Thứ Năm, 30/10/2008 09:42

Không bố trí vốn cho các dự án mới

Trong kế hoạch bố trí các nguồn vốn cho đầu tư phát triển năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trình phương án hạ thấp tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước so với các năm trước và không bố trí số vốn này cho các công trình xây dựng khởi công năm tới.

Những hệ quả chuyển tiếp của năm 2008

Sắp xếp lại kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát là yêu cầu hàng đầu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Một trong hai nghị quyết quan trọng đầu tiên của năm 2008 (Nghị quyết số 02/2008) nhấn mạnh các giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường chống thất thoát, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB).

Tuy nhiên, tư tưởng chỉ đạo đó được quán triệt đến đâu và thực hiện như thế nào lại là một vấn đề khác.

Khi bố trí vốn, Chính phủ yêu cầu tập trung hơn, khắc phục dần tình trạng dàn trải, phân tán của các năm trước, tập trung cho các công trình trọng điểm, dự án hoàn thành trong năm và các dự án chuyển tiếp, hạn chế các dự án khởi công mới.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng quyết định không cắt giảm tổng mức đầu tư và vốn bình quân cho một dự án được bố trí cao hơn năm trước. Do vậy, tỷ trọng vốn bố trí cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp chiếm khoảng 70%, dự án khởi công mới 30%.

Dựa vào những tiền đề này, những tồn tại về việc bố trí vốn chưa hợp lý vẫn có “đất” phát triển. Chỉ có chín tỉnh giao vốn thấp hơn mức Thủ tướng giao. Đến 55 tỉnh khác vẫn giao cao hơn hoặc bằng mức quy định, lấy từ các nguồn thu sử dụng đất, tăng thu nội địa và huy động vốn vay. Nhưng ngay trong số vốn bố trí này, có những con số đáng kể chứng minh việc bố trí vốn cho các dự án quá thời hạn hoặc bố trí vốn cho các dự án khi chưa đủ thủ tục.

Bộ KH-ĐT thống kê đã có 552 dự án (1.660 tỉ đồng) quá bốn năm (nhóm B) và quá hai năm (nhóm C) vẫn được bơm vốn. Hoặc 77 dự án khác với mức vốn 308,5 tỉ đồng được phân bổ khi chưa đủ thủ tục. Thực trạng này cho thấy việc sử dụng vốn không thể nói là được thực hiện nghiêm như yêu cầu của Chính phủ.

Thậm chí, Bộ KH-ĐT còn nhận định rằng, một số bộ ngành có số vốn kế hoạch năm 2008 lớn nhưng sau khi rà soát theo quyết định của Thủ tướng không giảm được công trình dự án nào và đây cũng chính là các đối tượng sử dụng vốn từ ngân sách nhiều nhất như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Bộ Y tế.

Hoặc thậm chí nguồn vốn cắt giảm ở các địa chỉ khác nhau lại được bổ sung cho các dự án trong kế hoạch năm 2008 với lý do là thiếu vốn do trượt giá, để đảm bảo việc đưa các công trình vào sử dụng năm 2008 nhưng đến nay chưa có đánh giá chính thức nào về việc thực hiện có đúng như đề xuất khi dùng vốn hay không.

Không có nguồn để bố trí các dự án mới

Mục tiêu điều hành kinh tế năm 2009 của Chính phủ là tiếp tục kiềm chế lạm phát, thắt chặt đầu tư công. Cộng với độ trễ kéo dài của những khó khăn chuyển tiếp từ năm 2008 qua, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, theo tính toán của Bộ KH-ĐT dự kiến là 118.800 tỉ đồng (so với con số 99.730 tỉ của năm 2008), chiếm 16,4% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

So với nhu cầu vốn mà các bộ, ngành, địa phương cần  thì số vốn dự kiến chiếm khoảng 60% so với nhu cầu (cần 200.000 tỉ). Tỷ trọng nguồn vốn này thấp hơn nhiều những năm trước đây (năm 2006 chiếm 21,7%, năm 2007 chiếm 22% và năm 2008 chiếm 20,3%).

“Nếu tính đến các yếu tố trượt giá của năm 2008 thì nguồn ngân sách năm 2009 chỉ bố trí cho các công trình chuyển tiếp, các công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá các yếu tố đầu vào, không có nguồn bố trí cho các công trình mới”, Bộ KH-ĐT tính toán.

Số đầu tư dự kiến sẽ tập trung vào các các công trình kết cấu hạ tầng, công trình phục vụ mục tiêu an sinh xã hội cho đồng bào nghèo và vùng sâu, vùng xa.Nhưng nếu xem xét thật kỹ, quyết định không cấp vốn cho các dự án mới không phải là cú sốc đối với các bộ, ngành hay địa phương.

Cũng tương tự như việc không cắt giảm tổng mức đầu tư năm 2008 mà thực hiện điều chuyển nguồn vốn từ địa chỉ nọ tới địa chỉ kia, dù tỷ trọng nguồn vốn ngân sách năm 2009 thấp hơn năm trước nhưng con số dự kiến chi riêng cho XDCD là 104.000 tỉ đồng, tăng 19% so với kế hoạch năm 2008 và bằng mức thực hiện năm 2008.

Trong điều kiện các yếu tố đầu vào đang giảm giá so với đà tăng phi mã như những tháng đầu năm 2008, việc tăng tổng vốn đầu tư thực tế phải được xem là một thuận lợi cho các dự án đang thực hiện.Vấn đề còn lại chỉ là cách tiêu đồng vốn đó của các chủ đầu tư mà thôi.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Học cách đối phó với những cú sốc (30/10/2008)

>   Chưa tính hết tác động kinh tế, xã hội của các dự án (30/10/2008)

>   Đừng ngồi chờ Chính phủ (30/10/2008)

>   EVN phải sử dụng phần chênh lệch giá để đầu tư (30/10/2008)

>   Nhiều nông sản rớt giá mạnh (30/10/2008)

>   Phát hiện melamine trong thức ăn chăn nuôi (30/10/2008)

>   Doanh nghiệp sẽ thay địa phương đầu tư chợ gạo (30/10/2008)

>   Khủng hoảng tài chính lan sang thị trường nông sản (30/10/2008)

>   DN có thể bị bắt khi giao dịch thương mại với DN Tanzania (30/10/2008)

>   Tp.HCM: Hơn 1.000 taxi không ai quản lý (30/10/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật