Khủng hoảng tài chính quốc tế:
Khó hay không còn do ta
VN hoàn toàn có thể hạn chế được tác động xấu của khủng hoảng tài chính quốc tế, tùy vào khả năng “ứng xử” từ cấp vĩ mô đến từng doanh nghiệp (DN). Thêm mặt hàng xuất khẩu mới, đặc biệt là thị trường nội địa, cũng là cách giảm thiểu tác động từ bên ngoài.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Khủng hoảng tài chính quốc tế: ứng xử của ngành ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu và doanh nghiệp VN” do Thời báo Kinh Tế VN tổ chức sáng 28-10.
Có khó nhưng không bi quan
“Cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên toàn cầu, VN sẽ chịu những tác động nhất định trong không ít lĩnh vực...” - ông Vũ Thành Tự Anh, giám đốc phụ trách nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nói. Hoạt động xuất khẩu nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp. Vốn đầu tư nước ngoài, kể cả gián tiếp lẫn trực tiếp (FDI) cũng bị ảnh hưởng.
Còn theo ông Trương Đình Tuyển - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10-2008 giảm nhẹ, chỉ đạt 5,2 tỉ USD so với mức bình quân từ đầu năm đến nay là 5,4 tỉ USD/tháng. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhiều nhất là cao su, đồ gỗ và trang trí nội thất, điện tử và máy tính...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định tình hình cũng không quá bi quan. Ông Vũ Thành Tự Anh cho biết đến nay VN vẫn chưa chứng khoán hóa các hợp đồng cho vay bất động sản (BĐS), số liệu công bố chính thức cho thấy tỉ lệ dư nợ cho vay đối với BĐS vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nên sự sụt giảm của thị trường BĐS không gây ra những tác động lớn như tại thị trường Mỹ... Mặc dù, theo ông Anh, thị trường BĐS hiện vẫn rất ảm đạm, có thể phát sinh nợ xấu.
Vẫn có cơ hội cho xuất khẩu
Về sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, ông Phạm Đỗ Chí - phó tổng giám đốc kiêm kinh tế trưởng của VinaCapital - khẳng định không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài “tháo chạy” như một số lo ngại, bởi hầu hết các quỹ tại VN là quỹ đóng và động thái bán ra chỉ là cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Ông Chí cũng cho rằng phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của VN là hàng giá rẻ, hàng lương thực thiết yếu, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Còn theo ông Trương Đình Tuyển, nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN không những vẫn giữ được thị trường mà có thể đạt tăng trưởng cao. Như cá ba sa có thể tăng xuất khẩu tại thị trường Nga và Ukraine. Nhiều mặt hàng khác (không có tên cụ thể trong danh mục xuất khẩu) hiện đạt đến 14 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu đang có mức tăng trưởng khá ấn tượng, lên tới 50% mỗi năm.
Chưa hết, ông Tuyển cho biết kể từ năm 2009, ngành dệt may VN có thể đẩy mạnh khai thác thị trường Nhật sau khi hiệp định hợp tác toàn diện song phương có hiệu lực, trong đó thuế suất nhập khẩu mặt hàng này vào Nhật chỉ còn 0%.
Khai thác thị trường nội địa
“Để gỡ khó về vốn, ngân hàng và DN nên ngồi lại với nhau” - ông Lê Xuân Nghĩa, vụ trưởng Vụ Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nói. Theo ông Nghĩa, DN có thể chủ động công khai, đưa ra kế hoạch sản xuất và đặc biệt là kế hoạch dòng tiền... để các ngân hàng có thể tính toán và hỗ trợ như khoanh nợ hay giãn nợ và tiếp tục cho vay. Theo ông Nghĩa, trong trường hợp không thể trả được nợ nhưng chứng minh được rằng đây là những khó khăn bất khả kháng, DN cũng có thể được xóa nợ, bởi lẽ ngân hàng đã có khoản dự phòng rủi ro... Ông Phạm Đỗ Chí cho rằng bản thân các DN phải cân nhắc một cách rất thận trọng các kế hoạch đầu tư, không nên liều lĩnh.
Ông Tuyển cho rằng DN nên tiết giảm chi phí để giảm giá thành vì đó là tiêu chí cạnh tranh hàng đầu trong thời gian tới. Việc phát triển mặt hàng xuất khẩu mới cũng rất quan trọng, vì những “mặt hàng khác” trong danh mục xuất khẩu có tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đến 50%, nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa nhận diện cụ thể đó là những mặt hàng nào để có chiến lược đầu tư. Cũng cần chú trọng khai thác thị trường nội địa. Với 85 triệu dân, việc khai thác và mở rộng thị phần tại thị trường nội địa sẽ là một trong những giải pháp giúp DN hạn chế được nhiều tác động từ bên ngoài - ông Tuyển nói.
tt
|