Báo chí Italia: EU cần dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày da Việt Nam
Trong khi những doanh nghiệp Italia "đổ bộ" vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư sau khi đã quá chậm chân trong một thị trường được đánh giá là sinh lợi và nhiều tiềm năng với chi phí lao động và giá thành thấp, thì ngay tại thị trường của mình, người Italia lại đang gặp khó khăn trong việc chống chọi với các sản phẩm giá hạ nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm giày da.
Mạng tin độc lập "Phương Tây" rất có uy tín của Italia cho rằng, những biện pháp áp thuế để chống bán phá giá đối với các sản phẩm giày da Việt Nam và Trung Quốc đã được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng từ năm 2006 và đã hết hạn từ hồi tháng 10/08, nay được kéo dài đến khi nào đánh giá được việc gia hạn này có cần thiết hay không, đã quá lỗi thời.
Theo quy định này, các sản phẩm giày da của Trung Quốc và Việt Nam sẽ vẫn bị đánh thuế lần lượt là 19,4% và 16,8%. Italia là nước tích cực nhất trong việc đòi hỏi EU tiếp tục gia hạn việc áp thuế này, với lý do giày dép da giá rẻ của Việt Nam và Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp giày da nước này.
Vấn đề là ở chỗ, Italia đã đóng vai trò hết sức tích cực trong việc ủng hộ Việt Nam vào WTO, bằng các hỗ trợ về kĩ thuật nhằm giúp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn mà WTO đưa ra và tạo điều kiện mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng từ năm 2006, quan hệ thương mại Việt Nam-Italia có bước thay đổi vượt bậc. Trong năm 2007, giá trị trao đổi thương mại giữa 2 nước đã tăng 71,6% so với năm 2006. Tổng giá trị nhập khẩu của Italia với các sản phẩm từ Việt Nam tăng 14,3%, từ 608 triệu lên 695 triệu euro trong năm 2007. Một phần rất lớn trong giá trị nhập khẩu này là từ giày da và lẽ ra có thể tăng hơn nữa, nếu như EU không áp dụng việc chống bán phá giá với các sản phẩm có giá thấp từ Việt Nam và Trung Quốc. Chính phó chủ tịch Cơ quan ngoại thương Italia (ICE) Vattani, đã tham gia đoàn doanh nghiệp Italia vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, cũng đề cập đến vấn đề này và khẳng định sẽ xem xét lại biểu thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong khi 15/27 nước EU, hầu hết là các nước không xuất khẩu giày da, đề nghị bãi bỏ quy định áp thuế trên vì cho rằng, nó tạo ra cản trở lớn đến người tiêu dùng, thì Italia muốn gia hạn việc đánh thuế thêm một thời gian nữa nhằm bảo vệ các doanh nghiệp của họ. Mức thuế hiện tại 16,8% cho các sản phẩm giày da Việt Nam, được áp dụng từ 12 đến 15 tháng nữa để tạo điều kiện cho việc điều tra của EU, trên thực tế cũng không giúp gì nhiều cho Italia và các nước sản xuất giày da châu Âu khác, bởi nó khiến cho các thương lượng về mức thuế giữa EU với các nước sản xuất (trong đó có Italia) và các nhà nhập khẩu trở nên hết sức khó khăn. Việc chính phủ Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hỗ trợ vốn, thuế và cơ chế cho các doanh nghiệp giày da, là hoàn toàn hợp lệ đối với thương mại quốc tế, và điều đó đã góp phần làm tăng thêm tính cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, tiếp tục xu hướng bảo hộ thị trường là không cần thiết, vì việc gia hạn biểu thuế cuối cùng cũng phải chấm dứt. Trước sau gì Italia cũng phải mở cửa thị trường cho giày da Việt Nam.
ttxvn
|