Thứ Tư, 29/10/2008 06:35

Để vượt qua cơn bão tài chính quốc tế

Doanh nghiệp phải tự “lột xác”

Ngày 28-10, tại TPHCM, hàng trăm doanh nghiệp (DN) đã tham gia buổi trao đổi, tư vấn với các chuyên gia kinh tế hàng đầu hiện nay về cách thức “sống chung” và giảm thiểu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang lan rộng khắp thế giới. Nhiều vấn đề tuy cũ mà mới đã tiếp tục được “hâm nóng”.

VN không thể đứng ngoài cuộc

Theo GS Đào Nguyên Cát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế VN, chưa ai dám khẳng định khi nào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay sẽ chấm dứt, bao giờ thị trường tài chính quốc tế sẽ “rơi đến đáy”. Cũng theo ông, VN không thể là người ngoài cuộc, hơn thế còn bị ảnh hưởng nhiều hơn cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 vì VN đã hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, nhất là đã vào WTO được gần 2 năm.

Tuy nhiên, nước ta sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp nhiều hơn là trực tiếp do hệ thống tài chính của VN chưa thực sự hội nhập sâu sắc với hệ thống tài chính toàn cầu, lượng tiền VN đầu tư ra bên ngoài không đáng kể và dòng vốn gián tiếp đổ vào VN cũng chưa nhiều.

Mặt khác, các định chế tài chính của VN cũng không đầu tư trực tiếp vào các tài sản ảo ở nước ngoài. Cụ thể hơn, GS Đào Nguyên Cát cho biết, 60% GDP của nước ta hiện nay đến từ xuất khẩu, do vậy, VN sẽ gặp hiệu ứng xấu là chuyện tất nhiên. Riêng thị trường Mỹ - thị trường nhập khẩu quan trọng của VN, sẽ không còn là “nguồn sống” lớn của hàng xuất khẩu nước ta. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào VN, thị trường chứng khoán trong nước cũng sẽ biến động khó lường.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng tác động gián tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đối với VN là khá mạnh. Chẳng hạn, lãi suất cho vay liên ngân hàng quốc tế (LIBOR và SIBOR) đang tăng nên có thể ảnh hưởng tới nợ ngắn hạn của VN tại các ngân hàng thương mại và DN. Mặc dù số nợ này không lớn, chỉ khoảng 2 tỷ USD, nhưng nó sẽ buộc chúng ta phải tái cấu trúc kỳ hạn và lãi suất, đồng nghĩa tình hình tài chính của một số ngân hàng và DN sẽ xáo trộn. Bên cạnh đó, ngân hàng còn gặp bất lợi khi giá bất động sản ở VN còn có thể xuống thấp hơn nữa và khủng hoảng ở Mỹ có thể làm người dân dự đoán đồng USD sẽ rớt giá. Mặt nữa là vốn FDI vào VN sẽ chững lại bởi khoảng 80% vốn đầu tư vào VN là đi vay…

Đổi mới và tận dụng thời cơ

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của VN trong các tháng còn lại của năm 2008 và năm 2009 là ngăn ngừa xu hướng đình trệ sản xuất kinh doanh.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, nên áp dụng nguyên tắc lãi suất thỏa thuận trong toàn bộ nền kinh tế chứ không nên cứng nhắc như hiện nay; đồng thời, phải có một gói giải pháp miễn giảm thuế cho DN.

Còn theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại VN, trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước nên tìm cách giải bài toán tỷ giá để giảm bất lợi cho các đơn vị xuất khẩu. Nếu không giải được tốt thì hoạt động ngoại thương nói riêng, khả năng cạnh tranh cũng như kinh tế VN nói chung sẽ gặp nhiều trắc trở.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, để có được nguồn vốn lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước nên phát hành trái phiếu nhà nước hoặc thực hiện phát hành tiền tệ. Đặc biệt, không nên để các dự án khả thi thiếu vốn. Điều cần làm ở đây là lập ra cơ chế giám định, đánh giá và cung cấp vốn minh bạch và hợp lý. Quyết định giải ngân phải dựa trên chất lượng và tính khả thi của dự án cùng năng lực của chủ đầu tư.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, trước hết VN phải giải tỏa được các “điểm nghẽn tăng trưởng” như nguồn điện, cơ sở hạ tầng, nhân lực… Ông Tuyển cho biết, VN sắp có hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản vào năm 2009.

Đây là cơ hội mới cho hàng xuất khẩu của VN vì được hưởng thuế suất rất ưu đãi. Đồng thời, các DN cũng phải chủ động, chịu khó mở rộng, kết nối với nhiều thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng như các nước ASEAN, Trung Đông, Nga và các nước Đông Âu.

Mặt khác, các DN phải “trở về nhà”, không nên sao nhãng một thị trường nội địa to lớn với trên 80 triệu người. Bên cạnh đó, DN phải “nhìn lại mình” kỹ hơn, phấn đấu cải tiến quy trình sản xuất - kinh doanh sao cho hợp lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành để có thể thích nghi được với xu thế hàng giá rẻ hiện nay. Hơn nữa, DN phải có được tác phong chuyên nghiệp là xác định được mặt hàng nào đang có nhu cầu ngày càng tăng để chú trọng đầu tư sản xuất.

sggp

Các tin tức khác

>   Cho xuất khẩu gạo tự do đến tháng 2-2009 (29/10/2008)

>   Giá cá tra lại giảm (29/10/2008)

>   Kênh phân phối siêu thị trăng trưởng nhanh (29/10/2008)

>   Khó tránh giảm phát trong thời gian dài (29/10/2008)

>   Tây Ban Nha đặt mục tiêu thương mại 2 tỉ đô la với VN (28/10/2008)

>   Đua mở sàn giao dịch bất động sản (28/10/2008)

>   Lao động trong ngành ôtô mất việc làm (28/10/2008)

>   Cùng bơi trên biển, sao chỉ tập đoàn được phao cứu sinh? (28/10/2008)

>   XD Khu kinh tế Hòn La thành trung tâm giao thương quốc tế (28/10/2008)

>   Cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (28/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật