Thủy điện nhỏ bí đầu ra vì thiếu đường truyền
Hàng chục dự án thủy điện nhỏ đang đứng trước nguy cơ không có đường truyền dẫn để bán điện lên lưới điện quốc gia. Điều các nhà đầu tư đang nóng lòng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm có cơ chế để giải quyết khúc mắc này.
Lào Cai được quy hoạch 80 điểm thủy điện nhỏ với khả năng đến 2010 sản xuất được 700 MW điện năng và 1.000 MW vào 2015. Rất nhiều nhà đầu tư đã đầu tư các dự án thủy điện ở Lào Cai nhưng khi những nhà máy đầu tiên đi vào xây dựng, phát điện thì người ta mới chợt nhận ra rằng tất cả các dự án này đang chưa có đầu ra - đường dây đấu nối để bán điện lên mạng lưới quốc gia. Các dự án thủy điện ở đây đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và thậm chí phá sản nếu đường truyển tải điện không sớm được xây dựng.
Lo không có đường truyển để bán điện
Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà - Hoàng Liên hiện đã được tỉnh Lào Cai giao là chủ đầu tư một số dự án tại Cụm thủy điện Ngòi Bo với tổng công suất 90 MW. Hiện tại công ty đang đang xây dựng thủy điện Sử Pán 2 công suất 34,5 MW, chuẩn bị đầu tư Sử Pán 1 công suất 17 MW, Nậm Củn công suất 37 MW.
Tại công trình Sử Pán 2, dự kiến cuối năm 2009 nhà máy này sẽ cơ bản hoàn và tháng 4/2010 sẽ đưa vào vận hành tổ máy đầu tiên. Đến tháng 5/2010, nhà máy hoàn thành cả 3 tổ máy với sản lượng điện hàng năm cung cấp lên lưới điện 141 triệu KWh.
Tuy nhiên, khi công trình Sư Pán 2 đang xây dựng và các công trình khác trong cụm thủy điện được đẩy nhanh tiến độ đầu tư thì chủ đầu tư đối mặt với một bất cập là đến thời điểm này vẫn chưa có đường dây truyền tải điện từ Cụm Thủy điện Ngòi Bo lên lưới điện quốc gia.
Việc này nếu không tính toán tiến hành từ bây giờ thì đến khi nhà máy hoàn thành chắc chắn sẽ không có đầu ra để bán điện lên lưới điện quốc gia và cả cụm thủy điện sẽ trở nên vô nghĩa vì không thể phát điện.
Trưởng hợp của Sử Pán 2 và Cụm thủy điện Ngòi Bo không phải là cá biệt ở Lào Cai mà tất cả các nhà đầu tư đầu tiên làm thủy điện nhỏ đều đang vướng mắc tương tự. Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Nam Tiến chủ đầu tu Cụm thủy điện Ngòi San với 5 nhà máy thủy điện là Ngòi San I, Ngòi San II, Sùng Vui, Trung Hồ và Vạn Hòa tổng công suất 36MW. Đến nay, đã có hai nhà máy đi vào hoạt động, trong đó riêng nhà máy thủy điện Ngòi San I công suất 10,5 MW.
Chủ đầu tư tiếp tục hiện nay đang đẩy nhanh xây dựng tiếp các nhà máy tiếp theo trong cụm nhưng theo ông Hoàng Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Nam Tiến, ngoài hai nhà máy đã đi vào hoạt động, trong năm 2009 sẽ có tiếp hai nhà máy nữa đi vào hoạt động nhưng cái khó khăn cũng chính là thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu đường truyền tải điện lên lưới quốc gia.
Thậm chí, Công ty TNHH Quyết Tiến nhận đầu tư công trình Thủy điện Nậm Xây Luông công suất 8,1 MW đến nay chưa dám khởi công xây dựng mà một trong những lý do chính là chưa có đường truyển tải điện từ công trình lên lưới điện quốc gia.
Đây là công trình khá xa so với điểm đấu nối nên nếu để nhà đầu tư bỏ tiển làm đường truyền yêu cầu vốn khá lớn và thêm gánh nặng cho các nhà đầu tư. Và thực tế này nếu không sớm có cơ chế giải quyết thì khả năng thực hiện của các dự án sẽ chậm lại, quy hoạch và tiềm năng thủy điện của tỉnh có thể không thể phát triển đúng như dự kiến.
Cần một cơ chế rõ ràng
Ông Hoàng Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Nam Tiến cho biết, hai nhà máy đầu tiên phát điện, dùng phương án tạm thời truyền tải qua đường 35 KV. Tuy nhiên, sắp tới khi có thêm nhà máy thì phải đầu tư đường dây 110 KV với có thể truyền tải được. Vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng không thể không làm, vì nếu không thì nhà máy làm ra không biết bán điện đi đâu thì phá sản.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trong chuyến thực tế ở Tây Bắc, Công ty Sông Đà - Hoàng Liên cho biết, quy hoạch thủy điện nhỏ ở Lào Cai có từ năm 2005 nhưng lưới điện để truyền tải điện năng từ các dự án này mới được Bộ Công Thương ban hành tháng 4/2008.
Do đó, tuyến đường dây 110 KV từ Sử Pán đến điểm đấu nối lên lưới quốc gia tại KCN Tàng Loỏng phục vụ các dự án thủy điện ở cụm Ngòi Bo đến nay vẫn chưa được xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh Kim, Giám đốc Công ty Sông Đà - Hoàng Liên cho biết, truyền tải điện là độc quyền của EVN, điểm đấu nối, nhất là đường dây 110 KV theo quy định là phải do EVN quản lý. Cái khó chính là ở chỗ, để tải điện từ các nhà máy lên lưới phải là đường 110 KV, nhưng hiện nay EVN không hề có biểu hiện gì về việc xây dựng các tuyến đường này.
Nếu chủ đầu tư muốn bán điện không còn cách nào khác là phải tự xây nhưng xây rồi thì việc EVN nhận lại đường truyền này như thế nào thì chưa có cơ chế. Trong khi vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.
Nóng ruột trước sự chậm trễ và biết chắc EVN sẽ khó đầu tư xây dựng tuyến đường truyền tải này, Công ty Sông Đà - Hoàng Liên đã xây dựng phương án làm đường dây truyền tài 110KV dài 25 km với tổng mức đầu tư lên đến 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể đầu tư, chủ đầu tư nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Lào Cai, gửi văn bản lên EVN để đề nghị thông qua phương án đấu nối và thống nhất một cơ chế và kế hoạch đầu tư đường dây 110 KV. Tuy nhiên, cho đến tháng 10/2008, vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào từ EVN về cơ chế đầu tư.
Theo các chủ đầu tư, EVN có thể chưa thể làm đường dây đến các thủy điện nhỏ để mua điện nhưng cần có cơ chế rõ ràng để các chủ đầu tư chủ động. Có thể có hai phương án, các chủ đầu tư vay vốn, làm đường dây. Vì đây là đường dây bắt buộc do EVN quản lý thì EVN có thể đứng ra nhận lại nợ cho các nhà đầu tư.
Cũng có thể tính chi phí đường dây vào giá thành thì mức giá phải được tính toán lại. Vì mức giá mà EVN mua từ các thủy điện hiện nay là chưa có chi phí đầu tư xây dựng đường dây. Một ví dụ được các chủ đầu tư đưa ra, EVN mua điện trong nước với giá là 3,8 cent nhưng lại mua giá điện Trung Quốc với giá 4,5 cent/KWh nhưng phải làm đường dây để truyền tải về.
Vì thế, nếu EVN không làm đường dây thì có thể tính thêm chi phí đầu tư đường truyền tải vào giá thành điện. Như thế, nhà đầu tư mới có khả năng thu hồi vốn vì các dự án hiện nay khi đầu tư đều không tính tới việc phải đầu tư thêm đường dây truyển tải.
Ông Nguyễn Thanh Kim nhắc lại, bây giờ nhà đầu tư đang ở thế kẹt, công trình đã xây dựng, thậm chí đã có điện, muốn bán điện thì phải chấp nhận bỏ tiền làm đường dây. Nhà đầu tư sẵn sàng nhưng cái họ cần là một câu trả lời rõ ràng từ EVN.
vnn
|