Thứ Tư, 29/10/2008 09:04

Quốc hội đề nghị giám sát chặt DNNN

Để tạo ra tăng trưởng kinh tế năm 2009 bền vững, một nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị hôm 28-10 là giám sát chặt hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Phiên thảo luận hội trường về tình hình, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2009, thay vì phân tích các con số hay các chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đi vào phân tích các vấn đề, lĩnh vực cụ thể và đưa ra các kiến nghị chi tiết cho Chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế.

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng tăng trưởng kinh tế những năm qua chưa tạo ra sự phát triển bền vững, mới thể hiện về mặt lượng, chậm cải thiện về mặt chất. Thu ngân sách nhà nước năm 2008 đạt cao, vượt hơn 76 ngàn tỉ đồng nhưng chủ yếu là thu từ dầu thô và nhà đất, những khoản thu luôn chịu tác động lớn của thị trường.

Còn đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) không tán thành với những nhận định trong báo cáo của Chính phủ nêu ra là tình hình suy thoái tài chính thế giới ít ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước. “Nhận định như vậy là chưa thỏa đáng”, ông Hà nói và đề nghị phải có nhiều phương án để đối phó với những diễn biến xấu hơn cũng như tiếp cận nó một cách bình tĩnh hơn.

Ông Hà cho rằng có hai khả năng sẽ xảy đến trong thời gian tới là lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao hoặc có thể dẫn tới tình hình giảm phát. Nhiều đại biểu khác cũng đề nghị công tác dự báo tình hình phải thật nhanh, thật sát để kịp đối phó với mọi diễn biến của tình hình trong và ngoài nước, không đề quá cao song cũng không bỏ qua các bản dự báo của các tổ chức nước ngoài. Điều cần thiết là xem xét nó với thái độ bình tĩnh, chọn lọc thật kỹ.

Trong phần đánh giá những thiếu sót, khuyết điểm trong điều hành kinh tế năm 2008, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đề nghị phân tích thêm hiệu quả đầu tư của khối DNNN, nhất là khi báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói rằng rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời cũng khó đánh giá về khả năng trả nợ và đang xem các vấn đề này như một thách thức.

Ông Nhượng đặt câu hỏi về việc nhiều năm nhà nước đã dồn vốn, tập trung cổ phần hóa, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của khối DNNN nhưng hiệu quả thấp thì việc tiếp tục đầu tư có góp phần gây ra lạm phát hay không.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị: “Quốc hội chọn vấn đề cấp, sử dụng vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nội dung giám sát của năm 2009, nếu được thì tổ chức giám sát vào kỳ họp lần thứ 5, giữa năm 2009”.

Ông Triệu Sỹ Lầu (Thái Nguyên) củng cố thêm những đề nghị trên cũng bằng yêu cầu thực hiện ngay việc rà soát và chấn chỉnh các tập đoàn, DNNN: “Nếu để khu vực DNNN tiếp cận vốn ào ạt trở lại thì bao công sức chống lạm phát trong những quý đầu năm sẽ trở nên vô nghĩa”.

Song song với các đề nghị nêu trên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc trong đánh giá hoạt động của khối doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bà Dương Kim Anh nói rằng báo cáo của Chính phủ đánh giá khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy gặp khó nhưng vẫn đạt kết quả khá, trong khi đó thì Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cảnh báo rằng 20% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, 60% đang đình trệ.

Bà Anh dẫn chứng Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra con số chỉ có 3,8% doanh nghiệp gặp khó khăn khi khảo cứu 163 ngàn doanh nghiệp. “Nếu đánh giá không đúng thì đề ra chính sách sẽ không đúng, làm ảnh hưởng lớn đến khối doanh nghiệp vốn là chủ lực trong nền kinh tế”, bà Anh phân tích.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị việc tăng trưởng bền vững đối với một quốc gia có 75% dân số sống bằng nông nghiệp như nước ta thì việc đầu tư cho nông nghiệp- nông thôn phải thay đổi mạnh mẽ hơn. Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) trăn trở về việc nông nghiệp mỗi năm đóng góp 20% cho GDP nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% tổng đầu tư toàn xã hội, chỉ đáp ứng 17% nhu cầu. Bảo hộ nông nghiệp mới đạt ở mức 4%, trong khi cam kết WTO là 10% so với giá trị sản lượng nông nghiệp là quá thấp trong khi vẫn gia tăng đầu tư cho khối DNNN là phân biệt đối xử.

Nhiều đại biểu đề nghị điều chuyển một phần luồng vốn đầu tư từ ngân sách cho DNNN sang nông nghiệp, với mức tăng đầu tư cho nông nghiệp từ 10% lên 25% để đảm bảo phát triển bền vững trong điều kiện lạm phát hiện nay.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Khó hay không còn do ta (29/10/2008)

>   Hỗ trợ các dự án điện ở vùng nông thôn (29/10/2008)

>   Mở cửa khai thác một phần Nhà ga trong nước sân bay Tân Sơn Nhất (29/10/2008)

>   CMC tham gia thị trường phần mềm diệt virus (29/10/2008)

>   Phát triển ngành thép: “Bảo hộ” hay “thả”? (29/10/2008)

>   Chợ truyền thống vẫn chi phối thị trường bán lẻ (29/10/2008)

>   Thị trường sắt thép: Ế, nhưng giá vẫn... trên trời (29/10/2008)

>   BPO: Hướng gia công mới (29/10/2008)

>   Giảm giá thành, tiết kiệm chi phí: Chuyện sống còn (29/10/2008)

>   Lạm phát hay giảm phát đều nguy hiểm! (29/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật