Chưa tính hết tác động kinh tế, xã hội của các dự án
Việc triển khai những dự án hạ tầng lớn mà chưa đánh giá hết tác động lên môi trường, đời sống và lợi ích người dân đã gây ra những hậu quả không thể tính hết bằng tiền.
Trao đổi về vấn đề này với TBKTSG, TS. Ngô Văn Điểm, nguyên Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (cũ), cho rằng đầu tư nhà nước góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung và đầu tư nhà nước nói riêng của Việt Nam đang ở mức rất thấp.
Đầu tư kém hiệu quả có phần vì đầu tư nhà nước chủ yếu cho kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội nên tác động đến tăng trưởng GDP có độ trễ, nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan. Đó là sai sót trong quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện đầu tư và vấn nạn tham nhũng.
“Chúng ta đang chỉ tập trung vào việc chuẩn bị, phê duyệt dự án mà bỏ lửng khâu vận hành và khai thác dự án một cách hiệu quả, phục vụ lợi ích của xã hội. Trong người dân, môi trường”, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sĩ Liêm, nói.
Các nước từ lâu đã áp dụng phương pháp phân tích chi phí và lợi ích với các công trình trong khi ở Việt Nam điều này còn mới lạ. “Chưa có ai nghiên cứu việc thi công một con đường chậm, một cây cầu chậm thì thiệt hại bao nhiêu, bao nhiêu người chết vì tai nạn, bao nhiêu sản phẩm lẽ ra giảm chi phí nhờ con đường, những cái đó không tính thành tiền được”, ông Liêm nói.
Theo TS. Điểm, “trong hồ sơ dự án đầu tư và khi thẩm định, thẩm tra, các cơ quan chức năng đều có tính toán đến lợi ích, tác động xã hội như vấn đề môi trường, giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhà ở cho công nhân... Nhưng cách làm hiện nay chưa ổn”.
Ông cho rằng, nói tác động xã hội là phải tính đến cuộc sống của người dân. Muốn chính sách sử dụng vốn nhà nước nói chung và từng dự án nói riêng hợp lòng dân thì người dân phải có vị trí xứng đáng trong việc hình thành các chính sách đó. Không thể tổng kết, đánh giá thực tiễn về chính sách một cách chung chung như hiện nay, mà cần tiến hành điều tra một cách khoa học.
Ông Liêm bức xúc cho rằng vẫn chưa hết thực trạng “vốn nhà nước là những mâm cỗ hấp dẫn”. Đa số các dự án xây dựng cơ bản được quan tâm nhiều ở khâu chuẩn bị đầu tư và đầu tư nhưng ít ai quan tâm đến việc dự án sau khi hoàn thành sử dụng thế nào, hiệu quả ra sao, bởi khâu đầu “hấp dẫn” hơn nhiều. Tình trạng “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi” với các dự án không phải là hiếm.
“Khái niệm đầu tư của ta không gắn với khâu vận hành sau khi hoàn thành. Khi đầu tư kết cấu hạ tầng, người ta đã “quên” việc đánh giá vòng đời của dự án trong dài hạn. Vì thế mới có chuyện ngành đường bộ của ta mới chỉ khai thác được 60% công suất”, ông Liêm nói.
Mặt khác, không ít những con đường có mục tiêu khơi thông kinh tế miền núi đã gây ra phá rừng, chặn dòng nước, gây ngập lụt cho dân. Có những con đường cao tốc mà hiệu quả lợi ích quốc gia chưa rõ ràng nhưng gây hậu quả ngay trước mắt là cản trở việc làm ăn và đời sống người dân địa phương, tai nạn gia tăng, nông dân phải xa rời mảnh ruộng bên kia đường.
tbktsg
|