Chủ Nhật, 09/11/2008 21:22

Nhà nước đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp

Chương trình Thương hiệu quốc gia đang được triển khai với các hoạt động hỗ trợ những thương hiệu được gắn biểu trưng. Do mỗi ngành có đặc thù riêng, nên kế hoạch hỗ trợ cần được nghiên cứu, hoạch định riêng cho từng thương hiệu. Việc này đang đi chậm hơn mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.

Tại một hội thảo mới đây về xây dựng thương hiệu quốc gia do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, nhiều ý kiến cho thấy phần lớn doanh nghiệp ý thức được vai trò quan trọng của doanh nghiệp cũng như của thương hiệu sản phẩm trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, họ đang lúng túng trong hành động.

Doanh nghiệp cần truyền thông, đào tạo và ưu đãi

Ông Lê Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty May Nhà Bè, bày tỏ nỗi băn khoăn khi doanh nghiệp này đã lọt vào danh sách 30 thương hiệu được gắn biểu trưng nhưng hiện... chưa biết phải làm gì trong khuôn khổ chương trình này! Theo ông Tuấn, có lẽ không chỉ riêng May Nhà Bè mà còn nhiều thương hiệu trong danh sách cũng đang rất “mù mờ” về việc phải làm gì để tham gia xây dựng thương hiệu quốc gia.

Ông Tuấn đề nghị chương trình cần tăng cường đào tạo một cách bài bản và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai trong từng bước đi. Đồng tình với ông Tuấn, ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Casumina, cho rằng nếu những doanh nghiệp tham gia chương trình không được đào tạo thì việc được gắn biểu trưng không thể giúp doanh nghiệp đảm đương nổi sứ mạng đầu tàu của ngành trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia.

Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nhiều doanh nghiệp đứng ngoài danh sách nhưng có thương hiệu ít nhiều được nhận biết ở thị trường trong nước cũng đang rất tò mò muốn biết ngành (hoặc lĩnh vực) mà họ đang tham gia sản xuất kinh doanh có nằm trong tầm nhìn phát triển thương hiệu quốc gia của Chính phủ hay không. Nếu có, họ cần phấn đấu theo hệ tiêu chí nào để có thể hy vọng được gắn biểu trưng sau hai năm nữa.

Ông Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ, tâm sự: “Chúng tôi rất muốn được nhiều bệnh nhân người nước ngoài biết đến và sử dụng dịch vụ của mình, rất mong thương hiệu Hoàn Mỹ đạt đến đẳng cấp là dịch vụ khám chữa bệnh đạt thương hiệu quốc gia nhưng không biết phải làm sao! Cần hình thành một quỹ đạo chiến lược. Theo quỹ đạo đó, doanh nghiệp mới biết cách vận hành”. Trong khi đó, ông Đoàn Đình Quốc, Giám đốc Công ty Kiếng Đình Quốc, thắc mắc hệ tiêu chí nào cho ngành kiếng để ông có thể tham gia vào chương trình này?

Rõ ràng, còn thiếu một chiến lược truyền thông cho chương trình để nêu rõ quan điểm, cách làm, lộ trình, vai trò của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp trong chương trình này. Với mong muốn Chương trình Thương hiệu quốc gia có sức lan tỏa rộng và có điều kiện tăng tốc, ông Cao Tiến Vị, Công ty Giấy Sài Gòn, đề nghị hoạch định một chiến lược truyền thông liên tục, lâu dài chứ vài bài báo, vài cuộc họp thì không đủ! Ông nói: “Làm thương hiệu mà thị trường trong nước không biết, doanh nghiệp là người tham gia trực tiếp cũng thấy mơ hồ thì nước ngoài sao có thể biết đến chúng ta”!

Mặt khác, ông Vị cho rằng chương trình không nên bó hẹp lâu trong 30 doanh nghiệp đầu tiên mà cần phải khuấy động phong trào, tạo khí thế cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào công cuộc xây dựng thương hiệu quốc gia bằng cách phân hệ tiêu chí thành nhiều cấp độ, từng doanh nghiệp theo đó hình dung được một lộ trình phấn đấu phù hợp với năng lực của mình.

Ở góc độ khác, ông Lê Phước Vũ, Tổng giám đốc tập đoàn Tôn Hoa Sen, lưu ý các doanh nghiệp đừng quá chú trọng vào những công cụ tiếp thị mà quên việc xây dựng thương hiệu phải đi từ chất lượng. Ông Vũ cho rằng cần gia tăng độ nhận biết của thị trường đối với thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, muốn vậy, doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và trình độ quản trị. Tất cả những việc này đều có thể được rút ngắn về thời gian nếu Nhà nước có sự hỗ trợ tích cực trong các chính sách, hoạt động như tư vấn phát triển, ưu đãi về thuế, về lãi suất tiền vay...

Nhà nước đồng hành

Đòi hỏi của doanh nghiệp thì nhiều nhưng theo ông Nguyễn Thành Trung, Ủy viên thường trực Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia, cũng đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm để từng bước hoàn chỉnh chiến lược.

Thời gian qua, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã làm được một số việc quan trọng như thực hiện điều tra, nghiên cứu nhận thức của khách hàng đối với 30 thương hiệu; hỗ trợ một số trong số này xây dựng và thực hiện “quy chế hoạt động theo nguyên lý giá trị” tập trung vào ba giá trị của chương trình: chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực lãnh đạo. Tuy nhiên, việc này không thể làm cùng lúc cho 30 thương hiệu nên chắc chắn có một số thương hiệu đi theo lộ trình chậm hơn.

Ông Trung cho biết thêm: “Chúng tôi cũng đã có công văn gửi các UBND các tỉnh thành, các bộ/ngành đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp đề ra những chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các thương hiệu đã được cấp biểu trưng”.

Chương trình cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp về chuyên môn như giao Công ty TNS nghiên cứu xu hướng thị trường Việt Nam, phối hợp với Trung tâm Năng suất xây dựng giải pháp tăng năng suất và công cụ đánh giá năng suất cho doanh nghiệp. Chỉ số và phương pháp dự kiến được công bố vào trung tuần tháng 11 tới đây.

Đối với nhu cầu quảng bá sản phẩm, chương trình cũng đã và đang tiếp tục tổ chức những tuần lễ thương hiệu nhằm mục đích giới thiệu những thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, chương trình đã hỗ trợ cụ thể cho từng doanh nghiệp như hỗ trợ Vinacafe thâm nhập thị trường Trung Quốc; đề nghị Cục Dược có chính sách hỗ trợ Công ty Dược OPC trong sản xuất, kinh doanh...

Trong kế hoạch hỗ trợ sắp tới, Chương trình Thương hiệu quốc gia sẽ tổ chức các khóa đào tạo “Nhà quản trị thương hiệu” phối hợp với trường Đào tạo Doanh nhân PACE và một số tổ chức đào tạo quốc tế khác.

“Chúng tôi cũng sẽ tổ chức thường xuyên hơn các diễn đàn trao đổi nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia” ông Trung nói.

Thanh Phương

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Có "đánh trống bỏ dùi?" (09/11/2008)

>   Báo chí Italia: EU cần dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày da Việt Nam (09/11/2008)

>   Việt Nam - Một trong những bạn hàng thương mại hàng đầu của Cuba (09/11/2008)

>   Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Thu hút đầu tư 688 triệu USD (09/11/2008)

>   Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2009 (09/11/2008)

>   Đằng sau những con số (08/11/2008)

>   Giá xăng giảm 1.000 đồng một lít từ trưa nay (08/11/2008)

>   Về đâu ngành bông Việt Nam? (08/11/2008)

>   Nông dân lại chịu thua thiệt! (08/11/2008)

>   Hàng chục doanh nghiệp xe đò giảm giá vé (08/11/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật