong quy trình sản xuất.
Kỹ sư Lê Công Nghiệp cũng thừa nhận, mặc dù nước ngoài chỉ thiết kế được những giải pháp có tính năng đạt khoảng 10% so với Garment SD nhưng họ lại tích hợp thành một hệ thống giải pháp chung lớn cho ngành dệt may nên dễ dàng bán được sản phẩm hơn.
Vân Ly
thời báo kinh tế sài gòn
|