Việt Nam sau hai năm gia nhập WTO:
Học cách đối phó với những cú sốc
Ngày 29.10 tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo "VN sau hai năm gia nhập WTO, những thành tựu và thách thức", đánh giá các cơ hội và nêu sự hạn chế của thể chế, năng lực của doanh nghiệp (DN).
Chưa tận dụng tốt cơ hội
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nêu các cơ hội như làn sóng đầu tư tăng mạnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm và đảm bảo tăng trưởng. Các DN VN xuất khẩu mạnh và tăng nhanh do thị trường được mở rộng. Một cơ hội rất quan trọng là hình thành tư duy quản lý và chuẩn mực kinh doanh mới.
Các DN quan tâm đến xây dựng chiến lược kinh doanh, tổ chức thị trường, tạo dựng thương hiệu và văn hoá DN. TS Võ Trí Thành - Viện QLKT T.Ư - phân tích, WTO là nền cho các cam kết, tạo cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước phải can thiệp công bằng đối với các thành phần kinh tế. WTO thúc đẩy từng thành viên phải hài hoà hoá các cam kết hội nhập. Hài hoà giữa chính sách pháp luật, thể chế trong nước với phát triển kinh tế để các nguồn lực được phân bổ hợp lý nhất.
Nhưng thách thức đang tác động rõ hơn, trước hết là cạnh tranh rất gay gắt, nhập siêu tăng mạnh. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng. Năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Một thách thức khác là sắp tới các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn nên các dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng về tiến độ. Xuất khẩu của VN sẽ giảm vì sức tiêu dùng giảm. Nạn thất nghiệp sẽ tăng cao.
Một con số được đưa ra tại hội thảo là VN nhập khẩu vàng có số lượng lớn nhất thế giới trong năm 2008, khoảng 2,75 tỉ USD. Hàng trăm tấn vàng trong dân chứng minh lòng tin của người dân vào nền kinh tế không cao, người dân đang tự bảo vệ nguồn vốn hơn là đầu tư. Đầu tư tư nhân bị thoái lui, hiệu quả đầu tư của DNNN không cao và còn rất nhiều sự nghi ngờ về năng lực của hệ thống DN này.
Phải làm gì?
Trước hết phải hoàn thiện thể chế, thể chế quyết định thủ tục và cải cách hành chính. Phải có triết lý pháp lý mới dựa trên quan hệ của một xã hội dân sự. Làm luật không phải để bịt các kẽ hở mà xác lập quyền của công dân trong hoạt động kinh tế, làm luật để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tiếp theo là tập trung nguồn nhân lực vì đây là sự cạnh tranh cơ bản nhất, lâu dài nhất.
Nhưng đòi hỏi quyết liệt nhất là VN tiếp tục hội nhập sâu và rộng, hội nhập như một sức ép để cải cách. Hội nhập thì phải thay đổi pháp luật và các chính sách, tạo ra niềm tin về phát triển dài hạn. VN vẫn tiếp tục có lợi thế so sánh về tài nguyên, lao động nên phải khai thác. DN cũng như Chính phủ VN qua hai năm gia nhập WTO và thử thách của đợt khủng hoảng đã học được nhiều bài học, học cách đối phó với các cú sốc để tồn tại và trưởng thành.
Trong những năm tới, Nhà nước cần có các chính sách hiệu quả để ổn định xã hội, vượt qua các nhóm lợi ích để lo cho người nghèo. Phải có sự đột phá về chất trong xây dựng kết cấu hạ tầng, điện nước, giao thông vận tải, cảng biển, bến bãi, dự kiến cần khoảng 650 tỉ USD.
Điểm chung nhất rút ra từ hội thảo là phải cải cách cơ cấu, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Tăng trưởng gắn với cải cách và tạo đà cho DN, không gây đổ vỡ xã hội. Cơ hội không tự nó sinh ra lợi ích, mà thông qua hành động của chủ thể nắm giữ cơ hội đó mới sinh ra lợi ích. Cho nên nếu không khai thác được cơ hội thì các cơ hội đó sẽ trở thành thách thức.
lao động
|