Chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước
Trong ngày thảo luận thứ hai về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, các đại biểu kiến nghị phải làm rõ những yếu kém, bất cập thuộc về cơ quan nào
Hôm nay (29/10), Quốc hội tiếp tục dành 1 ngày thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập đó là trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước. Theo đại biểu Võ Đình Tuyến (đoàn Bình Phước), những nguyên nhân hạn chế trong nền kinh tế nước ta thời gian qua không phải chỉ do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới mà có phần trách nhiệm quản lý của Nhà nước: ví như giá gạo trong nước tăng đột biến đến nay lại không tiêu thụ được; muối, rác thải trong nước xử lý không hết trong khi lại nhập khẩu; tình trạng gian lận xăng dầu, ô nhiễm môi trường, phân bón giả… Đây là những bức xúc rất lớn mà cử tri cả nước đều rất quan tâm nhưng trong đánh giá của Chính phủ còn chung chung. Đại biểu đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ trách nhiệm thuộc cơ quan nào và giải pháp khắc phục trong thời gian tới ra sao.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Võ Đình Tuyến, theo đại biểu Trần Hồng Việt (đoàn Hậu Giang), trách nhiệm quản lý Nhà nước còn thể hiện ở sự quản lý điều hành kinh tế của Chính phủ về chính sách giá cả chưa thuyết phục lòng dân, đó là sự liên thông giữa giá trong nước và giá thế giới, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của nông dân, khi giá vật tư nguyên liệu thế giới tăng tức thì giá vật tư nguyên liệu trong nước tăng lên gấp bội, ngược lại giá thế giới giảm mạnh thì giá trong nước vẫn đứng ở mức cao, chỉ giảm rất từ từ, nhỏ giọt, thấy rõ nhất là giá xăng dầu, xi măng, sắt thép, ga, vàng các doanh nghiệp đưa ra đủ lý do để bảo hộ vì nhập giá cao phải bán hết hàng theo giá cao rồi sau đó mới tính tiếp. Đại biểu cho rằng cách kinh doanh mua bán như thế này rất hiếm gặp ở các nước trên thế giới.
Đại biểu Võ Đình Tuyến đề nghị, ngoài 8 giải pháp của Chính phủ đề ra về vấn đề kinh tế xã hội trong năm 2009, cần bổ sung thêm một giải pháp đó là tăng cường trách nhiệm quản lý của Nhà nước về vấn đề kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (đoàn Nam Định) đề nghị trong báo cáo đánh giá cần nêu rõ những hạn chế, yếu kém, vấn đề quản lý điều hành và chế độ trách nhiệm cá nhân, xã hội để dẫn đến tình trạng trong thực tế kỷ cương phép nước thực hiện chưa nghiêm thể hiện ở việc vì sao điện thiếu, cắt điện liên tục thì lỗi này thuộc về bộ nào, ngành nào, trách nhiệm của bộ chủ quan đến đâu. Đại biểu đề nghị, năm 2009, Chính phủ cần tập trung nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, dự báo để chúng ta không bị động trong giải quyết các tình huống xảy ra và đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành
Xác định cơ cấu đầu tư gắn với quản lý vốn trong các doanh nghiệp nhà nước
Cũng theo đại biểu Trần Hồng Việt, quản lý điều hành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước cũng còn nhiều bất cập. Các tổng công ty Nhà nước sử dụng vốn từ nguồn lực ngân sách rất lớn nhưng khi tình hình đất nước gặp khó khăn khu vực kinh tế thì các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty không thấy thể hiện vai trò, trừ dầu khí đóng góp khoảng 25% cho ngân sách. Đại biểu kiến nghị Chính phủ có báo cáo minh bạch hiệu quả sử dụng vốn của các tổng công ty Nhà nước tại các phiên họp của Quốc hội vào cuối năm.
Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng việc xác định cơ cấu đầu tư gắn với quản lý vốn trong các doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng. Đại biểu cho rằng đây cũng là bài toán nhằm giải quyết kiềm chế lạm phát. Khi sự kiện các tập đoàn tài chính thế giới đang phải chờ Chính phủ các nước giải cứu thì việc xác định cơ cấu đầu tư gắn với quản lý vốn của doanh nghiệp Nhà nước để giúp Chính phủ chủ động hơn trong đối phó với tình huống đã được dự báo là rất quan trọng. Hiện các doanh nghiệp đang nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định, 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 50% tổng vốn Nhà nước và 60% nợ tín dụng ngân hàng. Việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực đã đẩy các phương tiện thanh toán năm 2007 tăng 43,7%, tổng dư nợ vốn tăng 53,9%, tăng từ 1,5-2 lần so với các năm 2003, 2005. Đây là gốc rễ của nguyên nhân lạm phát cao, do vậy bài thuốc mà Chính phủ đề ra để chữa lạm phát chính là việc điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư và quản lý vốn có hiệu quả trong doanh nghiệp Nhà nước. Hiệu quả đầu tư nếu không gắn với cơ cấu đầu tư và quản lý các doanh nghiệp nhà nước thì hệ lụy ắt sẽ xảy ra.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2009 khoảng 7% là phù hợp
Theo đại biểu Trần Hồng Việt (đoàn Hậu Giang), năm 2009, áp lực đối với lạm phát sẽ giảm mạnh và không còn nặng nề như thời gian qua, nhưng áp lực tăng trưởng sẽ nặng nề hơn. Do vậy GDP của năm 2009 phấn đấu đạt được 7% là một nỗ lực rất lớn, là một thành công của Chính phủ. GDP 7%, nông lâm, thuỷ sản là 3%, còn CPI là một con số dưới 10% là con số tuyệt vời. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nên có những giải pháp dự phòng ứng phó với hiện tưởng thiểu phát và chính sách kích cầu, tránh tình trạng bị động như trong thời gian qua.
Đại biểu Võ Đình Tuyến (đoàn Bình Phước) cũng đồng tình với phương án tăng trưởng khoảng 7% năm 2009. Đại biểu cho rằng không nên ở mức trên 6% hay 6,5% vì trong năm 2008, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội cũng đã quyết định chỉ tiêu GDP là 7% và thực tế đến nay ước đạt khoảng 6,5-7%. Thêm vào đó, tình hình kinh tế xã hội hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả bước đầu, các nước trên thế giới đã tập trung nhiều giải pháp khôi phục nền kinh tế, do vậy chúng ta không nên phấn đấu thụt lùi, với quyết tâm đưa mức độ tăng trưởng của nước ta trong năm 2009 bằng hoặc cao hơn năm 2008, do vậy chủ trương tăng trưởng GDP ở mức 7% là phù hợp. Đại biểu cũng nhất trí với dự kiến của Chính phủ hạ thấp chỉ số tăng giá tiêu dùng còn dưới 15% nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với ổn định giá cả.
Sớm loại bỏ hạn chế trong cải cách hành chính
Đại biểu Y Ngọc (Đoàn Kon Tum) nêu vấn đề về những hạn chế trong công tác cải cách hành chính thời gian qua, công tác xây dựng thể chế còn chậm, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao; việc tinh giảm biên chế chưa đạt yêu cầu, thủ tục hành chính còn rườm rà, việc thực hiện ở nhiều địa phương còn tùy tiện, chưa công khai minh bạch; năng lực cán bộ đặc biệt ở vùng sâu vùng xa còn kém chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Đại biểu Võ Trọng Việt (Đoàn Sơn La) cho rằng những hạn chế này là do kỷ cương phép nước của chúng ta chưa nghiêm, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Mặc dù chúng ta đã nói nhiều về những vấn đề này, nhưng giải pháp thực thi hiệu quả chưa cao, làm trì trệ và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hiệu quả và cơ chế công tác.
Đại biểu Y Ngọc đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần rà soát loại bỏ những giấy phép không cần thiết, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, thực hiện đồng bộ công tác cải cách hành chính, công khai chính sách quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở từng vùng, từng địa phương.
vov
|