Có "đánh trống bỏ dùi?"
Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là vấn đề hết sức bức xúc. Các đại biểu Quốc hội cũng bức xúc”, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khẳng định. Đó là chuyện chẳng phải bàn. Vấn đề đặt ra ở đây là kiểm tra và quản lý như thế nào?
Bộ quyết liệt!
Sau nhiều ý kiến lên tiếng báo động về tình trạng phân bón, thức ăn chăn nuôi... kém chất lượng làm khổ nông dân tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng thể hiện trách nhiệm bằng việc tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp” với đại diện tất cả các tỉnh, thành vào đầu tuần này.
“Phải triển khai các giải pháp gấp rút, quyết liệt, có hiệu quả để chấn chỉnh tình hình. Cần tập trung vào chất lượng bốn loại là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật”, ông Phát chỉ đạo.Tuy nhiên, cái khó đầu tiên khi bắt tay vào việc kiểm soát chặt chất lượng các loại vật tư nông nghiệp chính là nhân lực.
Ông Nguyễn Quang Minh, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, kể rằng với 670 người trong bộ phận thanh tra - kể cả kiêm nhiệm, thì cục này đang có lực lượng hùng hậu nhất. “Nhưng vẫn không làm hết được. Bình quân mỗi tỉnh có từ 300-500 đại lý thuốc bảo vệ thực vật - có tỉnh lên đến khoảng 1.000, cộng thêm khoảng 150 công ty sản xuất, kinh doanh trong cả nước, nên lực lượng như vậy cũng không ăn thua”.
Ông Phát cũng thừa nhận: “Như địa bàn tỉnh Sơn La mênh mông bát ngát, Đồng Tháp cũng vậy, làm sao kiểm tra xuể! Lực lượng rất mỏng”. Tuy nhiên, ông tỏ rõ quyết tâm khi đề xuất giải pháp tăng nhân sự: “Đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh ủy quyền cho huyện ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra. UBND các xã cũng phải có thẩm quyền và trách nhiệm về việc này. Không thể cứ để Trung ương và tỉnh làm thay”.
Theo Bộ NN&PTNT, từ nay đến ngày 31-12 sẽ có một đợt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp. “Vụ đông xuân đã đến gần, phải đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp cung cấp cho nông dân. Trước mắt là vậy, rồi phải tính chuyện đảm bảo chất lượng ổn định lâu dài”, ông Phát yêu cầu.
Lần này, các cục, sở, ngành trực thuộc Bộ NN&PTNT được yêu cầu phải xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm. “Phát hiện sai, cứ căn cứ các nghị định liên quan mà xử lý, thậm chí có thể truy tố. Lâu nay cứ phạt thì nhẹ quá, phạt xong thì hàng cũng bán gần hết rồi, hại nông dân rồi”, ông Phát nói.
Theo ông, cần áp dụng việc niêm phong lô hàng vi phạm, sau đó phối hợp kiểm tra toàn bộ các đại lý có bán sản phẩm mang nhãn hiệu ấy nhằm xử lý tận gốc. Và những doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm, ngoài việc phải thu hồi hàng hóa đã bán, theo Bộ NN&PTNT phải thông báo danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Ló cái khó
Giám đốc Sở NN&PTNT một tỉnh ở ĐBSCL cho rằng, các loại vật tư nông nghiệp kể trên đều không thể giám định chất lượng bằng mắt thường. “Chẳng lẽ cứ phải niêm phong, lấy mẫu? Không niêm phong thì kiểm nghiệm phát hiện vi phạm, lỡ hàng hóa đã bán hết thì sao? Còn nếu cứ niêm phong vô cớ thì gây thiệt hại cho cơ sở kinh doanh, ai chịu?”, ông này nói.
Cũng theo ông, để lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên thì trước tiên ngân sách phải trích tiền ra, liệu có đủ kinh phí cho hàng trăm, hàng ngàn mẫu ở mỗi tỉnh? Hiện nay, cả nước chỉ có chín tổ chức chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng mẫu phân bón, còn mẫu thuốc thú y chỉ được gửi về Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú ý TW I & II (Cục Thú y)…
Ở ĐBSCL, cả vùng đều phải chuyển mẫu về TPHCM kiểm tra. “Thông thường, phải mất một tháng mới có kết quả”, một cán bộ Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ cho biết. Theo ông, thời gian kéo dài càng khiến lực lượng xử lý “bối rối” nếu như kết quả cho thấy không vi phạm, trong khi đã niêm phong hàng của cơ sở kinh doanh... Và hàng hóa luôn được nhập về, bán ra thường xuyên, chẳng lẽ cứ luân phiên kiểm tra các đại lý ở từng đợt nhập hàng?
Chính vì vậy, với lực lượng “mỏng” như hiện nay thì điều cần làm trước tiên và khả thi hơn là phải “đánh” từ “gốc”. Đó là siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ nhà máy sản xuất, cung ứng - đầu mối cung cấp sản phẩm cho các đại lý.
Đợt kiểm tra vừa qua tại An Giang, Đồng Tháp... kết quả cho thấy vi phạm đều xuất hiện phần lớn từ các nhà sản xuất và đầu mối cung ứng lớn.Do đó, trước sự phát động thanh tra “quyết liệt” và toàn diện của bộ, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, lại tỏ vẻ lo lắng: “Với tình hình như hiện nay, dù có tổ chức lực lượng đông cách mấy cũng không hiệu quả. Điều cần là thanh tra ít, nhưng xử lý nghiêm để đủ sức răn đe, đấy lại là điều mà các cơ quan chức năng chưa làm được”.
Theo ông Khang, việc truy tố nếu căn cứ theo luật là có thể làm được, nhưng cái khó chính là tâm lý “cả nể” và kiến thức pháp luật hạn chế của cả lực lượng xử lý tại địa phương. Vi phạm, hành vi… như thế nào là có thể truy tố? Đó là điều mà nhiều cán bộ thậm chí còn chưa nắm vững.
Lệ Hương
thời báo kinh tế sài gòn
|