Lạm phát hay giảm phát đều nguy hiểm!
Những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế - xã hội, công tác điều hành và những kinh nghiệm cho năm 2009 được Quốc hội dành trọn hai ngày 28 và 29 để phân tích, mổ xẻ một cách cặn kẽ
Nhiều năm qua, Chính phủ đã dồn vốn, tập trung cổ phần hóa để nâng cao hiệu lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Các đơn vị này chiếm 50% vốn đầu tư Nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và 80% tổng dư nợ tín dụng.
Thế nhưng đến nay, “hiệu quả đầu tư nếu so sánh thì nhiều DNNN, nhất là những công ty lớn, những tổng công ty và những tập đoàn kinh tế lớn là hiệu quả thấp nhất”. đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) nhận xét như vậy hôm qua, 28-10, trong phiên thảo luận tại hội trường.
Đầu tư lớn, hiệu quả thấp
Theo báo cáo kiểm toán, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở khối này chỉ đạt 17,04%, thấp nhất trong 3 khối DNNN, DN dân doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Nắm nhiều tiền nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, tức là hàng ít. Thời gian qua, chỉ tính riêng một số tập đoàn và tổng công ty đầu tư vào 3 lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng và bất động sản đã là 7.370 tỉ đồng.
Số tiền không lớn nhưng số lượng tuyệt đối thì khá lớn. Điều này góp phần làm thiếu vốn cho khối sản xuất và góp phần làm mất cân đối của nền kinh tế, tạo ra môi trường không thật công bằng trong sản xuất kinh doanh. Nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân gây ra lạm phát”- ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phân tích.
Băn khoăn với việc kiểm soát DNNN
ĐB Đỗ Mạnh Hùng gay gắt đưa ra một loạt ví dụ: Điển hình nhất là EVN, cắt điện nhiều, liên tục kêu lỗ, đòi tăng giá. Đùng một cái lại có 2.700 tỉ đồng nói do chênh lệch giá và đề nghị khen thưởng hơn 1.000 tỉ đồng. Các DN kinh doanh xăng dầu cũng vậy, khi giá thế giới tăng cao, giá bán lẻ trong nước cũng tăng nhảy vọt tương ứng. Nhưng khi giá thế giới xuống thì chỉ giảm giá một cách chần chừ, nhỏ giọt. “Nếu đây không phải là nguyên nhân thì cũng góp phần tăng thêm khó khăn trong chống lạm phát” – ông Hùng nói.
Nhiều ĐB cũng lưu ý, rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn, các tổng công ty, khó đánh giá về khả năng trả nợ của các DNNN. có người còn băn khoăn cả chuyện bảo lãnh của Chính phủ, bảo lãnh vốn vay của một số tập đoàn lớn, nếu không có hiệu quả thì sao? Đề xuất của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội được đa số ĐB đồng tình: Năm 2009 cần giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Mặt khác, cần tập trung cải tổ triệt để và quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị này, có biện pháp hữu hiệu chống độc quyền, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN.
Cần nhiều phương án đối phó
ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) là một trong những lãnh đạo địa phương lên tiếng mạnh mẽ nhất khi đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2008.
Ông Hà nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tình hình khủng hoảng kinh tế của thế giới sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế VN. Nhận định rất thỏa đáng để có nhiều phương án đối phó. Kinh tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao. VN mới kiềm chế chứ chưa thực sự đẩy lùi được lạm phát. Nhưng cũng có khả năng dẫn tới giảm phát. “Dù giảm phát hay lạm phát thì cũng rất nguy hiểm”- ông Hà nói.
Do đó, chúng ta cần có nhiều phương án để đề phòng và đối phó. Như vậy, tình hình thế giới tác động đối với tình hình kinh tế nước ta ở những mặt nào? Theo ông Hà, trước hết là tình hình cân đối thu, chi ngân sách. Năm 2008, Bộ Tài chính dự toán ngân sách ở mức giá dầu thô 111 USD/thùng, năm 2009 là 90 USD/thùng. Đến sáng 28-10 thì giá dầu thô chỉ còn trên 61 USD/thùng. Vì vậy, để tránh bị động, đề nghị Bộ Tài chính xây dựng nhiều phương án, theo từng mức thu ngân sách khác nhau để trình Quốc hội. Tương ứng, nếu thu thấp hơn chừng nào thì sẽ cắt giảm những hạng mục nào, những công trình đầu tư nào theo thứ tự ưu tiên.
Hôm nay, 29-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009.
ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa): Không nên chèn ép
Với vai trò chủ đạo của nền kinh tế, DNNN phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, phát triển, không nên chèn ép và gây khó khăn. Điều khiến nhiều người bức xúc là tình trạng “dễ làm, khó bỏ” của các đầu tàu này trong thời gian vừa qua. Nếu làm như thế thì không những không giúp Nhà nước trong giảm lạm phát mà có khi còn gây khó khăn thêm.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM): Năm 2009 vẫn phải kiểm soát lạm phát
Xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp đều suy giảm trong năm 2009. Nhiều DN sẽ sa thải công nhân, cân đối ngoại hối khó khăn, thiểu phát sẽ xảy ra. Vì thế năm 2009 vẫn phải kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện thiểu phát vì nguyên nhân lạm phát vẫn còn nguyên. Tăng trưởng năm 2009, trong mọi tình huống phải cố gắng trên 6%, nếu không hậu quả rất lớn. Kế hoạch 5 năm GDP tăng bình quân 7,2%/năm không hoàn thành. Trường hợp thiểu phát, nên chủ động chuyển từ lạm phát bị động hiện nay sang lạm phát chủ động, từ 9%-10%, để kích thích tăng trưởng. Ngân hàng phải giảm lãi suất. Tài trợ tín dụng cho DN vừa và nhỏ. Khủng hoảng toàn cầu khiến xuất khẩu bị thu hẹp, phải triển khai kích cầu thị trường nông thôn, đầu tư tiêu dùng để mở rộng thị trường trong nước...
ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định): Các ngân hàng yếu thế phải liên doanh
Các ngân hàng nước ngoài đã bắt đầu rút vốn ra. Ngân hàng trong nước cũng rút vốn từ bên ngoài về để bảo tồn. Như vậy là ảnh hưởng đến tính liên thông. Ngân hàng Nhà nước hãy quan tâm chặt chẽ đối với các ngân hàng yếu thế, nếu ta lơ là, một tổ chức tín dụng nào đó mà bị mất tính thanh toán sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền. Nhà nước nên có cơ chế chính sách để các ngân hàng yếu thế phải liên doanh, liên kết hoặc sáp nhập các ngân hàng mạnh thì hệ thống ngân hàng mới bảo đảm được.
nlđ
|