Tránh áp lực từ chỉ tiêu tăng trưởng
Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM Trần Du Lịch cho rằng: Năm 2009, Chính phủ vẫn quyết tâm duy trì 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc lựa chọn tăng trưởng GDP năm 2009 là 6-6,5% thay cho 7% như Tờ trình ra Quốc hội. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý cắt giảm đầu tư công từ các dự án sử dụng vốn ngân sách của các TCty, tập đoàn kinh tế lớn, tập trung kích cầu nền kinh tế trong nước bằng các giải pháp riêng rẽ...".
- Thưa ông, lý do nào để ông chọn giải pháp tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2009 ?
Tôi nghĩ như vậy là phù hợp với bối cảnh nền kinh tế trong nước và những biến động của kinh tế thế giới. Không phải Quốc hội không muốn tăng trưởng cao, nhưng bài học từ xây dựng dự báo kinh tế vĩ mô năm 2008 vừa qua cho thấy: Sự nóng vội trong xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, do không nắm chắc nguồn lực đầu tư, tình hình biến động lạm phát trong nước và khủng hoảng tài chính toàn cầu... chính là bài học lớn cho điều hành kinh tế vĩ mô của chúng ta. Hiện, tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nền kinh tế số 1 thế giới đang khủng hoảng tài chính, có dấu hiệu suy thoái, tất nhiên sẽ ảnh hưởng không chỉ gián tiếp mà là trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường này của năm 2009. Do vậy sự cân nhắc chỉ tiêu tăng trưởng để tránh những áp lực tăng trưởng bằng mọi giá là điều cần thiết...
- Hiện giá dầu mỏ trên thế giới đã xuống dưới 70 USD/thùng, trong nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thương mại, bên cạnh đó chỉ số giá tiêu dùng CPI hạ nhiệt trong 2 tháng 9-10. Đã có dấu hiệu nền kinh tế Việt Nam phục hồi. Như vậy, nhóm 8 giải pháp kiềm chế lạm phát của chúng ta đã có tác động tốt, do vậy có ý kiến cho rằng năm 2009 sẽ dễ thở hơn ?
Báo cáo KT-XH của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày vẫn nêu những khó khăn thách thức của 2009 cơ mà, lạm phát có hạ nhiệt nhưng chưa thể đẩy lui trong ngày một ngày hai. Các ngân hàng hạ lãi suất cho vay thương mại, nhưng thực tế tiếp xúc các DN họ vẫn kêu không thể tiếp cận nguồn vốn bởi lãi suất vẫn còn cao (16,5 - 17%). Chúng ta kêu gọi thúc đẩy sản xuất thị trường trong nước, điều chỉnh các mục tiêu xuất khẩu thương mại là đúng rồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhóm các chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô vẫn cần thực tế diễn biến thị trường hơn. Thị trường tài chính Mỹ chao đảo, Châu Âu cũng chịu ảnh hưởng, chắc chắn hàng hoá xuất khẩu, gia công của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Do vậy, tôi cho rằng, nếu không có giải pháp điều hành ứng cứu kịp thời, năm 2009 có khả năng còn khó khăn hơn năm 2008...
- Ông bình luận gì khoản cắt giảm hơn 3.000 tỷ đồng từ các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước của các tập đoàn kinh tế vừa qua ?
Sự đồng hành với Chính phủ của các DN cùng kiềm chế lạm phát, cắt giảm chi tiêu công, không đầu tư các dự án lớn chưa cần thiết, không đồng nghĩa với việc chúng ta bỏ qua việc linh hoạt trong đầu tư tăng trưởng. Cá nhân tôi cho rằng: Quốc hội cần giám sát lại khoản hơn 3.000 tỷ các DN lớn của Nhà nước báo cáo. Đây là khoản cắt giảm từ những dự án đệ trình trên dự án, khoản đầu tư cho những năm 2009-2010 hay của năm 2008? Con số liệu có thực hay không thể giải ngân được nên đưa vào báo cáo trình Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, rồi cho rằng đã cắt giảm không đầu tư để kiềm chế lạm phát?
Tôi nói lên điều này, bởi từ trước đến nay lợi ích của quốc gia, lợi ích của DN, tập đoàn kinh tế chưa đồng nhất. Hiện vẫn còn nhiều DN xin tăng giá điện nước, giá bán than, xăng dầu thế giới xuống, nhưng trong nước xuống chưa tương xứng... Nói thực, điều hành giá cả trong nước vẫn còn nhiều vấn đề cần xem lại...
- Cảm ơn ông !
dddn
|