Thứ Năm, 30/10/2008 06:20

Gần 2 năm gia nhập WTO - Việt Nam được những gì?

Sau gần 2 năm gia nhập WTO, VN đã học được những gì trong việc điều hành vĩ mô? Những vấn đề được các chuyên gia hàng đầu của VN mổ xẻ khá kỹ tại hội thảo “Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO, những thành tựu và thách thức” do Viện Khoa học pháp lý kinh doanh quốc tế tổ chức ngày 29-10 tại TPHCM.

Hình thành chuẩn mực quản lý, kinh doanh mới

Theo nhận định của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, sau 2 năm gia nhập WTO, VN là đã xuất hiện nhiều cơ hội mới. Luồng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng rất mạnh. 9 tháng, VN đã thu hút được 56,2 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2007. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, 9 tháng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 48,6 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý, kim ngạch tăng cao ngoài yếu tố giá thế giới tăng thì mức tăng về lượng đã lên tới 35% trong tổng kim ngạch. Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất và đáp ứng các đơn hàng của DN được nâng lên. Riêng nhóm hàng hóa khác (chưa có thống kê cụ thể gồm những mặt hàng nào) đã đạt tới 11,2 tỷ USD, tăng tới 60%, cho thấy đã và đang có sự dịch chuyển rất lớn trong việc đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới trên thế giới.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, việc thực hiện cam kết về mở cửa thị trường, áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử, xóa bỏ bao cấp và các loại trợ cấp bị cấm, công khai minh bạch chính sách… đã thúc đẩy việc hình thành tư duy, các chuẩn mực quản lý mới trong bộ máy quản lý nhà nước.

Thách thức, yếu kém lộ rõ!

Cùng quan điểm trên, nhưng TS Võ Trí Thành, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã chỉ rõ mối tương tác giữa VN với các nước khi gia nhập WTO. Nếu như năm 2007, năm đầu tiên VN vào WTO với tinh thần đầy phấn khởi thì bước sang năm 2008 các nhà điều hành vĩ mô lại rơi vào tình trạng phải đắn đo về chính sách. Kinh tế VN  bắt đầu chịu những “cú sốc” khá nặng. Việc biến động của giá dầu và khủng hoảng tài chính thế giới đã tác động trực tiếp đến VN. Hệ quả là lạm phát tăng cao, cán cân thương mại bị thâm hụt nghiêm trọng.

Cũng theo ông Thành, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 dự kiến là 34% nhưng tăng trưởng về giá đã chiếm đến 20% (việc tăng giá không đóng góp vào tăng trưởng GDP). Trong lĩnh vực đầu tư, dự kiến năm nay sẽ đạt 60 tỷ USD vốn FDI, vốn thực hiện sẽ đạt 11 tỷ USD nhưng khả năng giải ngân thực sự chỉ đạt 8 tỷ USD. Theo cảnh báo của ông Thành, đầu tư tư nhân đang bị thoái lui bởi nhiều lý do. Đầu tư công vẫn đang bị thất thoát rất lớn. “VN đã chi cho xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia tới hơn 350 triệu USD, trong khi Trung Quốc xây dựng sân vận động Tổ Chim phục vụ Olympic 2008 cũng chỉ tốn chừng đó tiền. Số tiền thì giống nhau nhưng nếu ai đã từng xem qua tivi trong thế vận hội sẽ thấy rõ sự chênh lệch về mức độ hoành tráng của 2 công trình này!” – ông Thành chứng minh.

Theo dự tính, thất nghiệp năm 2008 vào khoảng 5,1%, trong đó xu hướng những người có trình độ bị thất nghiệp ngày càng cao. Tỷ lệ giàu nghèo ngày càng giãn ra, trong đó người có tài sản cao hơn nhiều so với người có thu nhập cao. VN bắt đầu hình thành một tầng lớp trung lưu mới, có vai trò rất quan trọng trong tương lai…

Bài học nào cho VN?

Bình luận về những thách thức nội tại của VN, ông Antonio Berenguer, Cố vấn thương mại Ủy ban châu Âu tại VN cho rằng: lạm phát cao sẽ “ăn mòn” tăng trưởng kinh tế và khiến người nghèo không có cơ hội hưởng lợi từ việc gia nhập WTO!

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng nhìn nhận, 2 năm gia nhập WTO đã giúp VN hiểu rõ mình hơn. Sự biến động của thị trường thế giới tác động nhanh, mạnh đến trong nước, đặc biệt là các thành tố có tính ổn định kém của nền kinh tế toàn cầu như dầu mỏ, luồng vốn đầu tư và thị trường tài chính.

Để tận dụng được cơ hội, theo khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước, VN vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết với WTO. Hoàn thiện thể chế thị trường gắn với việc xây dựng các tiêu chí và cơ chế kiểm soát các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thay vì chủ yếu dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên, nguyên liệu thô sang phát triển công nghệ, xuất khẩu các sản phẩm tinh. Phát triển nguồn nhân lực, coi đây là sức mạnh cơ bản và dài hạn, là yêu cầu bất biến trong một thế giới phẳng và biến đổi không ngừng.

Nói về thành tựu và thách thức của VN sau 2 năm gia nhập WTO, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng: Nếu chúng ta linh hoạt trong chính sách, không đặt nặng vấn đề tăng trưởng để phải đánh đổi một cái gì đó, tạo đà cho các DN nhỏ và vừa phát triển gắn với cải cách hành chính, cải cách DN nhà nước thì VN sẽ vượt qua được những cú sốc hiện tại. Năm 2009 sẽ “dễ thở” hơn. Làm được những  điều này, VN nhất định sẽ lớn và trưởng thành trong WTO.

sggp

Các tin tức khác

>   VNPT, Viettel "bắt tay" chống nghẽn điện thoại cố định (30/10/2008)

>   Tăng trưởng năm 2009 sẽ khó khăn hơn năm 2008 (30/10/2008)

>   Phập phồng lo dự trữ hàng Tết (29/10/2008)

>   Chuyển đổi doanh nghiệp một số doanh nghiệp nhà nước (29/10/2008)

>   RMIT đào tạo nâng cao cho nhân viên KPMG (29/10/2008)

>   Phát hiện thêm nhiều vi phạm kinh doanh xăng dầu (29/10/2008)

>   Thủy điện nhỏ bí đầu ra vì thiếu đường truyền (29/10/2008)

>   Nên tranh thủ giải quyết những vấn đề nội tại (29/10/2008)

>   Hơn 200 doanh nghiệp tham gia Triển lãm quốc tế về năng lượng (VE Expo 2008) (29/10/2008)

>   Vì sao có tình trạng thừa-thiếu quặng sắt ở Thái Nguyên? (29/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật