Thứ Tư, 29/10/2008 08:23

Doanh nghiệp việt nam Trong cơn khủng hoảng tài chính quốc tế

Giảm giá thành, tiết kiệm chi phí: Chuyện sống còn

Theo các chuyên gia, cần chú trọng khai thác thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân, vốn là thị trường lớn đang được các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập ồ ạt

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ không chỉ gây chấn động hệ thống tài chính Mỹ mà đang lan rộng và sẽ đe dọa sự ổn định của nhiều quốc gia, kể cả VN. Doanh nghiệp (DN) VN phải làm gì để hạn chế tối đa tác động của cuộc khủng hoảng là vấn đề được bàn luận sôi nổi tại hội thảo “Khủng hoảng tài chính quốc tế - Ứng xử của ngành ngân hàng, tài chính, xuất nhập khẩu và DN VN” tổ chức sáng 28-10 tại TPHCM.

Đồ gỗ, điện tử, cao su... sẽ giảm mạnh

Thị trường xuất khẩu VN sẽ bị thu hẹp, xu thế USD suy yếu dài hạn khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu giảm sút. Khối DN dân doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu hàng vào các thị trường Mỹ, Nhật, EU sẽ giảm mạnh.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, khẳng định không đợi đến năm 2009, mà từ đầu tháng 10 đến nay, xuất khẩu của VN đã có dấu hiệu giảm sút. Chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 5,4 tỉ USD, nhưng trong tháng 10 chỉ đạt 5,1 tỉ USD, giảm 300 triệu USD.

Mặt hàng xuất khẩu giá trị cao có xu hướng sẽ giảm nhiều hơn do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng cá nhân giảm. Trong đó, hàng đồ gỗ, điện tử, cao su... sẽ sụt giảm mạnh. Riêng giày dép xuất khẩu vừa đứng trước nguy cơ thị trường thu hẹp vừa phải đối mặt với áp lực hàng giá rẻ của Trung Quốc, nhất là từ đầu năm 2009, khi Mỹ và EU dỡ bỏ quota xuất khẩu cho hàng dệt may Trung Quốc. Trong nước, xuất hiện tình trạng ngưng trệ sản xuất. Theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện áp lực lạm phát đã giảm, lãi suất ngân hàng (NH) bắt đầu hạ nhiệt. NH sẵn sàng cho vay nhưng nhiều DN không dám vay.

Hợp tác giải bài toán vốn

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng của NH Nhà nước VN, cho rằng NH Nhà nước “bơm” tiền cho NH thương mại nhưng NH thương mại hạn chế cung ứng tiền cho DN, chủ yếu đầu tư trái phiếu và “cố thủ”. Các chuyên gia kinh tế cũng chung nhận định rằng kinh tế VN có nhiều dấu hiệu tích cực, lạm phát giảm nhanh, lãi suất sẽ giảm mạnh (có thể lãi suất cơ bản giảm xuống mức 8%) nhưng không thể giảm ngay lập tức.

Vì thế, theo ông Nghĩa, DN cần phải có thái độ hợp tác tích cực, phải đưa ra được kế hoạch sản xuất, kế hoạch dòng tiền có khả năng sinh lãi để đàm phán vay vốn; không nên đóng cửa, trốn nợ như một số DN nhỏ và vừa thời gian qua, vì như thế càng làm cho NH “nhìn” DN đầy nghi ngờ, dò xét.

Những gợi mở

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng giảm giá thành, tiết kiệm chi phí là sống còn đối với DN trong điều kiện hiện nay. Lãi suất NH đang giảm và có chiều hướng giảm mạnh trong thời gian tới. DN có cơ hội vay vốn với lãi suất hợp lý và cần phấn đấu giảm chi phí trung gian, tiết kiệm nguyên - nhiên liệu để giảm tối đa giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng. Cần phát triển những mặt hàng mới có thị trường tiêu thụ tốt (trong nước và xuất khẩu), khả năng cạnh tranh cao; chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông, ASEAN... Bên cạnh đó, DN cần chú trọng khai thác thị trường nội địa với hơn 80 triệu dân vốn là thị trường tiêu thụ lớn đang được các DN nước ngoài xâm nhập ồ ạt. Ông Phạm Đỗ Chí, Phó Giám đốc VinaCapital, cũng cảnh báo nguy cơ DN VN phải cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc ngay trên “sân nhà” do lượng hàng dư thừa của Trung Quốc sẽ tràn sang VN. Nhà nước cần có chính sách hợp lý để DN hoạt động hiệu quả ở thị trường nội địa.

Ưu tiên ổn định và phát triển bền vững

Báo cáo về triển vọng thế giới của Deutsche Bank cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của VN năm 2008 sẽ là 6,3% và dự báo cho năm 2009 là 4,1%. Còn The Economist dự báo tốc độ tăng trưởng của VN từ năm 2011 đến 2020 khoảng 5,1%. Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần chấp nhận tăng trưởng chậm trong một vài năm, xác định ổn định và phát triển bền vững là ưu tiên số một. Trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, Nhà nước cần xác định nhiệm vụ năm 2009 là ổn định vĩ mô, đánh giá lại các chỉ tiêu GDP, lạm phát; ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn chặn tác động khủng hoảng tài chính.

nlđ

Các tin tức khác

>   Lạm phát hay giảm phát đều nguy hiểm! (29/10/2008)

>   Doanh nghiệp phải tự “lột xác” (29/10/2008)

>   Cho xuất khẩu gạo tự do đến tháng 2-2009 (29/10/2008)

>   Giá cá tra lại giảm (29/10/2008)

>   Kênh phân phối siêu thị trăng trưởng nhanh (29/10/2008)

>   Khó tránh giảm phát trong thời gian dài (29/10/2008)

>   Tây Ban Nha đặt mục tiêu thương mại 2 tỉ đô la với VN (28/10/2008)

>   Đua mở sàn giao dịch bất động sản (28/10/2008)

>   Lao động trong ngành ôtô mất việc làm (28/10/2008)

>   Cùng bơi trên biển, sao chỉ tập đoàn được phao cứu sinh? (28/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật