Cần nhiều nhà đầu tư dự án điện để tạo cạnh tranh
Đầu tư vào các dự án nhiệt điện vẫn ẩn chứa nhiều giá trị lợi nhuận trong tương lai. Trước sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các dự án nguồn điện EVN trả lại, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) Tạ Văn Hường cho rằng phải làm quyết liệt mới kịp.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc phỏng vấn ông Hường xoay quanh việc triển khai các dự án nguồn nhiệt điện.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Một trong những khó khăn lớn trong việc đầu tư vào 5 trung tâm nhiệt điện lớn trong thời gian sắp tới là chưa có nguồn than. Vậy bài toán đầu vào này sẽ được giải như thế nào để quy hoạch tổng sơ đồ VI ngành điện không bị phá vỡ vì chậm trễ và thiếu tính toán, thưa ông?
Ông Tạ Văn Hường: Những dự án nào đã được phê duyệt dùng nguồn than trong nước như dự án Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 1 hay Vĩnh Tân 2 đều được tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm bảo cung cấp than theo chỉ đạo của Thủ tướng. Các dự án còn lại phải dùng than nhập khẩu, chủ đầu tư phái tính toán và đấu thầu được nguồn than sử dụng suốt vòng đời vận hành dự án.
Thực tế, nếu sử dụng than nhập thì không lo thiếu nguồn vì các chủ đầu tư có thể mua các nguồn than khác nhau từ Indonesia, Brazil. Vấn đề là giá cả nhập khẩu mà thôi. Vì thế sau khi tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rút lui, chúng tôi muốn mở rộng danh sách các chủ đầu tư là các nhà đầu tư nước ngoài vì khi quyết định đầu tư dự án, họ sẽ có những tính toán về nguồn nguyên liệu sản xuất.
Việc mở rộng đối tượng đầu tư sẽ chia sẻ được cả thuận lợi và khó khăn giữa Chính phủ và các nhà đầu tư vào ngành điện. Vì đối với các nhà đầu tư trong nước, thực tế Chính phủ vẫn phải đứng đằng sau các dự án, lo vốn cho các dự án thông qua chỉ đạo các ngân hàng thu xếp vốn cho dự án. Tức là về bản chất, nhà nước vẫn phải lo vốn tại các dự án của chủ đầu tư trong nước.
Vẫn vấn đề nguồn than, thưa ông, khi thẩm định dự án thì các thuyết trình về nguồn nguyên liệu cho dự án có thể vẫn chỉ là trên giấy. Còn thực tế khi dự án đi vào vận hành, nếu điều kiện giá nguyên liệu than không ổn định, thì tiến độ dự án có thể bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho những dự tính về nguồn cung điện của nước ta?
Đây không phải là các dự án cấp bách. Tất cả các dự án này theo dự tính đều vận hành từ năm 2014 trở đi. Do vậy, nếu các chủ đầu tư làm quyết liệt thì vẫn kịp tiến độ. Hơn nữa, với tình hình thế giới đang khủng hoảng tài chính, ngành sản xuất, kinh doanh cũng bị tác động thì nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng giảm đi.
Xin nhắc lại là nếu Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và các cơ quan thẩm định kỹ càng thì không lo về tiến độ hay đầu vào. Do vậy, chủ đầu tư các dự án mà EVN rút không thể là một đơn vị được mà phải là nhiều đơn vị để tạo nên tính cạnh tranh.
Hai dự án nguồn điện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đầu tiên ở nước ta là Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 3 có thời gian đàm phán về giá điện là 6 năm trước khi bắt tay đầu tư dự án. Với những biến động về giá cả và tài chính như hiện nay thì quãng thời gian ấy có thể lâu hơn, và việc chậm tiến độ vẫn là điều hoàn toàn có thể xảy ra, thưa ông?
Với các dự án BOT, việc đàm phán lâu là bản chất. Ở Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 3, thời gian đàm phán như vậy còn được quốc tế đánh giá là nhanh đấy. Bởi vòng đời dự án là các hợp đồng mua-bán từ 20 năm đến 30 năm, không thể vội vàng được.
Với việc rút lui của EVN, dường như cánh cửa đầu tư vào ngành điện được mở rộng hơn. Vậy theo tính toán thì dự kiến các dự án BOT chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng sơ đồ VI và việc gia tăng tỷ lệ đầu tư BOT là có lợi hay không?
Thực tế chưa có nghiên cứu nào về tỷ lệ các dự án BOT chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng sơ đồ. Một nghiên cứu không chính thức cuối quy hoạch tổng sơ đồ IV tính toán cỡ chừng 20%. Chúng ta có thể nâng con số này lên cao hơn chừng 10% vì thực tế càng nhiều dự án BOT càng dễ điều hành vì có nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường.
Nhưng bản chất của dự án BOT vẫn là được Chính phủ nước sở tại bảo lãnh. Nếu có những biến động, rủi ro mà nhà đầu tư rút thì cũng có rất nhiều vấn đề khó khăn sẽ xảy ra, thưa ông?
Nếu Chính phủ không bảo lãnh cho các dự án đầu tư vào năng lượng điện thì không nhà đầu tư nào làm vì vòng đời, tiền vốn cho dự án là các con số quá dài và quá lớn. Nhưng các nhà đầu tư có thể yên tâm về tính ổn định vì các hợp đồng BOT không ngại rủi ro về giá khi các hợp đồng mua bán điện đều được đàm phán với thời hạn 20 năm, mỗi năm tính thêm trượt giá 2%. Nhà đầu tư chỉ lo đầu tư thôi, không phải lo làm thị trường như các ngành khác, nên yên tâm mà đầu tư.
Nhưng trong điều kiện khủng hoảng tài chính như hiện tại, ông có e ngại là các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thăm dò, thay vì rót vốn thực tế vào các dự án điện vì thời gian quay vòng đồng vốn lâu?
Họ quan tâm và muốn đầu tư thật vì đây là các dự án có thể sinh lời nhiều triệu đô la Mỹ trong nhiều năm với các bản hợp đồng chắc chắn. Hơn nữa, thị trường phát điện cạnh tranh của nước ta là tương lai nên còn nhiều hứa hẹn. Có điều, trong thời điểm hiện tại thì giá điện phải tăng từ từ, không thể thả nổi giá thị trường ngay được nên các nhà đầu tư cũng cần thời gian để chuẩn bị.
Thưa ông, EVN lo thiếu vốn và nhiều dự án của họ vài tháng trước chưa thu xếp được vốn từ các ngân hàng do bản thân các ngân hàng cũng gặp khó. Hiện nay, khi tình hình đã được cải thiện, các hợp đồng đàm phán này đã đuợc nối lại chưa?
Chính phủ không cho phép dừng các dự án điện vì đó là an ninh năng lượng. Chính phủ đã thành lập một tổ chuyên trách chuyên lo vốn cho các dự án điện. Chúng tôi hiện chưa có báo cáo nào về việc ngừng đàm phán và EVN không được quyền hủy bỏ các kế hoạch xây dựng các dự án theo quyết định.
tbktsg
|