Quá sớm để lo giảm phát
Sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 10 giảm 0,19% so với tháng 9, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng nguy cơ giảm phát đang tới gần, và vì vậy cần nới lỏng chính sách tiền tệ (giảm lãi suất và tăng tín dụng) và kích cầu (giảm thuế hay tăng chi tiêu của Chính phủ).
Tuy nhiên, từ cả góc độ lý thuyết lẫn thực tiễn, nỗi lo giảm phát ở Việt Nam hiện nay là thiếu cơ sở. Do vậy, Chính phủ cần hết sức thận trọng trước những gợi ý chính sách xuất phát từ nỗi lo không chính đáng này.
Đầu tiên, cần hiểu thế nào là giảm phát. Giảm phát (deflation) được định nghĩa là tình trạng giảm giá phổ biến trong nền kinh tế. Điều này có nghĩa là nếu giá hàng hóa hay dịch vụ trong một số khu vực của nền kinh tế suy giảm, thì mặc dù điều đó có thể gây khó khăn cho những nhà sản xuất trong các khu vực này, nhưng lại chưa phải là giảm phát, và do đó nhìn chung không phải là vấn đề đối với toàn nền kinh tế.
Nhìn vào số liệu chi tiết CPI của Việt Nam trong thời gian gần đây, có thể thấy rằng chưa hề có dấu hiệu của tình trạng giảm giá phổ biến trong nền kinh tế. Cụ thể là CPI của 10 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 vẫn ở mức rất cao 23,15%. Hơn nữa, khi CPI trong tất cả các tháng từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm ngoái luôn duy trì ở mức trên dưới 20% thì nỗi lo lớn nên dành cho lạm phát chứ không phải giảm phát.
Ngay cả trong tháng 10 khi CPI giảm nhẹ 0,19% so với tháng 9 nhờ sự giảm giá của ba nhóm hàng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,42%), nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,08%), và phương tiện đi lại, bưu điện (-0,94%) thì tất cả bảy nhóm hàng còn lại vẫn đều tăng giá tuy không nhiều.
Hơn nữa, nếu nhìn sâu hơn một chút thì thấy việc giảm giá của ba nhóm hàng kể trên chủ yếu nhờ vào yếu tố khách quan (giá dầu thế giới giảm mạnh) và yếu tố có tính thời vụ (vụ hè thu thắng lợi). Điều này có nghĩa là sự giảm nhẹ của CPI thiếu tính bền vững vì một mặt, nó có thể bị đảo ngược khi yếu tố khách quan và thời vụ không còn; và mặt khác, cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định rằng kết quả này có được chỉ là từ chính sách.
Bây giờ hãy thử xem xét các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng giảm phát. Về mặt lý thuyết, giảm phát có thể xảy ra bởi một trong ba nguyên nhân. Thứ nhất là do tổng cầu sụt giảm, cụ thể là sự suy giảm mạnh của sức mua khiến người bán phải hạ giá để tìm đủ người mua. Thứ hai là do tổng cung đột nhiên tăng, chẳng hạn nhờ vào việc năng suất được cải thiện nhanh chóng làm giảm giá thành.
Trong lịch sử, có thể nói giảm phát chưa bao giờ là hệ quả của tổng cung tăng nhanh, mà nếu có đi chăng nữa thì việc tăng tổng cung thường dẫn tới sự tăng trưởng chứ không phải là suy thoái kinh tế. Và cuối cùng, giảm phát có thể đồng thời do hai nguyên nhân trên gây ra.
Như vậy, nguyên nhân chủ yếu của giảm phát là do tổng cầu sụt giảm, kéo theo suy thoái kinh tế (tốc độ tăng trưởng âm) và thất nghiệp. Từ kết luận này nhìn lại nền kinh tế Việt Nam sẽ thấy rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 ước đạt 6,5% thì tuy nền kinh tế đã tăng trưởng chậm lại nhưng chưa hề có dấu hiệu suy thoái, tức là chưa có tình trạng giảm phát.
Vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam từ nay đến cuối năm 2008 và cả năm 2009 vẫn là bình ổn kinh tế vĩ mô, trong đó chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu. Điều này có nghĩa là cả chính sách tiền tệ và tài khóa cần được thắt chặt một cách đúng đắn.
Thử lấy một số ví dụ để bàn về tính đúng đắn của chính sách thắt chặt tiền tệ. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận với tín dụng ngân hàng, nhưng điều này không hẳn là nguyên nhân của tình trạng khan hiếm tín dụng trong tổng thể nền kinh tế. Mức tăng tín dụng 30%/năm không hề thấp đối với một nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ trên dưới 7% như Việt Nam hiện nay.
Vấn đề của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam vì vậy không phải là tình trạng khan hiếm tín dụng mà là phân bổ tín dụng kém hiệu quả và thiếu cẩn trọng. Khi một lượng lớn tín dụng ngân hàng được đổ vào hoạt động đầu cơ bất động sản và chứng khoán đầy rủi ro thì tất nhiên là tín dụng dành cho hoạt động sản xuất vốn ổn định và bền vững hơn sẽ bị suy giảm đáng kể.
Tương tự như vậy, khi hàng chục ngàn tỉ đồng được sử dụng để cứu trợ cho các tập đoàn nhà nước thì cơ hội tiếp cận tín dụng của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn doanh nghiệp dân doanh sẽ bị từ chối. Thêm vào đó là cách áp đặt hạn mức tín dụng 30% cho toàn hệ thống ngân hàng trên thực tế theo phương châm “một vài người ốm bắt cả làng uống thuốc” mà không dựa vào những tiêu chí có tính chuẩn mực như hệ số đủ vốn (theo tiêu chuẩn Basel) hay trình độ quản lý rủi ro của từng ngân hàng cụ thể.
VŨ THÀNH TỰ ANH - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
TBKTSG
|