EVN phải sử dụng phần chênh lệch giá để đầu tư
EVN không được làm trái quyết định của Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định bên hành lang Quốc hội, hôm qua, 29/10, nhân nói về việc EVN xin trích thưởng hơn 1.000 tỷ đồng vừa qua.
Thưa Bộ trưởng, đến nay Bộ Tài chính đã có quan đỉểm chính thức về đề nghị trích thưởng của EVN chưa?
Vấn đề này, theo quan điểm của tôi là phải xử lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng nói rằng, chênh lệch giá thì phải dành để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Vậy thì EVN phải sử dụng phần chênh lệch đó để đầu tư.
Còn kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà chính đáng, được phân phối theo quy định. Nếu trích thưởng cả vào chênh lệch giá thì chưa chuẩn. Vì lúc bấy giờ xác định mục tiêu điều chỉnh giá lên để đảm bảo kinh doanh, đồng thời vừa lấy nguồn đó để bổ sung vào đầu tư.
Nhưng vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản thể hiện sự đồng ý cho EVN được trích thưởng, thưa ông?
Bộ Tài chính mới đưa ra lấy ý kiến của Bộ Công Thương, chứ chưa quyết định.
Vậy qua đây, chúng ta có rút ra vấn đề gì trong kiểm soát chi tiêu và hạch toán tại các tập đoàn, tổng công ty?
Thực ra, việc này chúng ta đang tổng kết, các bộ ngành đều có tổng kết, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo rồi. Bộ Tài chính đã có văn bản trình cơ chế sửa Nghị định 199/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng làm sao tăng cường quản lý tốt hơn đối với các tập đoàn, tổng công ty. Nội dung cần sửa nhằm tăng cường cơ chế quản lý tài chính tốt hơn.
Cụ thể, trong đó có đặt ra vấn đề tăng giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà nước sẽ không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ: Chúng ta sẽ đưa ra các tỷ lệ khống chế huy động vốn để đảm bảo an toàn cho các doanh nghiệp; khống chế tỷ lệ đầu tư ra bên ngoài thế nào, đặc biệt với những lĩnh vực nhạy cảm. Có những lĩnh vực mạo hiểm, sẽ không cho đầu tư.
Các đại biểu cho rằng, hiện nay vay nợ của các tập đoàn lớn hơn nhiều so với số vốn ban đầu được giao?
Với các tập đoàn, ngoài số vốn ban đầu, Nhà nước không cấp thêm, vì vậy muốn hoạt động thì phải đi vay. Vấn đề là anh vay về làm gì, có hiệu quả hay không, mới quan trọng. Nếu vay về trả nợ được, hoạt động hiệu quả thì phải khuyến khích.
Khi sửa Nghị định 199, chúng tôi đã tính toán để đưa ra mức khống chế tỷ lệ vốn vay hợp lý. Hiện dự thảo Nghị định sửa đổi đang chờ Chính phủ lấy ý kiến các bộ ngành. Chúng tôi đã trình lâu rồi.
tiền phong
|