Tăng trưởng năm 2009 sẽ khó khăn hơn năm 2008
"Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị gấp để thứ bảy này, ngày 1/11 Chính phủ sẽ họp và xem xét đánh giá lại tình hình, sau đó sẽ có báo cáo bổ sung trình Quốc hội", Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc phát biểu trong ngày thảo luận thứ hai của QH (29/10) về tình hình kinh tế - xã hội.
GDP có thể đạt 6,5%
Đồng cảm với băn khoăn của nhiều ĐBQH về chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc bày tỏ e ngại tình hình sẽ khó khăn hơn như trong báo cáo của Chính phủ.
Dẫn ra làn sóng điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực, Bộ trưởng Phúc nhận định: "Tình hình tác động vào ta năm 2009 nặng nề hơn năm 2008, từ đó năm 2009 sẽ khó khăn hơn năm 2008. Từ đó chúng tôi dự báo khả năng tăng trưởng của nền kinh tế nếu giữ được mức như năm 2008 là một thành công lớn, nhưng đề phòng khả năng có thể thấp hơn".
Bộ trưởng cho biết đang xem xét điều chỉnh dự báo mức tăng trưởng GDP theo phương án khoảng 6,5%. Ngày 1/11 tới, Chính phủ sẽ họp và xem xét đánh giá lại tình hình, sau đó sẽ có báo cáo bổ sung trình QH.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đồng tình điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2009. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP nên ở mức 6,5% thay vì mức khoảng 7% như Chính phủ kiến nghị ở đầu kỳ họp QH. Ông Ninh cũng cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu có thể chỉ dự báo đạt 16% thay mức cũ 18%.
Trong bối cảnh giá dầu biến động nhanh, mạnh, bất thường, Bộ trưởng Ninh cũng cho biết sắp tới sẽ trình các cơ quan Chính phủ, báo cáo QH về việc điều chỉnh giá dầu trong dự toán ngân sách nhà nước 2009.
Đồng tình với việc điều chỉnh giá dầu, đại biểu Nguyễn Thúc Kháng (Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng nếu tiếp tục giữ giá dầu như hiện nay sẽ gia tăng áp lực lên vấn đề khai thác dầu mỏ để hoàn thành chỉ tiêu tài chính trong năm 2009.
Điện như... đom đóm
Nhiều đại biểu có cùng chung bức xúc về ngành điện. ông Bùi Văn Duôi (Hòa Bình) phản ánh: "Chúng ta nói các bộ, ngành chỉ làm quản lý Nhà nước, không quản lý các doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp Nhà nước đặc biệt như ngành điện, đòi thì cho xin là được, trong khi đó nhân dân hưởng chất lượng điện yếu kém hết sức".
Ông Duôi dẫn chứng ngành may mặc không có điện, không thể sản xuất đúng hạn như hợp đồng với khách hàng nước ngoài dẫn đến bị phạt, trong khi đó ngành điện lại "vô can" và liên tục đòi tăng giá.
"Xin thưa các đồng chí là nhân dân và cử tri gửi tới chúng tôi là người ta sẵn sàng trả tiền bằng giá khu vực nhưng ngành điện có đảm bảo được chất lượng như giá khu vực không hay vẫn như khi cần ăn cơm thắp đèn dầu lên mà ăn, hay điện như con đom đóm".
Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) dẫn con số trong báo cáo của Chính phủ nêu dự toán năm 2009 Việt Nam sẽ thiếu hụt 1 tỷ kw giờ điện. Bức xúc thực trạng nhức nhối điện bị cắt, ông Hải hỏi: "Ta thử đặt một câu hỏi xã hội sau hơn 20 năm đổi mới, người dân lại phải chịu cảnh cắt điện luân phiên liên tục. Như vậy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đó thế nào?".
Ông Hải cũng nêu ra việc đầu tư vào ngành thép quá lớn đòi hỏi tiêu thụ điện năng khá lớn và đề nghị Chính phủ rà soát lại cơ cấu đầu tư, đặc biệt là các ngành tiêu thụ điện năng lớn để gắn với việc phát triển nguồn điện, không để người dân phải chịu bi kịch tiếp tục cắt điện tới năm 2010.
Nợ lời xin lỗi nông dân thiệt hại về gạo
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát không đồng tình với quan điểm một số đại biểu cho rằng do dự báo không chính xác nên Chính phủ đã cho dừng xuất khẩu gạo vào thời điểm giá cao, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho nông dân.
Bộ trưởng trần tình: "Chính phủ không chủ trương dừng xuất khẩu gạo". Theo ông, đến cuối tháng 3, tổng số hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đạt 2,4 triệu tấn. Nhưng Hiệp hội lương thực Việt Nam thống kê xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm mới chỉ đạt 800 nghìn tấn và phải giao tiếp 1,6 triệu tấn trong các tháng tiếp. Do vậy, Chính phủ đã chủ trương tạm dừng ký hợp đồng mới xuất khẩu cho tới tháng 6 để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Mặc dù Bộ trưởng Phát bày tỏ mong muốn bà con nông dân chia sẻ với Chính phủ về những quyết định khó khăn nhưng đại biểu Bùi Văn Duôi (Hoà Bình) cho rằng: "Chúng ta chưa có văn hóa từ chức. Nhưng tôi nghĩ cơ quan nào, những người nào góp phần làm cho nông dân vừa qua thiệt hại về giá gạo, thiệt hại về chăn nuôi thì ít nhất cũng nợ nhân dân hoặc Quốc hội một lời xin lỗi".
Từ những bất cập trong xuất khẩu lúa gạo, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) kiến nghị Chính phủ cần tính toán chiến lược mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu lúa gạo dựa trên hai yếu tố quan trọng là công nghệ và thị trường, trong đó phải có nghiên cứu những giống lúa tốt.
vnn
|