Cacao bên bờ “khai tử”
Đã hơn 50 năm cây cacao có mặt tại Việt Nam, nhưng suốt thời gian qua sản xuất cacao không đem lại hiệu quả, chỉ một vài năm gần đây cacao có được sản lượng hàng hóa nhưng vẫn còn quá yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế đó đặt ra cho ngành cacao Việt Nam nhiều vấn đề nan giải, nếu không được giải quyết căn cơ rất có thể cây cacao sẽ bị “khai tử”.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho biết, 100% diện tích cacao hiện nay đều không đạt các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng giống cây trồng.
Nhiều bất cập
Trong đó có 12,63% diện tích ca cao trồng từ hạt lai F1 và 12,35% diện tích trồng bằng cây thực sinh không rõ nguồn gốc nên năng suất rất thấp. Tính đến nay, tổng diện tích trồng cacao của Việt Nam khoảng 7.056,5 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 898,5 ha, năng suất chỉ đạt 0,31 tấn hạt/ha. Nếu so với năng suất bình quân thế giới thì năng suất cacao Việt Nam chỉ bằng 46 đến 63%. Điều này dẫn đến hệ lụy trong thời gian qua hàng loạt nông dân trồng cacao liên tục trồng – chặt và thanh lý. Theo thứ trưởng Bộ NN và PTNT Dệp Kỉnh Tần, nguyên nhân “trồng – chặt” cacao không chỉ do năng suất thấp mà còn do thị trường tiêu thụ, giá bán quả, hạt thấp và khó tiêu thụ.
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, trong những năm gần đây ca cao được triển khai thực hiện ở một số địa phương bằng dự án phát triển cacao bền vững cho nông dân (Success Alliance) nhưng lại bộc lộ quá nhiều bất cập mà điển hình là dự án cung ứng 519.866 cây cacao nhân từ hạt lai F1 cho 3 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo nguyên tắc quản lý giống cây trồng thì cây lai F1 chỉ được trồng ở vườn thực nghiệm của cơ quan nghiên cứu, bởi đây là cây có mức độ phân ly tính trạng rất mạnh, sau 24 tháng phải cải tạo bằng cành ghép đối với trên 95% số cây trồng sẽ kéo dài thêm 16 đến 24 tháng kiến thiết cơ bản, gây lãng phí đầu tư hơn 10 triệu đồng/ha. Do đó, khi tổng kết dự án này các ngành chức năng không báo cáo công khai số liệu khảo sát về số cây cacao đã chết sau khi trồng mới, kiến thiết cơ bản và tỷ lệ cây lai F1, cây ghép ra hoa kết quả, bởi thực tế diện tích cacao còn sống chỉ chiếm 27,25%. Số cây ra hoa kết quả chỉ từ 46,39% đến 61,27%. Đặc biệt, cây lai F1 ở Bến Tre có tỷ lệ rất thấp chỉ 28,9%, còn cây ghép ở Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu từ 31,9% đến 32,3%.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng cục Trồng trọt cho biết, có một thực tế đang tồn tại là nguồn nhân lực để phát triển cacao bền vững ở các tỉnh, thành phố phía Nam còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu thông tin chính xác, ít hiểu biết về cacao đã làm tăng những khó khăn đối với ngành cacao.
Liệu có khả thi
Theo các nhà chuyên môn, cây cacao chỉ phát triển ở mô hình trồng xen canh với cây lâu năm, tốt nhất là trồng xen với dừa, điều, cây ăn trái. Cây cacao là cây trồng xen canh nhưng cần được đầu tư thích đáng, toàn diện, nhất là ứng dụng nhanh công nghệ kỹ thuật tiên tiến, chế biến mới đạt được hiệu quả cao. Đặc biệt phát triển cacao phải kết nối chặt chẽ sản xuất với thị trường thông qua chuỗi giá trị sản xuất – thu mua - sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phân bố lợi nhuận từ kinh doanh các sản phẩm cacao. Trong nỗ lực phấn đấu để đưa ngành cacao Việt Nam thoát khỏi “bóng đen”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải trồng được 33.500 ha, trong đó diện tích cacao kinh doanh là 23.000 ha, năng suất bình quân 1 tấn/ ha , tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 40 triệu USD và xây dựng nhà máy chế biến cacao với công suất 10.800 tấn/năm tại Bến Tre.
Trong điều kiện ngành cacao Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, những đòi hỏi và chỉ tiêu trên liệu có vượt ngoài tầm với? Theo Tiến sĩ Lê Quang Hưng – Trưởng Khoa Nông học – Đai học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, trước đó cũng đã 1 lần bộ phê duyệt quyết định đề án phát triển cacao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 nhưng không khả thi phải điều chỉnh theo hướng giảm. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh như hiện nay, chỉ trong vòng hơn 5 năm diện tích tăng lên gấp 5 lần, năng suất tăng lên gấp 3 lần, liệu rằng điều đó có khả thi hay nữa hay không. Tiến sĩ Lê Quang Hưng cho rằng, cacao Việt Nam là ngành hàng mới, muốn phát triển bền vững phải tuân thủ quan điểm, làm đến đâu tốt đến đó, nhất thiết không chạy theo phong trào, không áp đặt. Nhà nước cần tạo ra nhiều mô hình định hướng, có sức thuyết phục cao cùng với việc ban hành chính sách khuyến khích để nông dân tự lựa chọn.
Thực tế, người trồng cacao ở Việt Nam đang rất hoang mang. Cần có một động thái mạnh tích cực mới có thể giúp người dân lấy lại niềm tin, từng bước đưa cây cacao trở lại ổn định.
dddn
|