Nhiều công trình nguồn điện chậm tiến độ
Ðoàn công tác của Chính phủ do ông Thái Phụng Nê dẫn đầu kiểm tra tiến độ các công trình nguồn điện nằm trong Quy hoạch điện VI đã kết thúc đợt kiểm tra thứ hai trong năm 2008. Theo đánh giá của đoàn, nhìn chung, các chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đã có nhiều cố gắng phối hợp để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với yêu cầu.
Theo kết quả kiểm tra, đối với các dự án đang thi công, ngoài một số dự án cơ bản bám sát được tiến độ trong Quy hoạch điện VI như dự án nhiệt điện Ô Môn I giai đoạn I, Cà Mau II, Cẩm Phả I, thủy điện Srêpok 4, Cửa Ðạt, A Vương, Sông Côn 2, Sê San 4, phần lớn các dự án còn lại đều bị chậm từ 3 đến 6 tháng (như: dự án nhiệt điện Sơn Ðộng, Quảng Ninh, thủy điện Buôn Kuốp, Ðắk R"Tih, Ðồng Nai 4, Nậm Chiến, Sông Ba Hạ...) thậm chí chậm đến hàng năm như: nhiệt điện Hải Phòng, thủy điện Ðồng Nai 3, Bản Vẽ... Các dự án chuẩn bị khởi công năm 2008 đều bị chậm 2 năm (như nhiệt điện Vĩnh Tân II, Duyên Hải I, Mông Dương I) và thậm chí là 3 năm như: nhiệt điện Mạo Khê, thủy điện Trung Sơn.
Theo đoàn kiểm tra, tiến độ các công trình bị ảnh hưởng như trên là do thời gian qua hầu hết các dự án đều bị thiếu hoặc gián đoạn vốn giải ngân. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ của hệ thống ngân hàng và mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, các ngân hàng tăng lãi suất và hạn chế ký hợp đồng cho vay vốn trong khi nguồn vốn tự có của hầu hết các chủ đầu tư đều gặp khó khăn. Chính vì vậy tỷ lệ giá trị giải ngân trên giá trị thực hiện của hầu hết các dự án đều nhỏ, giá trị thực hiện dở dang và phiếu giá còn tồn đọng tương đối lớn.
Về năng lực các nhà thầu thi công, ở hầu hết các dự án, nhân lực và thiết bị thi công của các nhà thầu đều chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên nhân chính do các nhà thầu đồng thời tham gia thi công ở nhiều dự án nên lực lượng bị dàn trải, năng lực tài chính của nhà thầu hạn chế trong khi công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và bù giá vật liệu thường bị chậm, một số dự án chưa có tổng dự toán được duyệt nên vẫn phải áp dụng chế độ tạm thanh toán 80 đến 85% giá trị khối lượng thực hiện làm cho các nhà thầu càng khó khăn hơn. Vai trò của tổng thầu không được phát huy đầy đủ: không chủ động trong phối hợp với các nhà thầu trong tổ hợp, không kịp thời hỗ trợ và thay thế nhà thầu phụ.
Ðối với công tác thiết kế, tư vấn, các dự án đều đã có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, tuy nhiên phổ biến là tình trạng chậm cung cấp bản vẽ thi công, dự toán không được cấp đồng bộ với thiết kế bản vẽ thi công. Chất lượng hồ sơ khảo sát thiết kế của nhiều dự án chưa đạt yêu cầu, trong đó công tác đánh giá điều kiện địa chất thường sai khác nhiều so với khi triển khai thực tế, đặc biệt là các mỏ đá. Các tư vấn thiết kế đều thiếu cán bộ đủ trình độ thực hiện công tác giám sát tác giả.
Về cung cấp thiết bị công nghệ, đa số các chủ đầu tư đã chú trọng đến việc sớm tổ chức đấu thầu cung cấp thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, do kiểm soát tiến độ chưa tốt nên việc cung cấp bản vẽ công nghệ và thiết bị công nghệ ở nhiều dự án vẫn bị chậm và không đồng bộ, đặc biệt là một số thiết bị phụ.
Công tác quản lý chất lượng, theo báo cáo của chủ đầu tư và tư vấn giám sát thi công, chất lượng công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, ở nhiều dự án việc thực hiện điều kiện kỹ thuật chưa được nghiêm túc, cần tăng cường lực lượng quản lý kỹ thuật của nhà thầu và tăng cường lực lượng giám sát thi công của chủ đầu tư thực hiện các điều kiện kỹ thuật thi công đập.
Sau khi kiểm tra tình hình thực hiện ở các dự án, nghiên cứu các kiến nghị của các đơn vị và địa phương liên quan, Ðoàn công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung cụ thể sau: Giao cho các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao tại các thông báo của Văn phòng Chính phủ; thực hiện các kết luận và giải pháp mà Ðoàn công tác đã đưa ra trong cuộc họp ở từng dự án, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tiếp tục điều chỉnh giá điện bảo đảm các chủ đầu tư đang đầu tư nguồn điện có lợi nhuận.
Ðối với các bộ, ngành, địa phương có dự án, chủ đầu tư, các tổng thầu và nhà thầu thi công Ðoàn công tác kiến nghị: Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cần hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án nguồn điện chuẩn bị khởi công tiếp cận được với các nguồn vốn ODA; Bộ Xây dựng hướng dẫn kịp thời các vướng mắc về thanh toán, bù giá vật liệu theo kiến nghị của các chủ đầu tư và nhà thầu; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ khẩn trương triển khai xây dựng Dự án tránh ngập Quốc lộ 28 đoạn tuyến khu vực lòng hồ thủy điện Ðồng Nai 3, hoàn thành trước khi Dự án tích nước vào tháng 6-2010; Bộ Công thương thực hiện các kết luận của Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch điện VI tại Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 19-9-2008 của Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên thu xếp đủ vốn cho các dự án nguồn điện đưa vào vận hành từ nay đến năm 2010. Chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải ngân kịp thời phần vốn di dân tái định cư và mua sắm thiết bị cơ khí thủy công trong nước của Dự án thủy điện Huội Quảng, Bản Chát và các dự án nguồn điện khác đã ký hợp đồng vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Ðối với các chủ đầu tư, Ðoàn công tác yêu cầu cần tăng cường công tác quản lý dự án; kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành và thực hiện thanh toán bù giá vật liệu và một số chi phí khác cho nhà thầu theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17-4-2008, Văn bản số 1551/BXD-KTXD ngày 1-8-2008 và Thông tư số 17/2008/TT-BXD ngày 2-10-2008 và các văn bản hướng dẫn khác của Bộ Xây dựng.
Nhân dân
|