Đừng ngồi chờ Chính phủ
“Để giải quyết nguồn vốn, thảo gỡ khó khăn cho DN, đề nghị Chính phủ cần dành ra một khoản vốn cho DNNVV vay, và sớm phát triển hệ thống Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DN”. Đó là đề xuất của 1 DN tại hội thảo “Khó khăn, thách thức do biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của DN Việt Nam”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, VCCI và ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây. Theo các chuyên gia, hiện các ngân hàng vẫn còn dư nguồn vốn để cho DN vay. Tuy nhiên vấn đề là DN và ngân hàng chưa thể gặp nhau bằng con đường lãi suất.
Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (GFSR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 10/2008 nhận định rằng, tình hình tài chính toàn cầu đã xấu đi. Theo đó, chỉ số đòn bẩy tài chính đang giảm nhanh và làm tăng rủi ro, gây bất lợi nghiêm trọng cho quan hệ giữa hệ thống tài chính và nền kinh tế tổng thể. IMF cũng nhấn mạnh quyết tâm của các chính phủ trong việc đối phó với các thách thức này, nhưng cho rằng một cam kết chung của các chính phủ nhằm giải quyết hiệu quả những thách thức sẽ có ích cho sự hồi phục của ổn định tài chính toàn cầu.
DN tiếp tục gặp khó
Trong tình hình khó khăn chung của thế giới, Việt Nam cũng đang gặp một số trở ngại . Khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra. 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước đạt khoảng 38,5% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 32% kế hoạch đã điều chỉnh. Việc giải ngân các nguồn vốn này chậm, có nghĩa là vốn đầu tư sẽ chậm phát huy hiệu quả trong việc góp phần tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả đầu tư thấp, hệ số ICOR cao, tình trạng đầu tư dàn trải chưa được khắc phục, việc cắt giảm, tạm đình hoãn các dự án đầu tư cần phải được rà soát, đánh giá thực chất, nhất là việc cắt giảm đầu tư ở các DN nhà nước (theo báo cáo là 1.145 dự án với giá trị trên 31 nghìn tỷ đồng).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền khẳng định, thực tế cho thấy chất lượng, hiệu quả đầu tư của DN có vốn nhà nước thấp hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân. Mặc dù đều chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực DN ngoài nhà nước 9 tháng đầu năm vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao là 20,9%, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,9% (không kể dầu thô), trong khi khu vực DN nhà nước chỉ tăng 5,9%. Với cơ chế phân cấp như hiện nay, rất khó kiểm soát và đánh giá hoạt động đầu tư của các tập đoàn và TCty nhà nước, khó đánh giá về khả năng trả nợ vay của các DN nhà nước.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa tiếp tục khó khăn do thiếu vốn và do nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm. Các DN trong nước phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, nên việc tự huy động vốn để ổn định sản xuất là rất khó khăn. Nhiều DN chủ yếu dựa vào vốn vay của ngân hàng, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, lãi suất ở mức cao, điều kiện cho vay của các ngân hàng chặt chẽ hơn càng làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của nhiều DN để duy trì sản xuất, kinh doanh. Các DN phải thu hẹp sản xuất, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, giảm lao động, thậm chí có DN phải ngừng hoạt động... Những khó khăn trên nếu không được kịp thời tháo gỡ thì ngoài việc không tạo được thêm việc làm còn tác động xấu đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn.
Động lực của phát triển là khu vực dân doanh
Không thể phủ nhận vai trò của khu vực DN dân doanh. Tổng số vốn đầu tư của khu vực dân doanh cả năm ước đạt 180 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong đầu tư phát triển. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước cả năm cũng đạt 60 tỷ USD, gấp 3 lần năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN nhỏ và vừa đã và đang khó khăn do thiếu vốn. Trong bối cảnh khủng hoảng chung, chính sách thắt chặt tín dụng và duy trì lãi suất cao của ngân hàng sẽ khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động, sẽ gây tác động xấu trong trung và dài hạn... Việc áp dụng một số sắc thuế thiếu lộ trình minh bạch cũng gây rất nhiều khó khăn cho DN. Riêng trong năm qua đã có 2 lần điều chỉnh thuế nhập khẩu ôtô, 3 lần điều chỉnh thuế xuất phôi thép, 2 lần điều chỉnh thuế xuất khẩu gạo...
Vì vậy, Chính phủ đưa ra các giải pháp lớn để tiếp tục kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trước hết, sẽ tăng năng lực các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm mà thị trường đang có nhu cầu; phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến, nhất là công nghiệp cơ khí và chế biến khoáng sản. Thu hút mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường; phát triển nhanh một số ngành công nghiệp hỗ trợ có lợi thế cạnh tranh. Bảo đảm đủ vốn cho sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, hàng xuất khẩu và vốn để đẩy nhanh thi công, sớm đưa vào sử dụng các dự án, các công trình quan trọng nhằm tăng năng lực sản xuất và lưu thông hàng hoá. Ban hành danh mục kêu gọi đầu tư cùng với các chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư các công trình hạ tầng. Có chính sách hỗ trợ phù hợp để phát huy hiệu quả của các DN nhỏ và vừa.
DN phải tự cứu
Theo ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thì, các DN, nhất là các DN nhà nước cần tích cực đổi mới công nghệ, hoàn thiện quản lý, triệt để tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nhằm hạ giá thành, phí lưu thông, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm... chứ không thể chỉ trông chờ vào các giải pháp của Chính phủ. Về phần Nhà nước, theo ông Kiêm thì cần ban hành chính sách thích hợp để khuyến khích DN thực hiện các yêu cầu này. “Tôi cho rằng ngoài sự nỗ lực của chính bản thân DN, vấn đề nguồn vốn đối với DN đang là vấn đề bức thiết nhất. Đề nghị Chính phủ dành số vốn thích ứng cho DN vay theo đúng như đóng góp của các DN nhỏ và vừa cho nền kinh tế. Lượng vốn này nên dành tập trung cho các DN, mặt hàng đang có điều kiện phát triển. Thứ hai, đề nghị Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, miễn, giảm, hoãn nộp thuế cho một số DN, ngành hàng đang gặp phải khó khăn do tác động xấu của tình hình kinh tế thế giới và trong nước”- ông Kiêm nói.
Vừa qua lại có thêm khuyến cáo: Việt Nam nên thắt chặt tín dụng và đặt mức tăng trưởng thấp hơn 6%. Trước khuyến cáo này, các chuyên gia cho rằng, chúng ta trân trọng mọi sự khuyên giải, song mọi sự góp ý chỉ là tham khảo. Một trong những bài học chống lạm phát thành công trong quá khứ là nhà nước biết dựa vào dân. Vì vậy, trong cuộc chiến chống lạm phát hôm nay, không nên theo một lời khuyên hay đặt “cọc” vào một thành tố nào đó, mà phải động viên mọi người, mọi DN cùng “vào cuộc”. Ngày nay, trên mặt trận kinh tế càng cần phải có nhiều DN lớn và nhỏ cùng tham gia, vì điều cốt tử của làm kinh tế là hiệu quả, thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận. Về mặt này, các DN nhà nước bên cạnh lợi thế về mặt bằng và các ưu tiên khác còn được giao cho sử dụng 80% vốn và tài sản nhà nước, song mới làm ra 17% lợi nhuận trên tổng số khoảng 410.000 tỷ đồng vốn của chủ sở hữu, là chưa tương xứng! Và, về phương diện vĩ mô Nhà nước cũng cần xem lại việc động viên và phân bổ các nguồn lực sao cho hiệu quả và công bằng!
diễn đàn doanh nghiệp
|